Bài 52: Các đặc trưng cơ bản của quần thể - Sinh học 12 nâng cao
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 52 trang 215: Từ hình 52.3, em hãy chỉ ra trạng thái phát triển số lượng của 3 quần thể A, B, C và những đặc trưng về tỉ lệ các nhóm tuổi của mỗi quần thể.
Trả lời:- Ở hình A: dạng phát triển, quần thể trẻ. Tỉ lệ nhóm tuổi trước sinh sản lớn nhất.
- Hình B: dạng ổn định, quần thể trưởng thành. Tỉ lệ nhóm tuổi trước và đang sinh sản xấp xỉ như nhau.
- Hình C: dạng suy thoái, quần thể già có nhóm tuổi trước sinh sản ít hơn nhóm đang sinh sản, yếu tố bổ sung ít, có nguy cơ bị tiêu diệt.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 218 sgk Sinh học 12 nâng cao: Em hãy cho biết ở những trường hợp nào tỉ lệ đực/cái của quần thể nhỏ hơn 1?
Trả lời:* Những trường hợp tỉ lệ đực/cái của quần thể nhỏ hơn 1 là:
- Những loài trinh sản (sinh sản đơn tính), tỉ lệ con đực rất thấp, có khi không có con đực.
- Quần thể đa thê: Hải cẩu, gà, hươu, nai… tỉ lệ con cái thường gấp 2,3,4… 10 lần con đực.
- Phụ thuộc vào môi trường
Ví dụ: Trứng vịt ấp ở nhiệt độ lớn hơn 34°C có tỉ lệ con cái nhiều hơn con đực.
Bài 2 trang 218: Em hãy cho biết khái niệm về tuổi thọ sinh lí, tuổi thọ sinh thái và tuổi quần thể.
Trả lời:Khái niệm:
- Tuổi thọ sinh lí là tuổi được tính từ khi cá thể sinh ra cho đến lúc chết vì già.
- Tuổi thọ sinh thái là khoảng thời gian sống của cá thể từ khi mới sinh ra cho đến lúc chết vì nguyên nhân sinh thái.
- Tuổi quần thể là tuổi thọ trung bình của các cá thể trong quần thể.
Bài 3 trang 218: Thế nào là tháp tuổi của quần thể? Cho biết tỉ lệ giữa 3 nhóm tuổi sinh thái trong tháp tuổi của quần thể trẻ, quần thể ổn định và quần thể già.
Trả lời:- Tháp tuổi của quần thể là hình tổng hợp các nhóm tuổi sắp xếp từ nhóm tuổi thấp (ở dưới) đến nhóm tuổi cao hơn.
- Quần thể gồm 3 nhóm tuổi với tỉ lệ các nhóm tuổi trong các tháp tuổi khác nhau, cụ thể:
+ Tháp tuổi của quần thể trẻ: Tỉ lệ nhóm tuổi trước sinh sản lớn nhất, nhóm tuổi sinh sản cũng cao, nhóm tuổi sau sinh sản ít, tỉ lệ tử cũng cao. Đáy tháp rộng, cạnh vát, đỉnh tháp nhọn.
+ Tháp tuổi của quần thể ổn định: Tỉ lệ nhóm tuổi trước sinh sản và sinh sản ngang nhau, tỉ lệ sinh cao bù vào tỉ lệ tử.
+ Tháp tuổi của quần thể già: Tỉ lệ nhóm tuổi trước sinh sản thấp, tỉ lệ sinh thấp, không bù vào tỉ lệ tử, có nguy cơ quần thể bị diệt vong.
Bài 4 trang 218: Em hãy cho biết dân số nhân loại biến đổi như thế nào trong lịch sử phát triển"
Trả lời:- Thời đại công cụ thô sơ: Dân số tăng lên nhưng chậm. Nguyên nhân: Do dân số ít, con người sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, bệnh dịch hoành hành, y tế kém phát triển.
- Thời đại của nền văn minh nông nghiệp: Dân số bắt đầu tăng nhanh do mức sinh sản tăng lên nhưng song song với đó mức tử vong cao nên tốc độ gia tăng dân số thấp. Do dịch bệnh và chiến tranh nên dân số khi tăng khi giảm.
- Thời đại khoa học và công nghiệp: Dân số bùng nổ do y học phát triển, tỉ lệ sinh không cao nhưng tỉ lệ tử giảm, vì vậy dân số tăng nhanh.
Bài 5 trang 218: Em hãy chọn đáp án trả lời đúng. Quần thể bị diệt vong khi mất đi một số nhóm trong các nhóm tuổi
A. đang sinh sản và sau sinh sản.
B. đang sinh sản.
C. trước sinh sản và sau sinh sản.
D. trước sinh sản và đang sinh sản.
Trả lời:Đáp án đúng là D. trước sinh sản và đang sinh sản.
Bài trước: Bài 51: Khái niệm về quần thể và mối quan hệ giữa các cá thể trong quần thể - Sinh học 12 nâng cao Bài tiếp: Bài 53: Các đặc trưng cơ bản của quần thể (tiếp theo) - Sinh học 12 nâng cao