Bài 15: Di truyền liên kết với giới tính - Sinh học 12 nâng cao
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 15 trang 60:
- Quan sát hình 15.2, sau đó em hãy giải thích sự di truyền màu mắt ở ruồi giấm.
- Em có nhận xét gì về sự khác nhau ở phép lai thuận và phép lai nghịch?
Trả lời:* Sự di truyền màu mắt ở ruồi giấm là do: Trong phép lai thuận, F2 có tỉ lệ 3 mắt đỏ: 1 mắt trứng. Do vậy, màu mắt bị chi phối bởi một gen, trong đó mắt đỏ là tính trạng trội, mắt trắng là tính trạng lặn.
- Nếu gen màu mắt nằm trên NST thường thì ruồi mắt trắng ở F2 không thể toàn là ruồi đực. Vì vậy, kết quả lai thuận chỉ giải thích được khi cho rằng gen màu mắt nằm trên NST X (NST giới tính). Sự di truyền màu mắt từ P đến F1 trong phép lai nghịch là sự di truyền chéo.
Tỉ lệ phân bố kiểu hình theo 2 giới tính ở F2 khác nhau:
+ Ở lai thuận: 2/4 cái mắt đỏ, 1/4 đực mắt đỏ, 1/4 đực mắt trắng.
+ Ở lai nghịch: 1/4 cái mắt đỏ, 1/4 đực mắt đỏ, 1/4 cái mắt trắng, 1/4 đực mắt trắng.
* Nhận xét gì về sự khác nhau ở phép lai thuận và phép lai nghịch
- Phép lai thuận và nghịch có kết quả khác nhau là vì: Cặp tính trạng màu mắt do một cặp gen quy định, cặp gen này nằm trên NST X, nên sự di truyền tính trạng này liên quan đến sự phân li tổ hợp của cặp NST giới tính trong quá trình giảm phân và thụ tinh. Trong đó, XY chỉ cần một alen lặn đã biểu hiện kiểu hình, còn XX thì cần 2 alen lặn mới biểu hiện kiểu hình.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Giải thích kết quả thí nghiệm di truyền màu mắt của ruồi giấm. Bệnh mù màu và bệnh máu khó đông chỉ biểu hiện ở nam giới, đúng hay sai? Giải thích tại sao?
Trả lời:- Kết quả phép lai cho thấy màu mắt đỏ là tính trạng trội, còn mắt trắng là lặn.
+ Quy ước gen: W: mắt đỏ, w: mắt trắng.
+ Theo Moocgan, các gen này nằm trên NST X. Màu mắt diễn ra sự di truyền chéo (phép lai nghịch): tính trạng của ruồi mẹ truyền cho con đực, còn tính trạng của ruồi bố truyền cho con cái. Tỉ lệ kiểu hình phân bố không đều ở F2 trong hai giới tính (phép lai thuận) và đồng đều ở hai giới tính (phép lai nghịch).
+ Cơ sở tế bào học của phép lai là: Sự phân li của cặp NST giới tính trong giảm phân và sự tổ hợp của chúng ta qua thụ tinh đã đưa đến sự phân li và tổ hợp của cặp gen quy định màu mắt.
+ NST Y không mang gen quy định màu mắt, vì vậy ruồi đực chỉ cần NST X mang một gen lặn w (XwY) là biểu hiện mắt trắng. Còn ruồi cái cần phải cả cặp XX đều mang gen lặn (Xw Xw) mới biểu hiện mắt trắng. Do đó, ruồi cái mắt trắng thường hiếm.
+ Phép lai thuận và nghịch nêu trên cho kết quả khác nhau, không giống như lai thuận và nghịch về một cặp tính trạng quy định bởi một cặp gen trên cặp NST thường đều cho kết quả như nhau.
- Nói bệnh mù màu và bệnh máu khó đông chỉ biểu hiện ở nam giới là Sai, vì: Bệnh mù màu và bệnh máu khó đông không chỉ biểu hiện ở nam giới mà còn biểu hiện ở cả nữ giới nhưng ở nữ giới thì hiếm hơn.
Bài 2 trang 63: Trình bày đặc điểm di truyền của các tính trạng do các gen trên NST X và NST Y quy định.
Trả lời:- Gen trên NST X: Tính trạng lặn từ bố truyền cho con gái và được biểu hiện ở cháu ngoại trai. Sự di truyền chéo.
- Gen trên NST Y: Thường NST Y ở các loài chứa ít gen. Gen ở đoạn không tương đồng trên NST Y chỉ truyền trực tiếp cho giới dị giao tử (XY), cho nên tính trạng do gen đó quy định được truyền cho 100% số các thể dị giao tử (di truyền thẳng).
- Đặc điểm di truyền của các tính trạng do các gen trên NST X và NST Y quy định: Sự phân li của cặp NST giới tính trong giảm phân và sự tổ hợp của chúng qua thụ tinh đã đưa đến sự phân li và tổ hợp của cặp gen quy định tính trạng nằm trên NST giới tính.
Bài 3 trang 63: Di truyền liên kết giới tính được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn?
Trả lời:- Trong thực tiễn, người ta dựa vào những tính trạng liên kết với giới tính để sớm phân biệt đực cái, điều chỉnh tỉ lệ đực cái theo mục tiêu sản xuất.
Ví dụ:
+ Ở gà, người ta dựa vào gen trội A trên NST X quy định lông vằn để phân biệt trống, mái từ khi mới nở. Gà trống con mang cặp X^A X^A nên mức độ vằn ở đầu rõ hơn gà mái con mang XAY.
+ Tằm đực cho tơ nhiều hơn tằm cái. Người ta dựa vào gen A trên NST X tạo trứng sẫm màu để phân biệt con đực và con cái ngay từ giai đoạn trứng. Bằng phương pháp lai người ta chủ động tạo ra trứng tằm (đã thụ tinh) mang cặp NST XAXa cho màu sáng phát triển thành tằm đực.
Bài 4 trang 63: Ở người, gen M quy định mắt bình thường, gen m quy định mù màu (đỏ và lục). Mẹ (1) và bố (2) đều bình thường, sinh được một trai (3) mù màu và một gái (4) bình thường. Người con gái lớn lên và lấy chồng (5) bị mù màu, sinh được một gái (6) bình thường và một gái (7) mù màu. Xác định kiểu gen của 7 người trong gia đình đó.
Trả lời:- Bệnh mù màu thường gặp ở nam và ít gặp hơn ở nữ → gen gây bệnh nằm trên NST X.
- Con trai (3) và chồng cô con gái (5) bị mù màu → KG: XmY.
- Bố (2) bình thường có KG: XMY.
- Con gái (7) mù màu có KG: XmXm.
- Con trai (3) mù màu và bố mẹ bình thường → mẹ (1) có KG: XMXm.
- Con gái (4) bình thường sinh có gái mù màu → con gái (4) có KG: XMXm.
- Con gái (6) bình thường nhận giao tử Xm từ bố bị bệnh → con gái (6) có KG: XMXm
Bài 5 trang 63: Khi lai gà trống lông không vằn với gà mái lông vằn được F1 có tỉ lệ 1 trống lông vằn: 1 mái lông không vằn.
a) Biện luận và viết sơ đồ lai từ P đến F1.
b) Khi cho gà F1 giao phối với nhau thì kết quả ở F2 như thế nào?
Cho biết màu lông do 1 gen chi phối.
Trả lời:
a. F1 phân li gà trống, gà mái có tỉ lệ khác nhau, có hiện tượng di truyền chéo → Gen quy định tính trạng nằm trên NST giới tính X.
- Gà trống: XX và gà mái: XY.
- Gà trống lông vằn F1 nhận giao tử X mang gen quy định tính trạng lông vằn từ gà mái mẹ và 1 giao tử X mang gen quy định tính trạng lông không vằn từ gà trống cha → Tính trạng lông vằn trội hoàn toàn so với tính trạng lông không vằn.
- Sơ đồ lai:
P: XAY × XaXa
Gp: XA: Y Xa
F1: XAXa: XaY (1 gà trống lông vằn: 1 gà mái lông không vằn)
b. Sơ đồ lai:
F1: XAXa × XaY
Gp: XA: Xa Xa: Y
F2: XAXa: XaY: XaXa: XAY
Kiểu hình: 1 gà trống lông vằn: 1 gà mái lông không vằn: 1 gà trống lông không vằn: 1 gà mái lông vằn.
Bài 6 trang 63: Em hãy chọn phương án trả lời đúng. Sự di truyền tính trạng chỉ do gen trên NST Y quy định như thế nào?
A. Chỉ di truyền ở giới đồng giao.
B. Chỉ di truyền ở giới đực.
C. Chỉ di truyền ở giới cái.
D. Chỉ di truyền ở giới dị giao.
Trả lời:Đáp án đúng là D. Chỉ di truyền ở giới dị giao.
Bài trước: Bài 14: Di truyền và liên kết - Sinh học 12 nâng cao Bài tiếp: Bài 16: Di truyền ngoài nhiễm sắc thể - Sinh học 12 nâng cao