Trang chủ > Lớp 10 > Soạn văn 10 (siêu ngắn) > Soạn bài: Văn bản (Tiếp theo) (trang 37 sgk Ngữ văn 10 tập 1)

Soạn bài: Văn bản (Tiếp theo) (trang 37 sgk Ngữ văn 10 tập 1)

Câu 1:

a. Tính thống nhất tập trung trong câu văn mở đầu: “Giữa cơ thể và môi trường có sự ảnh hưởng qua lại với nhau”.

b. Sự phát triển của chủ đề trong đoạn văn:

Những câu này trình bày các dẫn chứng cụ thể về mối quan hệ giữa lá cây với môi trường trong việc duy trì sức sống của cây. Cụ thể: câu thứ 2 giải thích nghĩa cho câu 1; câu 3,4,5 giải thích và chứng minh cho câu 2.

c. Có thể đặt nhan đề cho đoạn văn;

Cơ thể và môi trường hoặc Sự ảnh hưởng của môi trường tới cơ thể sống, …

Câu 2:

Trình tự sắp xếp những câu văn thành một văn bản như sau: (1) - (3) - (5) - (2) - (4) hoặc (1) - (3) - (4) - (5) - (2).

Gợi ý đoạn văn hoàn chỉnh như sau:

Tháng 10 năm 1954, các cơ quan trung ương thuộc Đảng và Chính phủ đã rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội. Nhân sự kiện thời sự mang tính chất lịch sử này, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc. Phần đầu bài thơ đã tái hiện một giai đoạn vô cùng gian khổ, vẻ vang của cách mạng và kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc ngày nay đã trở thành các kỉ niệm sâu nặng trong lòng người. Phần sau thể hiện sự gắn bó giữa miền xuôi và miền ngược trong một viễn cảnh hòa bình tươi sáng của đất nước và kết thúc bằng lời ca ngợi công ơn của Bác Hồ, của Đảng với dân tộc. Việt Bắc là một tác phẩm đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng chính là một tác phẩm rất xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống lại thực dân Pháp.

Có thể đặt tiêu đề cho văn bản là: Giới thiệu bài thơ Việt Bắc hoặc Hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc.

Câu 3:

Gợi ý:

Môi trường sống của loài người ngày nay đang bị hủy hoại ngày một nghiêm trọng. Phần lớn môi trường sống đã bị hủy hoại do các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho các sản xuất công nghiệp và vấn đề đô thị hóa của con người. Hàng năm có đến hàng triệu tấn rác thải không phân hủy xả một cách bữa bãi ra môi trường dẫn đến tình trạng tắc cống rãnh và giết chết những loài sinh vật. Những cánh rừng ở đầu nguồn cũng đang ngày một vắng bóng khiến cho nạn lở đất, lũ lụt ngày càng hoành hành dữ dội hơn. Quá trình công nghiệp hóa phát triển khiến nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Đặc biệt là những ngành phát triển công nghiệp thải ra không khí rất nhiều khói bụi làm thủng tầng ozon và gây ô nhiễm bầu khí quyển. Ô nhiễm môi trường cũng đang là hồi chuông cảnh báo rung lên đối với sự sống của loài người, hãy biết chung sức bảo vệ và cứu lấy môi trường.

Tiêu đề: Chúng ta đang hủy hoại chính cuộc sống của mình, Hãy lên tiếng để bảo vệ thiên nhiên, …

Câu 4:

Viết đơn xin phép nghỉ học chính là viết một văn bản. Để lập văn bản này, cần phải xác định được những nội dung sau:

- Người nhận: Giáo viên chủ nhiệm lớp (hoặc có thể cho BGH nhà trường nếu nghỉ học trong thời gian quá dài).

- Người viết đơn: sinh viên hoặc học sinh

- Mục đích của việc viết đơn: thông báo xin phép nghỉ học hay việc nghỉ học.

- Nội dung cơ bản trong đơn thường có:

+ Họ tên người viết đơn

+ Nêu lí do xin nghỉ học

+ Thời gian xin nghỉ học (bao lâu? )

+ Lời hứa thực hiện các công việc học tập đầy đủ trong thời gian nghỉ học.

- Kết cấu của đơn

+ Quốc hiệu, tiêu ngữ

+ Ngày, tháng, năm viết đơn

+ Tên đơn

+ Họ tên và địa chỉ người nhận

+ Họ tên và địa chỉ lớp của người viết đơn

+ Nội dung đơn (lí do nghỉ học, thời gian xin nghỉ, lời hứa)

+ Kí và ghi rõ họ tên.

Viết một lá đơn xin nghỉ học:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ngày…tháng…năm…

ĐƠN XIN NGHỈ HỌC

Kính gửi: thầy/cô giáo chủ nhiệm lớp… Trường THPT….

Tên em là: …. , học sinh lớp…

Em xin trình bày với thầy/cô một việc như sau:

Hôm nay, thứ…ngày…tháng…năm… em bị…. (nêu lí do) nên không thể đi học được. Em viết đơn này, kính mong thầy/cô cho em nghỉ buổi học ngày hôm nay.

Em xin hứa sẽ chép bài và học bài ở nhà nghiêm túc, đầy đủ.

Em xin chân thành cảm ơn cô!

Học sinh

(kí tên)