Trang chủ > Lớp 7 > Giáo án Địa Lí 7 chuẩn > Giáo án Bài 27: Thiên nhiên châu Phi (tiếp theo)

Giáo án Bài 27: Thiên nhiên châu Phi (tiếp theo)

I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Nắm được châu Phi có khí hậu nóng khô, mưa ít và phân bố mưa không đều.
- Nắm được đặc điểm môi trường tự nhiên châu Phi rất đa dạng.
- Giải thích được đặc điểm khí hậu khô nóng, phân bố mưa không đều, tính đa dạng của môi trường châu Phi.
2. Kĩ năng
- Đọc, trình bày và phân tích lược đồ, ảnh địa lí, nhận biết môi trường qua ảnh.
- Các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực có thể sử dụng:
- Thảo luận nhóm nhỏ, đàm thoại, gợi mở, trình bày 1 phút, thuyết giảng tích cực.
3. Thái độ
- Giáo dục lòng yêu thiên nhiên.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực chung: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tính toán.
- Năng lực chuyên biệt: Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ, sử dụng bản đồ.
* Tích hợp giáo dục môi trường
II. Chuẩn bị của Giáo viên & Học sinh
1. Chuẩn bị của giáo viên
- Bản đồ tự nhiên châu Phi.
- Bản đồ các môi trường tự nhiên châu Phi.
2. Chuẩn bị của học sinh
- Sách giáo khoa.
III. Tổ chức các hoạt động học tập
1. Hoạt động khởi động
- Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh: - Nêu đặc điểm địa hình châu Phi. Châu Phi có các nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như thế nào, phân bố ở đâu?
- Học sinh trình bày hiểu biết của mình, học sinh khác nhận xét, bổ sung.
- Giáo viên chốt kiến thức và dẫn vào bài mới.
- Châu Phi nổi tiếng với hoang mạc rộng lớn - hoang mạc Xa–ha–ra, nơi có khí hậu chí tuyến khô rất khắc nghiệt. Tiếp tục nghiên cứu về đặc điểm tự nhiên châu Phi, hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu các đặc điểm khí hậu và môi trường của châu lục này
2. Hoạt động hình thành kiến thức
Hoạt động của giáo viên và học sinhNội dung cần đạt

Hoạt động 1: Tìm hiểu khí hậu.

Hoạt động nhóm:

- Giáo viên: Cho học sinh xem lược đồ 26.1 và 27.1; chia lớp thành 4 nhóm:

+ Nhóm 1: Giải thích vì sao châu Phi là châu lục nóng?

(Phần lớn lãnh thổ châu phi nằm giữa hai chí tuyến)

+ Nhóm 2: Giải thích vì sao khí hậu ở châu Phi khô, hình thành những hoang mạc lớn?

(bờ biển châu Phi không cắt xẻ nhiều châu Phi là một lục địa hình khối, kích thước châu Phi rất lớn, ảnh hưởng của biển không sâu trong đất liền nên châu Phi là lục địa khô)

+ Nhóm 3: Giải thích vì sao hoang mạc chiếm diện tích lớn ở Bắc Phi?

(do chí tuyến Bắc đi qua giữa Bắc Phi nên quanh năm Bắc Phi nằm dưới áp cao cận chí tuyến, thời tiết rất ổn định, không có mưa diện tích mở rộng, tiếp cận với lục địa Á-Âu lớn, biển ít ăn sâu vào đất liền).

+ Nhóm 4: Dựa vào hình 27.1 cho biết sự phân bố lượng mưa ở châu Phi?

(lượng mưa phân bố rất không đồng đều)

Hỏi: Các dòng biển nóng, lạnh có ảnh hưởng tới lượng mưa các vùng ven biển châu Phi như thế nào?

(những nơi có dòng biển nóng chảy qua nhiệt độ tăng cao và mưa nhiều; còn những nơi có dòng biển lạnh chảy qua nhiệt độ giảm và ít mưa)

- Học sinh: thảo luận, đại diên trình bày.

- Giáo viên: nhận xét và chuẩn xác kiến thức.

3. Khí hậu

- Do phần lớn lãnh thổ nằm giữa 2 chí tuyến, ít chịu ảnh hưởng của biển nên:

+ Châu Phi có khí hậu nóng và khô bậc nhất thế giới. Nhiệt độ trung bình năm trên 20oC.

+ Lượng mưa ít, phân bố rất không đồng đều => hoang mạc hình thành và chiếm diện tích lớn.

Hoạt động 2: Tìm hiểu các đặc điểm khác của môi trường tự nhiên. (cá nhân)

- Giáo viên: Cho học sinh quan sát hình 27.2

+ Châu Phi có những môi trường nào, đặc điểm phân bố?

(có các môi trường phân bố đối xứng qua Xích đạo: môi trường xích đạo ẩm có rừng xích đạo; 2 môi trường nhiệt đới có xavan; 2 môi trường hoang mạc có hoang mạc chí tuyến; môi trường Địa Trung Hải có 2 môi trường cận nhiệt đới khô)

+ Tại sao lại có sự phân bố như vậy? (vị trí – Xích đạo qua chính giữa châu lục, chí tuyến Bắc ở chính giữa Bắc Phi, chí tuyến Nam ở chính giữa Nam Phi và phân bố mưa)

+ Trong các môi trường vừa nêu, môi trường tự nhiên nào là điển hình?

(môi trường hoang mạc và xavan lớn hơn cả)

- Học sinh tìm hiểu, trả lời.

- Giáo viên: nhận xét, chuẩn xác kiến thức.

4. Các đặc điểm khác của môi trường tự nhiên

- Do vị trí nằm đối xứng 2 bên đường Xích đạo nên các môi trường tự nhiên của châu Phi nằm đối xứng qua xích đạo, gồm:

+ Môi trường xích đạo ẩm: phân bố ở hai bên xích đạo. Cảnh quan đặc trưng là rừng rậm xanh quanh năm.

+ Môi trường nhiệt đới: cảnh quan đặc trưng là rừng thưa, xavan, cây bụi.

+ Môi trường hoang mạc: gồm hoang mạc Xahara và hoang mạc Calahari.

+ Môi trường địa trung hải: ở cực Bắc và cực Nam châu Phi. Cảnh quan đặc trưng là rừng cây bụi lá cứng.


3. Hoạt động luyện tập
- Vì sao châu Phi có khí hậu khô nóng bậc nhất thế giới?
- Kể tên các môi trường ở châu Phi. Vì sao các môi trường lại đối xứng nhau qua xích đạo?
4. Hoạt động vận dụng
- Giải thích vì sao hoang mạc chiếm diện tích lớn nhất Bắc Phi?
5. Hoạt động tìm tòi mở rộng
- Nắm lại các kiến thức đã học về thiên nhiên châu Phi.
- Sưu tầm tranh ảnh về thiên nhiên Châu Phi