I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Biết được đới nóng vừa đông dân, vừa có sự bùng nổ dân số.
- Những hậu quả của sự gia tăng dân số nhanh đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tài nguyên môi trường.
- Biết được một số biện pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dân số đối với tài nguyên và môi trường đới nóng.
2. Kĩ năng
- Phân tích biểu đồ, bảng số liệu.
- Phân tích mối qua hệ giữa dân số với tài nguyên và môi trường ở đới nóng.
3. Thái độ
- Có hành động tích cực góp phần giải quyết các vấn đề môi trường ở đới nóng.
- Ý thức được sự cần thiết phải có qui mô gia đình hợp lí.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực chung: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tính toán.
- Năng lực chuyên biệt: Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ, sử dụng bản đồ.
* Tích hợp: Giáo dục môi trường
- Giáo dục an ninh quốc phòng: Ví dụ về sự gia tăng dân số có ảnh hưởng đến đời sống, vật chất và môi trường tại một số thành phố lớn ở nước ta.
II. Chuẩn bị của Giáo viên & Học sinh
1. Chuẩn bị của giáo viên
- Biểu đồ mối quan hệ giữa dân số và lương thực ở châu Phi.
- Anh về hậu quả của gia tăng dân số đối với chất lượng cuộc sống và môi trường ở đới nóng.
- Bản đồ phân bố dân cư thế giới.
2. Chuẩn bị của học sinh
- Sách giáo khoa. Thước kẻ, bảng phụ, tranh ảnh ô nhiểm môi trường…
III. Tổ chức các hoạt động học tập
1. Hoạt động khởi động
- Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh: Giáo viên chiếu cho học sinh xem một đoạn video tác hại của việc gia tăng dân số
- Giáo viên dẫn dắt học sinh vào bài: dân số tăng nhanh ảnh hưởng như thế nào tới tài nguyên, môi trường. Tiết học hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu
2. Hoạt động hình thành kiến thức
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung cần đạt |
---|
+ Hoạt động 1: Tìm hiểu dân số đới nóng (Cá nhân) - Giáo viên cho học sinh quan sát lược đồ 2.1 (bài 2) và cho biết dân cư ở đới nóng sống tập trung ở những khu vực nào? - Học sinh trả lời (Đông Nam Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Nam Braxin. ) - Học sinh nhận xét, bổ sung - Giáo viên chốt kiến thức, cho học sinh ghi bài .Tích hợp môi trường - Giáo viên giảng giải và đặt câu hỏi: Dân số đới nóng chiếm gần 50% dân số thế giới nhưng chỉ tập trung sinh sống ở 4 khu vực đó, thì sẽ có tác động gì đến nguồn tài nguyên và môi trường ở những nơi đó? - Học sinh suy nghĩ - Học sinh trả lời - Giáo viên chốt kiến thức (tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng, môi trường, rừng, biển bị xuống cấp, tác động xấu đến nhiều mặt... ) Phân tích biểu đồ - Giáo viên cho học sinh quan sát biểu đồ 1.4 (bài 1) và cho biết tình trạng gia tăng dân số hiện nay của đới nóng như thế nào? -Trong khi tài nguyên môi trường đang bị xuống cấp thì sự bùng nổ dân số ở đới nóng có tác động như thế nào? - Học sinh trao đổi, suy nghĩ - Học sinh trả lời - Giáo viên chốt kiến thức | 1. Dân số: - Chiếm gần 50 % dân số thế giới. - Tập trung đông: Đông Nam Á, Nam Á, Tây Phi …. - Bùng nổ dân số gay khó khăn cho phát triển kinh tế và đời sống. |
* Hoạt động 2: Tìm hiểu về sức ép của dân số tới tài nguyên, môi trường. (cá nhân, cặp) - Giáo viên yêu cầu cá nhân học sinh quan sát hình 10.1,-> giáo viên giải thích các kí hiệu. - Giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích hình 10.1 - Học sinh: Sản lượng lương thực 1975 - 1990 tăng từ 100% lên hơn 110%. Tăng dân số tự nhiên 1975 - 1990 từ 100% lên gần 160%. => Cả hai đều tăng, nhưng lương thực không tăng kịp với đà gia tăng dân số. - Biểu đồ bình quân lương thực đầu người: giảm từ 100% xuống còn 80%. Nêu nguyên nhân giảm? - Học sinh: Do dân số tăng nhanh hơn là tăng lương thực. - Biện pháp để tăng bình quân lương thực đầu người lên là gì? Giảm tốc độ gia tăng dân số, nâng mức tăng lương thực lên. ) - Học sinh trả lời - Giáo viên chốt kiến thức Thảo luận theo cặp - Giáo viên: Yêu cầu học sinh hoạt động theo cặp, cho học sinh phân tích bảng số liệu dân số và rừng ở Đông Nam Á năm 1980 - 1990) và nhận xét. - Học sinh thảo luận - Học sinh trình bày, nhận xét, bổ sung - Giáo viên chốt kiến thức Dân số: tăng từ 360 triệu lên 442 triệu người. Diện tích rừng: giảm từ 240,2 xuống còn 208,6 triệu ha => dân số càng tăng thì diện tích rừng càng giảm, do: cất nhà, xây dựng thêm đường giao thông, bệnh viện, trường học … Hoạt động cá nhân tích hợp bảo vệ môi trường - Giáo viên đặt câu hỏi sức ép của dân số đông làm cho tài nguyên thiên nhiên như thế nào? Các tác động tiêu cực của dân số đến môi trường? - Học sinh suy nghĩ - Học sinh trình bày, nhận xét, bổ sung - Giáo viên chốt kiến thức (Tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, suy giảm nhanh chóng…) | 2. Sức ép của của dân số tới tài nguyên, môi trường: - Dân số tăng nhanh làm cho đời sống khó cải thiện, làm cho tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt do khai thác quá mức, làm cho môi trường bị tàn phá. - Cần phải: + Giảm tỉ lệ gia tăng dân số. + Tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. |
3. Hoạt động luyện tập
Câu 1: Những nơi tập trung dân cư đông đúc ở đới nóng là:
A. Đông Nam Á, Nam Á, Tây Phi, Đông Nam Bra-xin.
B. Đông Nam Á, Nam Á, Đông Phi, Trung Đông.
C. Đông Nam Braxin, Nam Á, Tây Âu và Trung Âu.
D. Tây Phi, Đông Bắc Hoa Kì, Tây Âu và Trung Âu.
Câu 2: Châu lục có tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao nhất Thế Giới là:
A. Châu Á.
B. Châu Âu.
C. Châu Phi.
D. Châu Đại Dương.
Câu 3: Dân số ở đới nóng tăng nhanh vào những năm 60 của thế kỷ XX là do
A. chưa có ý thức kế hoạch hóa gia đình.
B. nền sản xuất nông nghiệp cần nhiều lao động.
C. mạng lưới y tế phát triển, tỉ lệ tử giảm.
D. các nước đới nóng đã lần lượt giành được độc lập.
Câu 4: Dân số đới nóng tăng nhanh đã làm cho
A. chiến tranh kết thúc, kinh tế chậm phát triển, cạn kiệt tài nguyên.
B. kinh tế chậm phát triển, đời sống con người khó khăn, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên
C. đới nóng có nhiều lao động phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp.
D. tài nguyên bị khai thác kiệt quệ, ô nhiễm môi trường sống.
Câu 5: Mối quan hệ giữa dân số và lương thực là:
A. tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tăng, bình quân lương thực theo đầu người giảm.
B. tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tăng, bình quân lương thực theo đầu người tăng.
C. tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tăng, sản lượng lương thực giảm.
D. tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên tăng, sản lượng lương thực tăng.
4. Hoạt động vận dụng
- Vì sao việc giảm tỉ lệ gia tăng dân số là công việc cần thiết cần tiến hành ngay ở các nước nhiệt đới nóng. Biện pháp?
- Hướng dẫn làm bài tập 1 và 2 sách giáo khoa
5. Hoạt động tìm tòi mở rộng
- Sưu tập một số ảnh về đô thị được quy hoạch có tổ chức ở Việt Nam và các nước trong đới nóng
- Các ảnh về nạn thất nghiệp, ùn tắc giao thông, khu nhà ổ chuột, ô nhiễm môi trường ở đới nóng
Bài trước: Giáo án Bài 9: Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đới nóng
Bài tiếp: Giáo án Bài 11: Di dân và sự bùng nổ đô thị ở đới nóng