I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
- Biết các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và nước ở đới ôn hòa và hậu quả của nó.
- Biết nội dung Nghị định thư Ki-ô-tô về cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, bảo vệ bầu khí quyển của Trái Đất.
2. Kĩ năng
- Vẽ biểu đồ về một số vấn đề môi trường ở đới ôn hòa.
- Phân tích ảnh địa lý về ô nhiễm không khí, nước ở đới ôn hòa. .
3. Thái độ
- Ủng hộ các biện pháp bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước.
- Không có hành động tiêu cực ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí và nước.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực chung: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tính toán.
- Năng lực chuyên biệt: Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ, sử dụng bản đồ.
* Tích hợp
- Giáo dục môi trường. Giáo dục kĩ năng sống.
- Giáo dục quốc phòng: (Hình thức, nội dung lồng ghép là ví dụ giải thích nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường.
II. Chuẩn bị của Giáo viên & Học sinh
1. Chuẩn bị của giáo viên
- Các ảnh về ô nhiễm không khí và nước.
- Ảnh chụp lỗ thủng tầng Ôdôn trong khí quyển bao quanh Trái Đất..
2. Chuẩn bị của học sinh
- Sách giáo khoa. Các ảnh về ô nhiễm không khí và nước
III. Tổ chức các hoạt động học tập
1. Hoạt động khởi động
Giáo viên trình chiếu đoạn video về thực trạng ô nhiễm trên thế giới cho học sinh xem.
- Qua đoạn video các em vừa xem có nội dung gì?
Vậy mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước đối với nhân loại và nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này?
Học sinh: Thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên theo dõi và hỗ trợ.
Giáo viên: Đánh giá, dẫn dắt vào bài mới: Môi trường đã và đang là vấn đề được rất nhiều quốc gia cũng như tất cả mọi người sống trên Trái Đất của chúng ta quan tâm, …
2. Hoạt động hình thành kiến thức
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung cần đạt |
---|
+ Hoạt động 1: Tìm hiểu về ô nhiễm không khí (cá nhân, cặp) - Giáo viên cho học sinh quan sát hình 16.3; 16.4; 17.1 cho biết: + Ba bức ảnh có chung chủ đề gì + Ba bức ảnh cảnh báo điều gì trong khí quyển?. - Học sinh quan sát hình và trả lời - Nguyên nhân làm cho không khí bị ô nhiễm? - Học sinh trình bày – nhận xét - Giáo viên giới thiệu khí độc CO2, SO4, NO2 …… - Không khí bị ô nhiễm gây nên những hậu quả gì? - Giải thích mưa axít. - Quan sát hình 17.2 cho biết tác hại của mưa axít?. - Mưa axít có tính quốc tế vì nguồn gây mưa nhiều khi xuất phát từ ngoài biên giới của nước chịu ảnh hưởng -Tác hại của khí thải có tính toàn cầu? Giải thích hiệu ứng nhà kính. Tác hại của hiệu ứng nhà kính đối với Trái Đất?. - Học sinh trình bày – nhận xét - Giáo viên chuẩn xác kiến thức. - Nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm và tác hại chưa thể lường hết được là ô nhiễm phóng xạ nguyên tử. - Biện pháp khắc phục, giới thiệu nghị định thư Ki-ô-tô - (Tích hợp giáo dục môi trường) | 1- Ô nhiễm không khí: - Hiện trạng: Bầu khí quyển bị ô nhiễm nặng nề. - Nguyên nhân: Khói bụi từ các nhà máy và phương tiện giao thông thải vào khí quyển. - Hậu quả: + Tạo nên những trận mưa axít, tăng hiệu ứng nhà kính, khiến cho Trái Đất nóng lên, khí hậu toàn cầu biến đổi, băng ở hai cực tan chảy, mực nước đại dương dâng cao, … Khí thải còn làm thủng tầng ôzôn. |
+ Hoạt động 2: Tìm hiểu về ô nhiễm nước (nhóm) - Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát Hình 17.3,17.4 sách giáo khoa kết hợp hình ảnh trình chiếu trên tivi hãy nêu nguyên nhân ô nhiễm nước? - Giáo viên cho học sinh hoạt động nhóm, chia 4 nhóm thảo luận + Nhóm 1+2: Tìm nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông ngòi? Tác hại tới thiên nhiên và con người? + Nhóm 3 + 4: Tìm nguyên nhân ô nhiễm biển? Nêu tác hại? Hướng giải quyết như thế nào? - Học sinh thực hiện thảo luận nhóm, giáo viên theo dõi hỗ trợ. - Học sinh báo cáo với thầy/cô giáo kết quả những việc em đã làm. - Giáo viên đánh giá quá trình hoạt động các nhóm, đánh giá sản phẩm và chuẩn hóa kiến thức. Giáo viên bổ sung và phân tích: Thủy triều đỏ, thủy triều đen. Giáo dục học sinh biết bảo vệ môi trường, … - (Tích hợp giáo dục môi trường) - Như vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ môi trường không khí và môi trường nước? - Học sinh suy nghĩ, trả lời – Học sinh góp ý, bổ sung - Giáo viên chuẩn xác kiến thức | 2. Ô nhiễm nước. - Hiện trạng: Các nguồn nước bị ô nhiễm gồm: nước sông, nước biển, nước ngầm. - Nguyên nhân: + Nước thải công nghiệp, tàu thuyền, sinh hoạt ….. + Sự cố tàu chở dầu. + Dư lượng phân bón, thuốc hóa học trong nông nghiệp. - Hậu quả: + Khan hiếm nước sạch + Chết sinh vật dưới nước + Gây bệnh ngoài da… |
3. Hoạt động luyện tập
- Giáo viên yêu cầu học sinh trao đổi cùng làm bài tập sau: nếu có thời gian học sinh thực hiện nhiệm vụ ở lớp.
Theo thống kê của các nhà khoa học tại hội nghị về môi trường ở La Hay (Hà lan) vào cuối năm 2000 thì các nước sau đây có lượng khí thải độc hại bình quân đầu người cao nhất thế giới:
- Hoa Kì: 20 tấn/năm/người.
- Pháp: 6 tấn/năm/người.
- Hãy trình bày các số liệu trên bằng biểu đồ hình cột.
Tính tổng lượng khí thải của từng nước nói trên trong năm 2000, cho biết số dân của các nước như sau:
. Hoa Kì: 281421000 người.
. Pháp: 59330000 người.
Hộc sinh so sánh kết quả làm việc với bạn bên cạnh và báo cáo với giáo viên.
- Hãy lựa chọn phương án trả lời đúng nhất.
Câu 1: Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở đới ôn hòa là do:
A. sự phát triển của các phương tiện giao thông vận tải.
B. sự tập trung với mật độ cao của dân số.
C. váng dầu ở ven biển.
D. chất thải sinh hoạt của các khu dân cư.
Câu 2: Nguyên nhân tạo ra “thủy triều đen” là:
A. chất thải sinh hoạt.
B. dầu loang trên biển.
C. hóa chất thải ra từ khu công nghiệp.
D. Thuốc trừ sâu dư thừa thải ra.
4. Hoạt động vận dụng
- Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 15 dòng) hoặc vẽ một bức tranh mà em muốn gửi gắm thông điệp: “ Hãy chung tay bảo vệ môi trường nước hoặc không khí”. (Chia sẻ kết quả làm việc với người thân và bạn bè)
5. Hoạt động tìm tòi mở rộng
- Tìm hiểu qua sách báo, mạng internet hoặc trao đổi với người thân về vai trò của nước, không khí, liên hệ kinh tế địa phương. Tìm nguyên nhân ô nhiễm môi trường sông ngòi Việt Nam, nêu hướng giải quyết? (Thảo luận kết quả làm việc với bạn và giáo viên)
- Về nhà học bài, làm bài tập 2 trang 58, chuẩn bị trước 3 câu hỏi thực hành bài 18.
- Qua các bài tập thực hành, Học sinh củng cố kiến thức cơ bản về:
+ Các kiểu khí hậu của đới ôn hoà.
+ Các kiểu rừng ở đới ôn hoà.
+ Ô nhiễm không khí ở đới ôn hoà
+ Cách tìm các tháng khô hạn trên biểu đồ khí hậu
Bài trước: Giáo án Bài 16: Đô thị hóa ở đới ôn hòa
Bài tiếp: Giáo án Bài 18: Thực hành: Nhận biết đặc điểm môi trường đới ôn hòa