Bài 3: Sơn Tinh Thủy Tinh (trang 16 sgk Ngữ văn tập 1 VNEN)
a. Ở Tiểu học, các em đã được học một truyện có nội dung lý giải các hiện tượng lũ lụt thường xảy ra hằng năm. Em hãy nhớ lại truyện đó và cho biết: Tên của truyện đó là gì? Tên của các nhân vật trong chính trong truyện.
Trả lời:
- Ở Tiểu học chúng em đã được học truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có nội dung giải thích hiện tượng lũ lụt hàng năm.
- Các nhân vật có trong truyện là: Sơn Tinh, Thủy Tinh, công chúa Mị Nương, vua Hùng, …
b. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đề cập tới hiện tượng nào của tự nhiên? Hãy cho biết ước mơ của nhân dân lao động thời xưa (tác giả dân gian) được biểu đạt trong câu chuyện.
Trả lời:
Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đã phản ánh hiện tượng lũ lụt hàng năm của tự nhiên. Tác giả dân gian thông qua truyện để nói lên ước mơ của nhân dân là có sức mạnh thần kì, vô địch để chế ngự và đẩy lùi thiên tai.
B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Đọc văn bản sau: SƠN TINH, THỦY TINH
2. Tìm hiểu văn bản.
a. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm có mấy phần? Nêu ý chính của các phần.
Trả lời:
Truyện gồm có bốn phần:
- Phần 1: Từ “Hùng Vương thứ mười tám”... đến.... “thật xứng đáng”: Giới thiệu về vua Hùng và việc kén rể.
- Phần 2: Từ “Một hôm có hai chàng trai”... đến... “rước Mị Nương về núi”: Cuộc kén rể và Sơn Tinh rước được Mị Nương.
- Phần 3: Từ “Thủy Tinh đến sau”... đến... “đành rút quân”: Cuộc giao tranh dữ dội và quyết liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Thủy Tinh thua trận phải rút quân về.
- Phần 4: Từ “Từ đó”... đến... “đành rút quân về”: Hiện tượng lũ lụt thiên tai hằng năm.
b. Tìm các từ ngữ được dùng miêu tả tài năng của hai nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Trả lời:
- Sơn Tinh:
+ Vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi
+ Vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên những dãy núi đồi.
+ Chúa của vùng non cao
- Thủy Tinh:
+ Chúa của vùng nước thẳm
+ Gọi gió, gió đến
+ Hô mưa, mưa về
c. Hãy miêu tả ngắn gọn cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Trả lời:
Thủy Tinh dùng phép lạ, hô mưa gọi gió, điều động nước dâng lên khiến sông, đồng ruộng đầy nước. Sơn Tinh không hề nao núng, dùng phép dời từng dãy núi, bốc từng quả đồi, xây lũy đắp thành. Cuối cùng Thủy Tinh đuối sức phải rút quân về.
d. Trong truyện có sử dụng yếu tố kì ảo nào? Nêu tác dụng của việc dùng yếu tố kì ảo đó?
Trả lời:
Các yếu tố kì ảo có trong truyện và tác dụng:
- Sính lễ: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao
- Phép dời núi, dựng thành, bốc đồi… của Sơn Tinh
- Phép hô mưa gọi gió, dâng nước lên… của Thủy Tinh.
→ Tác dụng: thể hiện sức mạnh phi thường của hai vị thần, giải thích hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm.
e. Theo em, nhân dân lao động (tác giả dân gian) muốn biểu đạt thái độ ủng hộ đối với nhân vật Sơn Tinh hay Thủy Tinh? Vì sao?
Trả lời:
Nhân dân lao động bộc lộ thái độ ủng hộ với nhân vật Sơn Tinh. Bởi vì, Sơn Tinh đã che chở, bảo vệ cuộc sống của nhân dân khỏi lũ lụt, thiên tai, đại diện cho tinh thần của nhân dân ta trong thời kỳ chống thiên tai lũ lụt.
g. Thảo luận về ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh theo các gợi ý:
- Truyện đã phản ánh hiện thực gì?
- Truyện muốn thể hiện nguyện vọng gì của người dân lao động thời xưa?
Trả lời:
- Truyện phản ánh hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm trên nước ta.
- Truyện thể hiện ước mơ của người dân muốn có sức mạnh thần kì, vô địch để chế ngự thiên tai, lũ lụt.
3. Tìm hiểu sự việc, nhân vật trong thể loại văn tự sự.
a. Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có những sự việc sau:
(1) Vua Hùng kén chồng cho Mị Nương
(2) Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn
(3) Vua Hùng yêu cầu sính lễ.
(4) Sơn Tinh đến trước, được rước Mị Nương về.
(5) Thủy Tinh đến sau không lấy được Mị Nương nên nổi giận đùng đùng, đuổi theo đánh Sơn Tinh
(6) Hai bên giao tranh dữ dội, kéo dài cả tháng trời.
(7) Cuối cùng Thủy Tinh thua trận phải rút quân về
Hãy xác định sự việc khởi đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào, sự việc kết thúc của câu truyện bằng cách ghi số thứ tự đứng trước mỗi sự việc trên vào ô trống ở cột bên phải (theo mẫu):
Sự việc khởi đầu | (1) |
Sự việc phát triển | |
Sự việc cao trào | |
Sự việc kết thúc |
Trả lời:
Sự việc khởi đầu | (1) |
Sự việc phát triển | (2)(3)(4) |
Sự việc cao trào | (5)(6) |
Sự việc kết thúc | (7) |
b. Sự việc trong văn bản tự sự cần có sáu yếu tố: 1) Chủ thể (Ai làm việc đó? ); 2) Thời gian (Bao giờ); 3) Địa điểm (Ở đâu? ); 4) Nguyên nhân; 5) Diễn biến; 6) Kết quả. Hãy tìm 6 yếu tố này trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh (chẳng hạn, sự việc số 5: Thủy Tinh đến sau, không lấy được Mị Nương nên tức giận mang quân đánh Sơn Tinh)
Trả lời:
6 yếu tố của văn bản tự sự có trong cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh:
1) Chủ thể: Sơn Tinh, Thủy Tinh
2) Thời gian: Dưới thời Hùng Vương thứ 18
3) Địa điểm: thành Phong Châu
4) Nguyên nhân: Do Thủy Tinh đến sau không lấy được công chúa Mị Nương, nổi giận đùng đùng, dâng nước đánh Sơn Tinh.
5) Diễn biến: Hai bên đánh nhau suốt mấy tháng trời, hằng năm Thủy Tinh đều làm mưa làm gió bão lụt đáng Sơn Tinh.
6) Kết quả: Thủy Tinh thất bại.
c. Các sự việc và các chi tiết trong truyện bao giờ cũng có mục đích bộc lộ một chủ đề thống nhất. Hãy chứng minh nhận định đó qua truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Trả lời:
Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có các sự việc và chi tiết đều hướng để phản ánh chủ đề: sự đấu tranh mãnh liệt của người dân Việt với thiên tai lũ lụt. Các sự việc và chi tiết ấy là:
- Sự thiên vị của vua Hùng khi đưa ra yêu cầu sính lễ đều các món dễ tìm được trên mặt đất hơn là dưới nước.
+ Cuộc đấu tranh mãnh liệt giữa hai vị thần.
+ Kết quả thần Núi đã giành chiến thắng.
d. Kể tên các nhân vật có trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, hãy cho biết: Nhân vật chính là ai? Nhân vật phụ là ai? Theo em, nhân vật chính khác với nhân vật phụ ở điểm nào? Nhân vật trong văn tự sự được kể như thế nào (được đặt tên, gọi tên, được giới thiệu lí lịch, tính nết, tài năng; được miêu tả hình dáng, chân dung, y phục, trang bị, dáng điệu, …; được kể thông qua hành động, hoạt động, lời nói…)? Hãy đối chiếu các điều trên với các nhân vật trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Trả lời:
- Nhân vật chính: Sơn Tinh, Thủy Tinh
- Nhân vật phụ: vua Hùng, Mị Nương
- Sự khác biệt giữa nhân vật chính và nhân vật phụ là: nhân vật chính giữ vai trò chủ đạo, xuất hiện nhiều hơn trong các tình tiết truyện, đóng vai trò quan trọng hơn trong tác phẩm. Nhân vật phụ xuất hiện ít hơn thậm chí chỉ xuất hiện 1,2 lần trong tác phẩm, có tác dụng làm nổi bật nhân vật chính.
- Nhân vật trong văn tự sự được kể từ tên gọi, tính tình, tài năng, lí lịch, chân dung, y phục, hành động, lời nói…
Tên gọi Sơn Tinh Thủy Tinh Mị Nương Lí lịch ở vùng núi Tản Viên người miền biển, là con gái của vua Hùng Tài năng điều động cồn bãi, hô biến núi đồi Hô mưa gọi gió, Vẻ ngoài người đẹp tựa như hoa Tính tình tính nết hiền lành dịu dàng Hành động mang lễ vật đến trước, chiến thắng Thủy Tinh đùng đùng nổi giận, hô mưa gọi gió làm mưa làm bãoTên gọi | Sơn Tinh | Thủy Tinh | Mị Nương |
---|---|---|---|
Lí lịch | ở vùng núi Tản Viên | người miền biển | Con gái của vua Hùng |
Tài năng | điều động cồn bãi, hô biến núi đồi | gọi gió gió đến, hô mưa mưa về | |
Vẻ ngoài | người đẹp tựa như hoa | ||
Tính tình | tính nết hiền lành, dịu dàng | ||
Hành động | mang lễ vật đến trước, chiến thắng Thủy Tinh | đùng đùngnổi giận, hô mưa gọi gió làm dông bão |
4. Tìm hiểu về nghĩa của từ.
a. Dựa vào phần Chú thích trong bài đọc Sơn Tinh, Thủy Tinh, điền vào cột nội dung tương ứng với hình thức của các từ theo bảng:
Hình thức | Nội dung |
---|---|
Cầu hôn | M: Xin được lấy làm vợ |
Trả lời:
Hình thức | Nội dung |
---|---|
Cầu hôn | M: Xin được lấy làm vợ |
Phán | Truyền bảo |
Sinh lễ | Lễ vật nhà trai mang đến nhà gái để hỏi cưới |
Nao núng | Không vững lòng tin |
Tâu | Thưa trình với vua |
b. Đánh dấu X vào ô trống trước câu trả lời đúng: Thế nào là nghĩa của từ?
- Nghĩa của từ là thành phần hình thức của từ
- Nghĩa của từ là thành phần nội dung (hoạt động, sự vật, tính chất, quan hệ,... ) mà từ biểu thị
Trả lời:
Câu trả lời đúng là câu thứ hai: “Nghĩa của từ là thánh phần nội dung …”
c. Dựa vào bảng đã hoàn thành ở mục a, đánh dấu X vào ô thích hợp để cho biết việc giải nghĩa của các từ cho dưới đây được tiến hành theo cách nào (theo mẫu):
Từ | Trình bày khái niệm mà từ biểu thị | Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích |
---|---|---|
Cầu hôn | M: X | |
Phán | ||
Sinh lễ | ||
Nao núng | ||
Tâu |
Trả lời:
Từ | Trình bày khái niệm mà từ biểu thị | Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích |
---|---|---|
Cầu hôn | M: X | |
Phán | X | |
Sinh lễ | X | |
Nao núng | X | |
Tâu | X |
C. Hoạt động luyện tập
1. Thi kể diễn cảm truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh tại lớp.
2. Em làm từ điển.
Nhiệm vụ: Vận dụng một trong hai cách giải nghĩa từ vừa học để giải thích ý nghĩa các từ sau đây, sau đó sắp xếp theo thứ tự ABC:
- Tài năng:.......................................
- Nổi giận: .......................................
- Xứng đáng:.......................................
- Băn khoăn:.......................................
Trả lời:
- Tài năng: năng lực tự có hoặc có dược do tập luyện, người có tài
- Nổi giận: nổi nóng và bực tức
- Xứng đáng: đủ tư cách, phù hợp, năng lực, phẩm chất,.. được hưởng.
- Băn khoăn: có điều phải nghĩ ngợi, cân nhắc
3. Cho chủ đề sau: "Vua Hùng kén rể"
Em hãy phác thảo các ý chính cho bài văn kể chuyện theo chủ đề "Vua Hùng kén rể", sau đó cho biết: Trong câu chuyện có những sự việc nào? Nhân vật chính là ai? Nhân vật phụ là ai?
Trả lời:
- Các sự việc chính trong bài văn kể chuyện “Vua Hùng kén rể”:
+ Hùng Vương thứ mười tám kén rể cho con gái Mị Nương.
+ Hai chàng trai tài giỏi đến cầu hôn khiến vua băn khoăn không biết chọn ai: Sơn Tinh (thần Núi) và Thủy Tinh (thần Nước).
+ Vua Hùng yêu cầu sính lễ: hôm sau ai mang sính lễ có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến trước thì được phép rước Mị Nương về.
+ Sơn Tinh đem sính lễ tới trước và rước Mị Nương về.
+ Thủy Tinh đến sau không lấy được Mị Nương, nổi giận đùng đùng dâng nước đuổi đánh Sơn Tinh.
+ Sơn Tinh chiến thắng, Thủy Tinh thua trận đành rút quân. Giữ mối thù, hằng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước lên đánh Sơn Tinh.
- Các sự việc chính trong chuyện:
+ Vua Hùng yêu cầu sính lễ trong cuộc thi kén rể
+ Sơn Tinh đã mang sính lễ tới trước nên được rước Mị Nương về.
+ Thủy Tinh đến sau không cưới được vợ nên nổi giận dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng thua trận. Hằng năm Thủy Tinh đều dâng nước gây lũ lụt trả thù.
- Nhân vật chính: Sơn Tinh, Thủy Tinh
- Nhân vật phụ: vua Hùng, Mị Nương
D. Hoạt động vận dụng
1. Tìm và ghi vào sổ tay 5 – 6 từ mà em đã gặp trong thực tế giao tiếp hằng ngày. Giải nghĩa các từ đó bằng hai cách vừa học.
Trả lời:
Từ | Giải nghĩa cách 1 (khái niệm và từ biểu thị) | Giải nghĩa cách 2 (từ đồng nghĩa, trái nghĩa) |
---|---|---|
Quy tắc | những điều quy định đòi hỏi cần phải tuân theo | Đồng nghĩa: phép tắc, luật lệ |
Hạnh phúc | trạng thái cảm xúc của con người khi được đáp ứng một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng | trái nghĩa: đau khổ, bất hạnh đồng nghĩa: sung sướng, mãn nguyện, |
Hân hoan | vui mừng, bộc lộ trên nét mặt hay cử chỉ | đồng nghĩa: hoan hỉ |
Bình đẳng | ngang hàng nhau | đồng nghĩa: đồng đều |
Nỗ lực | mang hết công sức ra để làm việc gì | cố gắng, phấn đấu |
2. Dựa vào đặc trưng cơ bản của truyền thuyết (bài 1), hãy giải thích tại sao truyện Sơn Tinh Thủy Tinh được gọi là truyền thuyết.
Trả lời:
Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh thuộc thể loại truyền thuyết vì:
- Kể về nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử (vua Hùng, dưới thời Hùng Vương)
- Có sử dụng các yếu tố hoang đường, kì ảo gắn liền với các sự kiện lịch sử, nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên.
3. Hoàn thành bài viết kể chuyện theo chủ đề: “Vua Hùng kén rể”
Trả lời:
Vua Hùng Vương thứ mười tám tổ chức cuộc thi tìm chồng cho con gái Mị Nương – người con gái xinh đẹp tuyệt trần lại có tính nết hiền dịu, được vua cha yêu quý. Có hai chàng trai tài giỏi tới cầu hôn khiến vua băn khoăn không biết chọn ai: một là chàng Sơn Tinh (thần Núi) có tài bốc đồi, dời núi, xây thành đắp lũy, người kia là Thủy Tinh (thần Nước) có điều động nước, hô mưa gọi gió. Vua Hùng bèn cho họp Lạc hầu và đưa ra quyết định ra yêu cầu sính lễ. Ngày hôm sau ai đem sính lễ tới trước sẽ được rước công chúa về. Sính lễ gồm: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Hôm sau, Sơn Tinh đem sính lễ đến trước nên được rước Mị Nương về. Thủy Tinh đến sau không cưới được Mị Nương nên nổi giận đùng đùng, dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Trận chiến diễn ra rất kịch liệt, cuối cùng Thủy Tinh thua trận đành phải rút quân. Hằng năm, Thủy Tinh vẫn dâng nước lên đánh Sơn Tinh nhưng đều thất bại.
4*. Viết đoạn văn khoảng 10 – 15 dòng để nêu lên nhận xét của em về nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Trả lời:
Cả hai nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh đều có những điểm khiến em cảm thấy ấn tượng, đặc biệt là về sức mạnh của thiên nhiên, sức mạnh của con người và tinh thần dũng cảm, bền bỉ trong chiến đấu. Thủy Tinh có tài hô mưa mưa đến, gọi gió gió về, tài năng cũng không kém nhưng tính tình nóng nảy và không biết chấp nhận thất bại. Còn Sơn Tinh – vị thần dời núi dời đồi – cũng là một hình ảnh đẹp biểu đạt ước mong chế ngự lũ lụt của nhân dân ta từ thuở xưa.
E. Hoạt động tìm tòi mở rộng
1. Tìm thêm 3 câu chuyện về thần núi, thần biển, thần sông. Ghi lại vắn tắt nội dung chính của ba câu chuyện đó.
Trả lời:
Thần biển Poseidon – Vị thần của biển cả (trong thần thoại Hy Lạp)
Poseidon là con trai của Titan Cronus và Rhea. Khi vừa chào đời, ông đã bị cha của mình là Cronus nuốt vào bụng. Khi thời kì thống trị của các Titans đang trên đà sụp đổ, Poseidon đã trở thành chúa tể của biển cả. Ông cùng với anh trai của mình là Hades và em trai là Zeus được xem là ba vị thần hùng mạnh nhất của đỉnh Olympus. Poseidon là vị thần hộ vệ cho các thành phố của Hy lạp, lục địa bí ẩn Atlantis chính là thủ phủ của ông. Poseidon nắm quyền cai trị mọi vùng biển trên toàn trái đất với vũ khí duy nhất là chiếc đinh ba đáng sợ, thần Poseidon chỉ cần giơ tay khua nhẹ trong nước là sóng biển nổi lên ầm ầm.
Thần sông Kỳ Cùng
Vùng sông Tranh có đôi vợ chồng già mà chưa có con. Một hôm, khi người chồng ra đồng phát ruộng đã nhặt được hai quả trứng to bằng bàn tay. Bà vợ thấy lạ nên giữ lại hai quả trứng, sau mấy ngày hai quả trứng nở thành hai con rắn nhỏ trên đầu có mào đỏ rất xinh. Hai con rắn này rất khôn, lúc nào cũng quấn người. Người chồng ra vườn cuốc đất thì cặp rắn cũng bò theo kiếm ăn trong đất, vô tình chiếc cuốc đã chặt đứt đuôi 1 con rắn. Cặp rắn bò đi bắt gà con của nhà hàng xóm, hai vợ chồng liền mang cặp rắn thả xuống sông.
Cặp rắn vừa được thả xuống nước, sóng gió lập tức nổi lên, các loài thủy tộc cùng hội tụ bơi lượn. Từ đó hai con rắn này làm oai làm phúc suốt cả một khúc sông rộng. Người ta lập đền thờ chúng ở bên sông, gọi chúng là Đức ông tuần Tranh, cũng gọi là ông Dài, ông Cộc.
Một hôm hai vợ chồng nhà nọ đi thuyền qua đấy dừng lại, người vợ tên là Dương thị khiến cho ông Cộc mê mẩn, nên đã cướp Dương thị về. Anh chồng tìm mọi cách trả thù nhờ được một thầy bói – vốn là Bạch Long hầu được phân công làm mưa vùng đó giúp anh trả thù.
Ông Cộc khởi bị kiện, bị vạch tội trước tòa án. Dương thị được đưa về đoàn tụ với chồng, ông Cộc bị phạt đi đày đến chốn kỳ cùng. Ở khúc sông này được trấn giữ bởi một con thuồng luồng, ông Cộc tới đât đã gây ra cuộc giao tranh lớn. Đưa đến tòa án vua Thủy giải quyết, hai bên phải chia đôi khu vực. Thần thuồng luồng vẫn chưa nguôi giận, thỉnh thoảng lại gây sự đánh lộn với ông Cộc. Vua Thủy nổi giận, bắt thuồng luồng, từ đấy ông Cộc được phép cai quản cả hai khu vực sông Kỳ Cùng.
Thần Pontus (thần Biển trong thần thoại Hy Lạp)
Pontos là một vị thần biển cổ đại, có thần nước các thần Olympus, ông là một trong các vị thần Hy Lạp nguyên thủy. Pontos là con trai của Gaia – thần Mẹ Đất. Cùng với Gaia, Pontos là cha của các nam thầnThaumas, Nereus, Phorcys và các nữ thần Eurybia, Ceto.
Các em có thể tìm hiểu thêm về thần Ourea (thần Núi trong thần thoại Hy Lạp), thần Thetis (nữ thần Biển trong thần thoại Hy Lạp)
2. Tìm đọc bài thơ Sơn Tinh, Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp để thấy được cách cảm nhận độc đáo và tinh tế của nhà thơ về truyền thuyết này.
Trả lời:
- Câu chuyện kể dưới mắt nhìn trẻ thơ, thần thoại gần với đồng thoại.
- Hài hước
3. Đọc thêm Sự tích Hồ Gươm
Bài trước: Bài 2: Tìm hiểu chung về văn tự sự (trang 11 Ngữ văn 6 tập 1 VNEN) Bài tiếp: Bài 4: Cách làm bài văn tự sự (trang 23 sgk Ngữ văn 6 tập 1 VNEN)