Trang chủ > Lớp 6 > Soạn Văn 6 VNEN > Bài 22: Đêm nay Bác không ngủ (trang 50 sgk Ngữ văn 6 tập 2 VNEN)

Bài 22: Đêm nay Bác không ngủ (trang 50 sgk Ngữ văn 6 tập 2 VNEN)

Câu 1. Kể tên 3 bài thơ, 3 bài viết về Bác Hồ.

Trả lời:

Các bài thơ và bài viết về Bác Hồ: Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ; Viếng Lăng Bác; Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng; Hồ Chí Minh với thiếu nhi; Đêm nay Bác không ngủ; Bác ơi; …

Câu 2. Tình cảm của các nghệ sĩ (nhạc sĩ, nhà thơ) đối với Bác Hồ trong các bài viết, bài hát, bài thơ mà em vừa tìm được ở trên như thế nào?

Trả lời:

Tình cảm của các nghệ sĩ trong các tác phẩm trên đều thể hiện sự trân trọng, yêu quý vô hạn đối với Bác Hồ, người lãnh tụ của dân tộc, người cha già kính yêu.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

Câu 1. Đọc văn bản sau:

Câu 2. Tìm hiểu văn bản.

Câu a. Trong đoạn thơ nhân vật nào là người đã chứng kiến một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường ra mặt trận?

Trả lời:

Anh đội viên là người đã chứng kiến Bác Hồ một đêm không ngủ trên đường ra mặt trận.

Câu b . Qua cách nhìn và cảm nhận của nhân vật, hình ảnh Bác Hồ được tả như thế nào?

Trả lời:

Hình ảnh Bác Hồ hiện lên: người cha già với tấm lòng nhân hậu, luôn tận tình chăm sóc cho người xung quanh, đặc biệt là với các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu dũng cảm cho đất nước.

Câu c . Trong đoạn thơ tác giả đã kể lại mấy lần anh đội viên thức dậy và nhìn thấy Bác Hồ không ngủ? Tâm trạng và cảm nghĩ của anh đội viên trong mỗi lần thức giấc có gì giống và khác nhau? Em có nhận xét thế nào về tình cảm anh đội viên đối với Bác Hồ?

Trả lời:

Trong đoạn thơ trên, tác giả kể lại ba lần tỉnh giấc của anh đội viên:

- Lần thứ nhất: Cảm xúc của anh đội viên từ ngạc nhiên đến Càng nhìn lại càng thấy thương. Anh cảm động lặng nhìn Bác Hồ chăm sóc bộ đội. Anh nhận ra sự gần gũi mà vĩ đại của vị lãnh tụ.

- Lần thứ hai: Dáng ngồi của Bác Hồ chất chứa biết bao cảm xúc bộn bề.

- Lần thứ ba thức dậy: Tâm trạng từ hoảng hốt đến tha thiết lo lắng cho sức khỏe của bác: mời Bác ngủ

=> Anh đội viên cảm nhận được tấm lòng yêu thương của Bác Hồ đối với bộ đội, với nhân dân và đất nước. Anh thương yêu và kính trọng Bác như một người cha già.

Câu d. Em có cảm nhận gì về tình cảm của Bác Hồ đối với quân và dân ta?

Trả lời:

Bác luôn lo lắng và nghĩ cho dân, cho bộ đội. Bác vô có tấm lòng nhân hậu và yêu thương mọi người, luôn trăn trở suy nghĩ, chăm lo cho bộ đội cho nhân dân như người cha già đang thao thức lo cho các con.

Câu e . Hình tượng Bác Hồ được miêu tả qua sự quan sát và cảm nghĩ của một anh đội viên đang được ở cùng Bác trên đường ra chiến dịch. Cách miêu tả này có hiệu quả thế nào trong việc diễn tả nội tâm cao đẹp của Bác Hồ và tấm lòng của anh đội viên đối với lãnh tụ.

Trả lời:

Cách miêu tả Bác Hồ qua cái nhìn của anh đội viên đang trên đường cùng Bác ra chiến dịch đã làm cho hình tượng vị lãnh tụ vĩ đại trở nên gần gũi với đời thường, gần gũi với những gian khó, những vất vả và tình thương của một người cha già dành cho các con của mình. Đồng thời cũng thể hiện sự yêu quý vô hạn của anh đội viên với Bác, cảm động trước tâm lòng yêu nước thương dân của vị lãnh tụ vĩ đại.

Câu g. Bài thơ được viết bằng thể thơ nào? Cách gieo vần giữa các khổ thơ trong bài có giá trị gì đặc biệt? Thể thơ ấy có phù hợp với cách kể chuyện của bài thơ không? Tại sao?

Trả lời:

Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn. Mỗi dòng có 5 tiếng, mỗi khổ có 4 dòng. Vần thường được gieo ở cuối các dòng 2,3; dòng 4 của khổ này với dòng 1 của khổ sau. Đây là thể thơ rất phù hợp cho việc kể chuyện bởi vì cách gieo vần gần gũi, nhẹ nhàng.

Câu h. Cùng với phương thức kể chuyện và biểu cảm, miêu tả cũng là một yếu tố nghệ thuật được tác giả kết hợp sử dụng trong bài thơ này. Hãy tìm các câu thơ có sử dụng phương thức miêu tả. Qua đó em có nhận xét gì về cách tác giả miêu tả Bác, đặc biệt là khắc họa bức tranh chân dung tinh thần của Bác?

Trả lời:

- Các câu thơ có sử dụng phương thức miêu tả là: Vẻ mặt Bác trầm ngâm/ Người cha mái tóc bạc/ Rồi Bác đi dém chăn/ Bác dón chân nhẹ nhàng/ Bóng Bác cao lồng lộng/ Bác vẫn ngồi đinh ninh/ Chòm râu im phăng phắc.

- Cách miêu tả rất chính xác, chân thực, tỉ mỉ, sinh động đã làm toát lên tâm hồn cao quý của Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc, suốt đời hi si sinh cho dân cho nước.

Câu i . Nêu tóm tắt nội dung và nghệ thuật của bài thơ Đêm nay Bác không ngủ theo các gợi ý dưới đây:

- Tình yêu thương rộng lớn và sâu sắc của Bác Hồ đối với chiến sĩ và nhân dân.

- Thể thơ năm chữ có nhiều vần liền phù hợp với lối kể chuyện bằng thơ.

- Sự kết hợp giữa kể, miêu tả và biểu cảm đã khiến hình tượng thơ trở nên nổi bật hơn

Trả lời:

- Nội dung: Là câu chuyện về anh đội viên và Bác Hồ trong một đêm trên đường ra chiến dịch dừng chân ở lán nhỏ giữa rừng khuya. Anh đội viên đã thức dậy ba lần và đều thấy Bác Hồ vẫn đang thức, thì ra Bác đang trăn trở lo lắng cho các anh bộ đội phải dầm mưa ngoài chiến trận. Anh đội viên hiểu được tình thương bao la của Bác nên cũng muốn thức luôn cùng Bác.

- Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ kết hợp miêu tả, tự sự, lời thơ giản dị, biểu cảm, nhiều hình ảnh biểu đạt tình cảm tự nhiên, chân thực, từ láy có giá trị gợi hình và biểu cảm cao, khắc họa hình ảnh Bác Hồ kính yêu vĩ đại.

Câu 3. Tìm hiểu về phép ẩn dụ.

Câu a. Trong khổ thơ sau đây, cụm từ Người Cha được dùng để nói về ai? Tại sao có thể nói như vậy? (Gợi ý: Tìm sự tương đồng về nghĩa của cụm từ Người Cha và người được miêu tả trong khổ thơ).

Anh đội viên nhìn Bác

Càng nhìn lại càng thương

Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm

(Minh Huệ)

Trả lời:

Cụm từ Người Cha được dùng để nói về Bác Hồ. Có thể nói như vậy vì tình thương bao la Bác dành cho bộ đội cũng giống như cha dành cho đứa con.

Câu b. Trong các cách diễn đạt dưới đây, em thích cách diễn đạt nào nhất? Tại sao?

- Cách 1:

Bác Hồ mái tóc bạc

Đốt lửa cho anh nằm.

- Cách 2:

Bác Hồ như Người Cha

Đốt lửa cho anh nằm

- Cách 3:

Người Cha mái tóc bạc

Đốt lửa cho em nằm.

Trả lời:

Em thích cách diễn đạt ở cách 3 nhất bởi:

- Cách 1: đơn giản quá, thiếu ý nghĩa về Người Cha.

- Cách 2: có so sánh nhưng lại thiếu nghĩa hình ảnh mái tóc bạc – tuổi tác và những nỗi vất vả.

- Cách 3: sử dụng phép ẩn dụ có sự cô đọng, có tính hình tượng cao.

Câu c. Điền từ thích hợp vào chỗ trống trong câu dưới đây để hoàn thiện định nghĩa về phép ẩn dụ và tác dụng của nó.

Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật hay hiện tượng này bằng tên của sự vật hay hiện tượng khác có điểm.... với nó với mục đích tăng sức gợi..... , gợi..... cho sự diễn đạt.

Trả lời:

Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật hay hiện tượng này bằng tên của sự vật hay hiện tượng khác có điểm tương đồng với nó với mục đích tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Thực hành phân tích văn bản.

Câu a. Tại sao trong bài thơ Đêm nay bác không ngủ, tác giả không kể về lần thức dậy thứ hai của anh đội viên?

Trả lời:

Lần thức dậy thứ hai không được tác giả kể vì Ịần này là lần liên tiếp với lần thứ nhất trong trạng thái nửa ngủ, nửa thức "Anh đội viên mơ màng - như nằm trong giấc mộng". Ta có thể thấy rằng lần thức dậy thứ nhất và lần thức dậy thứ hai như nhau.

Câu b. Tìm các từ láy được sử dụng trong bài thơ và phân tích tác dụng biểu đạt của một số từ láy mà em tìm được và cho là đặc sắc.

Trả lời:

- Các từ láy trong bài: xơ xác, trầm ngâm, lâm thâm, nhẹ nhàng, mơ màng, lồng lộng, bồn chồn, bề bộn, hốt hoảng, thổn thức, thầm thì (nằng nặc, mau mau, đinh ninh, phăng phắc, mênh mông. )

- Phân tích giá trị biểu cảm một số từ:

+ Bóng Bác cao lồng lộng: tô vẽ lên hình tượng, sự to lớn và vĩ đại của Bác.

+ Bồn chồn: thể hiện tâm trạng lo âu, nóng ruột của anh đội viên, tình cảm của người bộ đội với Bác.

Câu 2. Thực hành về phép ẩn dụ

a. Xác định các phép ẩn dụ cho các trường hợp dưới đây:

(1) Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

(2) Buổi sáng mọi người cùng đổ ra đường. Ai cũng muốn ngẩng mặt lên để cho mùi hồi chín chảy qua mặt.

(Tô Hoài)

Trả lời:

(1) Phép ẩn dụ tương đồng: "thuyền- bến" tượng trưng cho hình ảnh người con trai (đi nhiều nơi, không cố định – thuyền) và hình ảnh người con gái (chờ đợi như bến chờ thuyền).

(2) Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "mùi hồi chín chảy qua mặt": Mùi (khứu giác) chuyển đổi sang thị giác (chảy).

Câu b. Tìm và chỉ ra các tác dụng của phép ẩn dụ trong mỗi trường hợp dưới đây:

(1) Cha lại dắt con đi trên cát mịn

Ánh nắng chảy đầy vai.

(2) Em thấy cả trời sao

Xuyên qua từng kẽ lá

Em thấy cơn mưa rào

Ướt tiếng cười của bố

Trả lời:

(1) Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: " Ánh nắng chảy đầy vai": Ánh nắng trong câu thơ này như một thứ "chất lỏng" có thể "chảy" => Gợi tả hình ảnh ánh nắng một cách sinh động, nắng không chỉ là "ánh sáng" mà giống như một "thực thể" có thể chuyển động.

(2) Ẩn dụ: "trời sao - xuyên qua từng kẽ lá/ cơn mưa rào - ướt tiếng cười của bố" => có tính gợi hình cao và có tính hàm súc.

Câu 3. Thực hành về văn miêu tả (luyện nói)

Câu a. Tưởng tượng mình là "anh đội viên" trong bài Đêm nay Bác không ngủ, hãy tả lại bằng lời nói của mình hình ảnh Bác Hồ trong một đêm Người thức trắng vì thương bộ đội, dân công.

Trả lời:

Một đêm tĩnh mịch, âm u ở rừng Việt Bắc. Tỉnh dậy giữa đêm, tôi thấy có ai đó như Bác Hồ đang ngồi lặng lẽ bên bếp lửa. Sau đó, tôi thấy Bác đi dém chăn cho từng người. Thấy Bác chưa ngủ, tôi hỏi: “Bác ơi, Bác vẫn chưa ngủ ạ? Bác có lạnh lắm không? ” Bác nhìn tôi mỉm cười và đáp: “Bác chưa ngủ được, chú ngủ đi mai còn đi đánh giặc”.

Vâng lời, tôi nằm xuống nhắm mắt ngủ tiếp, nhưng lúc sau tỉnh giấc, tôi vẫn thấy Bác chưa ngủ, tôi khuyên Bác đi ngủ sớm, Bác nhẹ nhàng nhắc tôi ngủ đi.

Lần thứ ba tỉnh giấc, vẫn thấy bóng Bác ngồi bên bếp lửa. Ngạc nhiên và lo lắng, sao giờ này Bác còn chưa ngủ? - tôi tự hỏi bản thân mình như vậy. Tôi giục Bác: “Bác ơi ngủ đi mai còn đi chiến trận, trời sắp sáng rồi đấy ạ”. Bác lại nở nụ ười hiền lành, “Bác không sao ngủ được, Bác lo cho đoàn dân công đang phải chịu mưa lạnh ngoài kia. Không biết các cô chú ấy có sao không…”. Vậy là tôi đã hiểu, Bác cao cả như một người Cha già lo lắng cho những đứa con vậy.

Câu b. Từ văn bản Bài học đường đời đầu tiên, em hãy chọn một trong các nhân vật dưới đây rồi miêu tả lại bằng lời nói:

- Dế Mèn

- Dế Choắt

Trả lời:

Cậu Dế Choắt có thân hình gầy gò, ốm yếu vậy nhưng mà biết suy nghĩ. Cậu biết bản thân kém cỏi, hay ốm vặt, thể trạng yếu nên bị Dế Mèn khinh thường. Biết phận mình như vậy, cậu đã nhờ Dế Mèn đào hang giúp. Tuy nhiên bị Dế Mèn từ chối, Dế Choắt vị tha chẳng trách móc gì Dế Mèn. Cậu Choắt nhút nhát và hiền lành quá, chịu chết oan vì cái tính sốc nổi và thói hung hăng của Dế Mèn mà trước lúc chết vẫn không trách tội mà ngược lại còn khuyên răn Mèn.

D. Hoạt động vận dụng

Câu . Viết một đoạn văn khoảng 10 câu miêu tả về một người thân mà em yêu quý. Trong khi viết văn có sử dụng phép ẩn dụ.

Trả lời:

Cô tôi trông rất trẻ và đẹp. Dáng người cao dong dỏng, nước da trắng, khuôn mặt trái xoan và các đường nét quyến rũ. Tôi nghe người lớn nói 28 tuổi thì phải lo tính lập gia đình đi, nhưng cô lúc nào cũng thong thả chẳng bận tâm gì. Nghe đồn mấy chú xóm bên hay mang hoa quả sang nhà chơi cũng vì muốn gặp cô, ấy vậy mà cô đều từ chối gặp. Mẹ tôi hay trêu cô: Cô Nga xinh thế này thì chả mấy mà nhà mình lại được ăn cỗ. Kỳ thực, tôi cũng không muốn cô lấy chồng sớm, một phần vì không có ai chơi cùng, một phần vì sẽ không còn ai nuông chiều tôi như cô. Mấy ngày hôm nay thấy bố tôi và chú Bình hay nói chuyện ngoài sảnh nhà. Tôi chưa hiểu sâu xa, nhưng tôi thoáng nghe chú nói: “Bóng hồng ấy còn không để ý đến em”. Thế ra, có lẽ bố tôi giúp chú Bình và cô Nga thành một đôi. Tôi nghe thấy vậy liền đi mách lẻo, ấy vậy cô chỉ cười và bảo: Cô cháu mình đi chơi nhé!

E. Hoạt động tìm tòi mở rộng

Đọc thêm