I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
Học sinh trình bày được những đặc điểm nổi bật về kinh tế-xã hội của Đông Nam Á.
2. Kĩ năng
- Phân tích được bảng số liệu về tình hình tăng trưởng kinh tế một số nước Đông Nam Á, tỷ trọng các ngành kinh tế của một số nước Đông Nam Á.
- Đọc lược đồ phân bố công nghiệp, nông nghiệp Đông Nam Á.
3. Thái độ
Hiểu được việc phát triển kinh tế phải đi đôi với vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực chung: năng lực hợp tác nhóm, năng lực tự học, năng lực vận dụng kiến thức …
- Năng lực riêng: Năng lực đọc hiểu bảng số liệu thống kê, rút ra nhận xét, năng lực đọc bản đồ kinh tế…
II. Chuẩn bị
1. Giáo viên
Bản đồ kinh tế Đông Nam Á.
2. Học sinh
Tìm hiểu nội dụng bài học. Bảng da, máy tính.
III. Chuỗi các hoạt động
1. Ổn định lớp (1 phút)
2. Kiểm tra: (2 phút):
Câu hỏi: Nét tương đồng của người dân các nước Đông Nam Á thể hiện như thê nào?
A. Hoạt động khởi động
1. Mục tiêu: Tạo tình huống cho bài học mới, giúp học sinh hưng phấn trong học tập.
2. Phương pháp-kĩ thuật: Vấn đáp, gợi mở.
3. Phương tiện: Sách giáo khoa, kiến thức đã học.
4. Các bước hoạt động
Bước 1: Giao nhiệm vụ:
Các nước Đông Nam Á có tài nguyên phong phú để phát triển kinh tế. Em hãy kể một số tài nguyên mà em biết?
Bước 2: Học sinh tham gia ý kiến, lên bảng ghi tên các tài nguyên.
Bước 3: Học sinh cùng giáo viên kiểm tra đánh giá kết quả.
Bước 4: Giáo viên giới thiệu bài mới
Các nước Đông Nam Á có nguồn tài nguyên phong phú, lao động dồi dào là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Vậy, nền kinh tế các nước có đặc điểm gì? Để làm rõ vấn đề trên, các em tìm hiểu bài: Đặc điểm kinh tế các nước Đông Nam Á.
B. Hoạt động hình thành kiến thức
HOẠT ĐỘNG 1: Tìm hiểu: tốc độ tăng trưởng kinh tế các nước Đông Nam Á. (20 phút)
- Mục tiêu: Phân tích được tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số nước. Trình bày được sự phát triển kinh tế Đông Nam Á.
- Phương pháp, kĩ thuật dạy học: Phân tích bảng số liệu, khai thác nội dung sách giáo khoa.
- Hình thức tổ chức: Nhóm, cả lớp.
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung |
---|
Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ: Phân tích bảng số liệu 16.1 sách giáo khoa: -Nhận xét về tình hình tăng trưởng kinh tế một số nước qua các năm. -Năm 1998 tăng trưởng kinh tế các nước có gì thay đổi? nguyên nhân chính là gì? Bước 2: Học sinh thảo luận nhóm với 2 nội dung trên, ghi vào giấy nháp, bảng phụ. Bước 3: Học sinh đại diện 1 nhóm trình bày ý kiến, các nhóm còn lại bổ sung thêm. Bước 4: Giáo viên kết luận: -Tốc độ tăng trưởng khá cao. -Chưa vững chắc: Dẫn chứng: In-đô-nê-xi-a; Thái Lan; Xin-ga-po... -Kinh tế các nước dễ bị tác động từ bên ngoài, chưa quan tâm môi trường. Mở rộng: Để phát triển bền vững, các nước cần chú trọng vấn đề gì? | 1. Nền kinh tế của các nước Đông Nam Á phát triển khá nhanh song chưa vững chắc - Điều kiện thuận lợi: nguồn nhân công, tài nguyên, nông phẩm phong phú, vốn và công nghệ nước ngoài. - Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, song chưa vững chắc, dễ bị tác động từ bên ngoài, môi trường chưa được quan tâm đúng mức. |
HOẠT ĐỘNG 2: Tìm hiểu cơ cấu kinh tế các nước Đông Nam Á. ( 15 phút)
- Mục tiêu: Học sinh trình bày được cơ cấu kinh tế và sự thay đổi cơ cấu kinh tế các nước Đông Nam Á.
- Phương pháp, kĩ thuật dạy học: Phân tích bảng số liệu về tỷ trọng các ngành trong tổng sản phẩm trong nước của một số nước (bảng 16.2 sách giáo khoa); thảo luận nhóm.
- Hình thức tổ chức: Cá nhân, nhóm
Hoạt động của giáo viên và học sinh | Nội dung |
---|
Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ: Thảo luận nhóm: Nhóm 1; 2: Tìm những dẫn chứng cho thấy các nước đang tiến hành công nghiệp hóa? Nhóm 3,4: Dựa vào bảng 16.2 sách giáo khoa. Nhận xét: + Từ năm 1980-2000 tỷ trọng các ngành của từng quốc gia tăng, giảm thế nào? + Nhận xét chung về sự thay đổi cơ cấu kinh tế các nước Đông Nam Á? Bước 2: Học sinh thảo luận nhóm (5 phút) Bước 3: Học sinh đại diện lên trình bày-bổ sung Bước 4: Giáo viên kết luận. | 2. Cơ cấu kinh tế đang thay đổi: - Các nước đang tiến hành công nghiệp hoá. - Cơ cấu kinh tế đang thay đổi theo hướng: Giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. |
C. Hoạt động luyện tập
- Mục tiêu: Củng cố kiến thức trọng tâm của bài học.
- Phương pháp: Thực hành.
Bước 1: Giáo viên giao nhiệm vụ.
Bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đã dẫn đến hậu quả gì ở các nước Đông Nam Á?
Bước 2: Học sinh làm việc cá nhân dựa vào hiểu biết của bản thân và nội dung bài học
Bước 3: Học sinh trình bày
Bước 4. Giáo viên kết luận: cảnh quan thiên nhiên bị phá hoại, rừng bị tàn phá, môi trường ô nhiễm... -> ảnh hưởng sự phát triển bền vững.
D. Hoạt động vận dụng
- Mục tiêu: Giúp học sinh tìm tòi, mở rộng kiến thức và liên hệ thực tế.
- Phương pháp: Sử dụng sách giáo khoa, phương tiện truyền thông…
Tìm hiểu một vài hiện tượng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nước ta hoặc địa phương em? Cho biết hướng giải quyết?
Về nhà: ôn bài cũ, làm các bài tập, nghiên cứu bài mới: Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Bài trước: Giáo án Địa Lí 8 Bài 15: Đặc điểm dân cư, xã hội Đông Nam Á
Bài tiếp: Giáo án Địa Lí 8 Bài 17: Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)