Soạn bài: Việt Bắc (Tố Hữu) - Phần 1: Tác giả (trang 99, sgk Ngữ văn 12, tập 1)
Câu 1 (trang 99, sgk Ngữ văn 12, tập 1)
Những nét lớn trong cuộc đời của nhà thơ Tố Hữu:
- Tố Hữu (1920 - 2000), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành
- Quê quán: làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
- Ông sinh trưởng trong gia đình nho học ở Huế và là một người có tình yêu mãnh liệt đối với văn chương
- Tố Hữu sớm giác ngộ cách mạng và hăng say hoạt động cách mạng, kiên cường đấu tranh trong các nhà tù thực dân.
- Ông đảm nhiệm nhiều cương vị trọng yếu trên mặt trận văn hóa và trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước
Câu 2 (trang 99)
* Con đường thơ và con đường hoạt động cách mạng của nhà thơ Tố Hũu có sự thống nhất và dường như không thể tách rời. Mỗi tập thơ của ông đều là một chặng đường cách mạng.
- Tập thơ “Từ ấy” được viết từ năm 1937 đến năm 1946 là chặng đường đầu tiên của thơ Tố Hữu, đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên quyết tâm đi theo cách mạng, theo ngọn cờ của Đảng.
- Tập thơ “Việt Bắc” được viết từ năm 1946 đến năm 1954 là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp và những con người kháng chiến – những người lao động rất bình thường và cũng rất anh hùng.
- Tập thơ “Gió lộng” được viết trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1961, hướng về quá khứ để thấm thía những nỗi khổ đau của cha ông, công lao của những thế hệ đi trước mở đường, từ đó, ghi sâu ân tình của cách mạng.
- Hai tập thơ “Ra trận” được viết (1962-1971) và “Máu và hoa” (1972-1977) âm vang khí thế quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và niềm vui toàn thắng
- Tập thơ “Một tiếng đờn” được viết năm 1992 và “Ta với ta” ra đời năm 1999, thể hiện những chiêm nghiệm về cuộc đời của tác giả.
Câu 3 (trang 100)
Nói thơ Tố Hữu mang đậm tính trữ tình, chính trị bởi vì:
- Tính chính trị:
+ Thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
+ Thơ Tố Hữu coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân.
- Tính trữ tình: Những tư tưởng và tình cảm lớn của con người, hay những vấn đề lớn lao của đời sống được thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình rất tự nhiên, đằm thắm và chân thành.
Câu 4 (trang 100)
Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật thơ Tố Hữu biểu hiện ở những điểm cơ bản như sau:
- Thể thơ: lục bát
- Ngôn ngữ: không chú ý sáng tạo những từ mới, cách diễn đạt mới mà nhà thơ thường sử dụng những từ ngữ, cách nói quen thuộc với dân tộc, vận dụng thành ngữ, tục ngữ, các từ xưng hô,...
- Phát huy nhạc tính phong phú của tiếng Việt
Luyện tập
Câu 1 (trang 100)
* Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Từ ấy”
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim"
- Từ ấy: là mốc thời gian mang tính bước ngoặt trên con đường mà tác giả đang đi tìm lẽ sống – tác giả đã được kết nạp Đảng vào năm 18 tuổi.
- Hình ảnh thơ: bừng nắng hạ, chói qua tim, hồn tôi – vườn hoa lá – rất đậm hương và rộn tiếng chim
- Mặt trời chân lí: hình ảnh ẩn dụ chỉ lí tưởng cách mạng. Lí tưởng ấy là nguồn sáng bất diệt, làm bừng sáng lên tâm hồn, trí tuệ của nhà thơ.
- Nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ
→ Cả khổ thơ diễn tả niềm vui sướng, hạnh phúc đến tột cùng của nhà thơ Tố Hữu khi tìm thấy lí tưởng cách mạng của Đảng
Câu 2 (trang 100)
* Xuân Diệu đã viết: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình". Cẩn hiểu nhận xét đó như sau:
- Giải thích: Ý kiến của Xuân Diệu đưa ra là hoàn toàn đúng đắn. Nó nhấn mạnh một đặc điểm lớn của thơ Tố Hữu – thơ Tố Hữu mang đậm tính trữ tình, chính trị
- Phân tích, chứng minh:
+ Tính chính trị:
• Thơ Tố Hữu luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.
• Thơ Tố Hữu coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu, luôn đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân
+ Tính trữ tình: những tư tưởng, tình cảm lớn của con người, những vấn đề lớn lao của đời sống được thể hiện qua giọng thơ mang tính chất tâm tình rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành
Bài trước: Soạn bài: Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học (trang 93, sgk Ngữ văn 12, tập 1) Bài tiếp: Soạn bài: Luật thơ (trang 107, sgk Ngữ văn 12, tập 1)