Soạn bài: Thuốc (Lỗ Tấn) (trang 111 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)
I. Đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
- Lỗ Tấn (1881-1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam Trung Quốc.
Ông là một nhà văn cách mạng lỗi lạc của Trung Quốc thế kỉ XX. “Trước Lỗ tấn chưa hề có Lỗ Tấn; sau Lỗ Tấn có vô vàn Lỗ Tấn” (Quách Mạt Nhược)
- Quan điểm sáng tác của Lỗ Tấn được thể hiện nhất quán trong toàn bộ sáng tác của ông: Ông luôn phê phán những căn bệnh tinh thần khiến cho quốc dân mê muội, tự thoả mãn “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”.
- Những tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn: AQ chính truyện, các tập Gào thét, Bàng hoàng, … Những tác phẩm này đều có giá trị phê phán, tính chiến đấu cao.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm: "Thuốc" được nhà văn Lỗ Tấn viết vào năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động Ngũ tứ bùng nổ. Đây là thời kì đất nước Trung Hoa bị các đế quốc Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật xâu xé. Xã hội Trung Hoa biến thành nửa phong kiến, nửa thuộc địa, nhưng nhân dân lại an phận chịu nhục.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 111 sgk Ngữ văn 12 Tập 2):
Hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người mang ý nghĩa:
- Chiếc bánh bao - liều thuốc độc lại được pha chế bằng máu của người cách mạng - một người xả thân vì nghĩa, đổ máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng đó là một liều thuốc độc hại, thể hiện sự u mê tăm tối vì mê tín dị đoan của những người dân Trung Quốc xưa.
- Với hiện tượng chiếc bánh bao tẩm máu Hạ Du, Lỗ Tấn đã đặt ra một vấn đề hết sức hệ trọng là ý nghĩa của sự hi sinh.
⇒ Phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng.
Câu 2 (trang 111):
Hình tượng người cách mạng Hạ Du hiện lên trong tác phẩm:
+ Hạ Du là người bị xử chém, ông Cả Khang đã lấy máu đó tẩm vào bánh bao bán cho lão Hoa
+ Hạ Du có gia cảnh nghèo, chỉ có một mẹ già.
+ Khi bị nhốt vào trong nhà lao tử tù: Anh vẫn luôn hiên ngang, tuyên truyền cách mạng chống nhà Mãn Thanh.
⇒ Từ đó ta thấy Hạ Du là một chiến sĩ cách mạng có lí tưởng tiến bộ, có phẩm chất anh hùng sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp, cận kề cái chết vẫn hiên ngang.
* Qua cuộc bàn luận trong quán trà, Lỗ Tấn vừa nhắc nhở vừa nghiêm khắc phê phán những người làm cách mạng thời kì ấy đã mắc bệnh xa rời quần chúng, không giác ngộ được tư tưởng cho quần chúng nhân dân vì vậy chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Câu 3 (trang 111):
Ý nghĩa của hình ảnh vòng hoa xuất hiện ở cuối truyện:
- Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du: “Vòng hoa nhỏ…không phải từ dưới đất mọc lên”.
- Đã có người đã đặt vòng hoa lên mộ Hạ Du thể hiện sự ngưỡng mộ, biểu lộ chí hướng con đường của anh đã lựa chọn: đó là con đường làm cách mạng.
- Với vòng hoa, Lỗ Tấn đã bày tỏ sự trân trọng, tiếc thương đối với người chiến sĩ cách mạng tiên phong đồng thời cũng thể hiện niềm tin tưởng lạc quan vào cách mạng Trung Quốc trong tương lai.
- Hình ảnh vòng hoa là hình ảnh cực đối lập với “chiếc bánh bao tẩm máu”. Phủ định vị thuốc bằng chiếc bánh bao tẩm máu là ngu dốt là mê tín. Lỗ Tấn mơ ước tìm ra được một vị thuốc mới - chữa được tất cả những bệnh tật về tinh thần cho toàn xã hội với điều kiện tiên quyết là mọi người phải giác ngộ cách mạng, phải hiểu rõ “ý nghĩa của sự hi sinh” của những người cách mạng.
III. Luyện tập
Câu 1 (trang 111):
Ý nghĩa của những chi tiết: nghĩa địa người chết chém bên trái, nghĩa địa người chết bệnh, chết nghèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn:
- Thể hiện sự lạc hậu trong tư tưởng, suy nghĩ của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ, họ coi làm cách mạng là “làm giặc”, là trái đạo. Hình ảnh con đường mòn được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm như một ám ảnh về lối sống u mê của người dân Trung Quốc đương thời.
Câu 2 (trang 111):
Câu nói của bà mẹ trước vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du: "Thế này là thế nào? ” có ý nghĩa:
- Nói lên sự sửng sốt, bàng hoàng, vừa ẩn giấu một niềm vui có người hiểu con mình và hàm chứa đòi hỏi phải có một câu trả lời.
- Câu hỏi bâng khuâng, có chút gì băn khoăn, đau khổ và tự trách.
Bài trước: Soạn bài: Thực hành về hàm ý (tiếp theo) (trang 99 sgk Ngữ văn 12 Tập 2) Bài tiếp: Soạn bài: Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong văn nghị luận (trang 112 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)