Soạn bài: Tương tư (Nguyễn Bính) - Soạn Văn 11 (cực ngắn)
Bố cục của bài Tương tư (Nguyễn Bính) gồm 3 phần:
- Phần 1 (4 câu thơ đầu): Khơi nguồn cho tâm trạng tương tư, nhung nhớ của nhà thơ.
- Phần 2 (12 câu tiếp): Băn khoăn, hờn dỗi, than thở trong tình yêu.
- Phần 3 (4 câu cuối): Khát vọng mong mỏi về hạnh phúc và lời trách móc trong tình yêu đôi lứa.
Nội dung bài học
- Nội dung:
+ Tình yêu trong sáng, mạnh mẽ nhưng lại đơn phương.
+ Mặc dù viết về tình yêu nhưng từng dòng thơ lại thấm đượm hồn quê Việt thể hiện tình cảm chân thành, yêu quê hương, yêu những nét đẹp văn hóa dân tộc của nhà thơ.
- Nghệ thuật:
+ Thể thơ lục bát mang đậm văn hóa dân tộc, biểu cảm sâu sắc.
+ Ngôn ngữ giản dị, gần gũi nhưng vẫn lãng mạn, trữ tình.
+ Hệ thống hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ đầy sáng tạo, có sức gợi cảm cao.
+ Bài thơ là tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính: Hồn thơ đậm chất dân dã, thôn quê.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 50 SGK ngữ văn 11 tập 2)
Cảm nhận về nỗi nhớ mong và những lời trách móc, kể lể của chàng trai:
- Nỗi nhớ da diết, khắc khoải luôn thường trực trong lòng chàng trai trẻ là quy luật bình thường trong tình yêu. Điều đó đã được nhà thơ khéo léo khái quát thành một thuộc tính của trời đất:
"Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng".
- Những lời kể lể, trách móc:
"Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này".
"Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? ".
Dù là trách móc nhưng bản chất vẫn là để bộc lộ nỗi tương tư, mong nhớ của chàng trai.
- Sau lời trách móc là sự chờ đợi mòn mỏi:
"Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh đã nhuộm thành cây lá vàng".
Nỗi nhớ nhung hàng ngày chảy trôi trong sự chờ đợi mòn mỏi đã có chút nhuốm màu vô vọng.
- Những ước vọng có phần xa xôi của chàng trai xen lẫn sự vô vọng:
"Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? "
Nỗi mong nhớ kéo dài tới nhưng cuối cùng không được đáp lại.
→ Nỗi nhớ mong luôn da diết, khắc khoải để rồi đi đến bước than vãn, trách móc và chìm dần vào vô vọng khi tình cảm không được đáp lại.
Câu 2 (Trang 50 SGK ngữ văn 11 tập 2)
Cách bày tỏ tình yêu, giọng điệu thơ, cách so sánh, ví von có điểm đáng lưu ý:
- Cách bày tỏ tình yêu không thô tục mà rất tự nhiên, kín đáo, mang đậm nét chân tình, mộc mạc của chàng trai quê hay đó chính là nét văn hóa đặc sắc của làng quê Việt.
- Giọng thơ chân thành, tha thiết, nhẹ nhàng nhưng lại đậm chất trầm buồn, vô vọng.
- Cách so sánh, ví von: Hình ảnh ẩn dụ mang đậm hồn quê nhưng lại chỉ tình yêu: Thôn Đoài, thôn Đông, bến đò, hoa, bướm, trầu, cau
Câu 3 (trang 50 SGK ngữ văn 11 tập 2)
Theo nhận xét của Hoài Thanh, thơ của Nguyễn Bính có hồn xưa của đất nước” em hoàn toàn đồng ý với nhận xét đó, bởi:
- Thơ Nguyễn Bính đã thể hiện hồn quê một cách chân thực, bình dị nhưng đầy cảm xúc, khiến lòng người xao động.
- Cái duyên trong thơ là cách bộc lộ cảm xúc ý nhị, tinh tế, không khoa trương, không dùng lời hoa mỹ nhưng vẫn khiến người đọc cảm nhận được sự chân thành. Giống như những con người quê giản dị, mộc mạc nhưng luôn được trân trọng, yêu quý.
- Hình ảnh trong thơ là những hình ảnh gắn liền với làng quê: Cây cau, giàn trầu, bến nước, con đò, hoa, bướm...
- Giọng thơ gần gũi, dân dã, là cách nói thường ngày của những người quê chất phác.
Bài trước: Soạn bài: Nhớ đồng (Tố Hữu) - Soạn Văn 11 (cực ngắn) Bài tiếp: Soạn bài: Chiều xuân (Anh Thơ) - Soạn Văn 11 (cực ngắn)