Trang chủ > Lớp 11 > Soạn Văn 11 (cực ngắn) > Soạn bài: Tôi yêu em (Pu-Skin) - Soạn Văn 11 (cực ngắn)

Soạn bài: Tôi yêu em (Pu-Skin) - Soạn Văn 11 (cực ngắn)

Bố cục của bài Tôi yêu em - Pu-Skin gồm 3 phần:

- Phần 1 (4 câu đầu): Những mâu thuẫn giằng xé, đan xen nhau trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Phần 2 (2 câu tiếp): Nỗi khổ đau và sự tuyệt vọng của nhân vật trữ tình.

- Phần 3 (2 câu còn lại): Tấm lòng chân thành, sự vị tha cao thượng của nhân vật trữ tình.

Nội dung bài học

- Nội dung: Tình yêu thương đơn phương, thầm kín nhưng hết sức chân thành, cao thượng của nhà thơ.

- Nghệ thuật: Ngôn từ giản dị nhưng tế nhị, mang tính hàm súc cao.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 60 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)

- Điệp khúc "Tôi yêu em" làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ

- Bài thơ như lời giã từ cho mối tình không thành. Lời giã từ đó của nhà thơ Puskin có điểm đặc biệt:

+ Lời từ giã tình yêu nhưng đồng thời cũng là lời bày tỏ tình yêu. Mở đầu bài thơ nhà thơ Puskin đã trực tiếp thú nhận tình yêu với cô gái. Lời tỏ tình giản dị, ngắn gọn nhưng rất đỗi chân thành và không kém phần cháy bỏng:

"Tôi yêu em đến nay chừng có thể.

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai".

+ Nhưng ngay sau đó nhà thơ lại lập tức buông lời từ giã tình yêu của mình với nỗi buồn vô vọng.

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa.

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài"..

Mặc dù buông lời từ giã nhưng nhân vật trữ tình vẫn vô cùng lo lắng cho cô gái. Thậm chí ngay cả khi ghen tuông, dỗi hờn vẫn không ngừng cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người mình yêu: .

"Tôi yêu em, chân thành, đằm thắm.

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em"..

→ Đây là một lời từ giã tình yêu vô cùng đặc biệt. Thay vì từ giã là buông bỏ, là không suy nghĩ cho đối phương thì ở đây nhân vật "tôi" lại vẫn tràn ngập tình yêu thương dù là đơn phương với cô gái. Tình yêu không mang chút ghen tuông, thù hận mà chỉ tràn đầy tính nhân văn.

Câu 2 (trang 60 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

Sự chuyển biến trong giọng điệu trữ tình cùng diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình:

- Ở hai câu 1- 2: Giọng điệu trữ tình có chút dè dặt, ngập ngừng khi thổ lộ tình yêu: "Chừng có thể", "chưa hẳn"..

→ Mặc dù có sự ngập ngừng trong lời tỏ tình nhưng giọng điệu vẫn là lời khẳng định sự chân thành trong tình cảm của nhân vật "tôi".

- Hai câu thơ 3-4: Quyết định dứt khoát từ giã tình yêu bởi con tim đã có sự can thiệp của lý trí: "Bận lòng", "gợn bóng u hoài"..

→ Mạch thơ đột ngột bị chuyển. Nhân vật "tôi" vừa thổ lộ tình yêu đã vội vàng từ giã tình yêu vì không muốn người mình yêu phải vướng bận, phải suy nghĩ.

- Hai câu 5-6:

+Giọng điệu chuyển nhanh hơn với nhiều ngắt quãng.

+Đặc sắc hơn ở những từ chỉ trạng thái cảm xúc như "âm thầm", "không hy vọng", "rụt rè", "hậm hực"..

→ Lột tả thành công bi kịch tuyệt vọng giữa lý trí và tình cảm của nhân vật "tôi". Tình yêu âm thầm, không hy vọng nhưng sâu thẳm bên trong vẫn hội tụ đủ sắc thái của một mối tình đơn phương như rụt rè pha chút ghen tuông.

- Hai câu 7 – 8: Mạch cảm xúc như được giải tỏa, dâng cao bởi sự xuất hiện của những từ "chân thành", "đằm thắm" cùng cụm từ "tôi đã yêu em"..

→ Yêu chân thành, đằm thắm nên nhân vật "tôi" luôn cầu mong người con gái mình yêu cũng sẽ tìm được một tình yêu chân thành như mình dành cho cô ấy. Tình yêu đơn phương nhưng đã thoát khỏi sự hẹp hòi, ích kỷ để hướng đến cách ứng xử đầy nhân văn, cao thượng.

Câu 3 (trang 60 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)

Hai câu kết là bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị vì:

- Trong tình yêu, hơn nữa lại là tình yêu đơn phương sẽ thường ẩn chứa những sự ích kỷ, hẹp hòi nhưng nhân vật "tôi" vẫn thể hiện sự chân thành, cao thượng khi luôn cầu mong những điều tốt nhất sẽ đến với người con gái mình yêu.

- Câu thơ cuối bài như ẩn chút tiếc nuối khi nhân vật "tôi" phải từ giã tình yêu nhưng đồng thời ý thơ cũng như một lời thách thức, bộc lộ sự kiêu hãnh, tự tin của nhân vật trữ tình với tình yêu của mình.

Câu 4 (trang 60 SGK ngữ văn 11 tập 2)

Cảm nghĩ về tâm hồn Puskin và về tình yêu:

- Tâm hồn Puskin:

+"Tôi yêu em" được coi là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Puskin có quan niệm rất cao thượng và đẹp đẽ về tình yêu.

+ Tình yêu chân chính, chân thành nhất chính là giàu lòng vị tha và đức hi sinh, luôn mong người mình yêu sẽ nhận được những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng chính là điểm sáng nhân văn rực rỡ trong tâm hồn Puskin.

- Về tình yêu: Tình yêu khi đã đạt đến sự chân thành sẽ vượt qua sự ích kỷ, lòng hẹp hòi để cao thượng chúc phúc cho người mình yêu.