Soạn bài: Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mạc Tử) - Soạn Văn 11 (cực ngắn)
Bố cục của Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử được chia thành 3 phần như sau:
- Phần 1 (khổ 1): Bức tranh thôn Vĩ lúc bình minh đến và tâm tình tha thiết của nhà thơ.
- Phần 2 (khổ 2): Bức tranh sông nước trong đêm trăng và nỗi niềm sầu lẻ.
- Phần 3 (khổ 3): Bức tranh tâm trạng của riêng nhà thơ.
Nội dung bài học
- Bài thơ có 2 nội dung chính:
+ Bức tranh thôn Vĩ vừa thực vừa ảo đan xen tạo nên nét độc đáo.
+ Tình yêu cuộc sống, yêu con người, khao khát sống đầy mãnh liệt cùng nỗi niềm đầy ẩn khuất của nhà thơ.
- Nghệ thuật:
+ Hình ảnh thơ độc đáo, sáng tạo, có sự sáng tạo giữa thực và ác.
+ Ngôn từ tinh tế, giàu sức gợi.
+ Nghệ thuật so sánh, nhân hóa sinh động, phù hợp đặc tả tâm trạng. Câu hỏi tu từ là lời hỏi xuyên suốt mạch thơ.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (Trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)
Nét đẹp phong cảnh của thôn Vĩ:
- "Nắng hàng cau nắng mới lên":
+ Nắng qua hàng cau là nắng sớm tinh khôi, trong trẻo. Không gian gợi sự yên bình.
+ Nghệ thuật điệp từ "nắng" 2 lần: Nhấn mạnh sự tràn đầy của màu nắng.
- "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc":
+ Khu vườn xanh mướt với nghệ thuật so sánh "xanh" như "ngọc" đặc tả vẻ non tơ, mơn mởn của khu vườn.
+ "Mướt quá": Tính từ chỉ mức độ thể hiện vẻ tươi mới, non tơ đạt tới độ mượt mà, tinh khôi. Qua đó bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng của tác giả.
- "Lá trúc che ngang mặt chữ điền":
+ "Mặt chữ điền" là khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu.
+ "Lá trúc che ngang" tượng trưng cho vẻ đẹp e ấp, dịu dàng của người con gái Huế.
Tâm trạng của nhà thơ:
- Câu hỏi tu từ xuất hiện ngay đầu khổ thơ: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ? ":
+ Lời mời gọi tha thiết, ướm hỏi nhưng có chút nuối tiếc, trách móc.
+ Tác giả đang tự hỏi chính bản thân mình tại sao không tìm về với cảnh cũ người xưa. Lời tự vấn mở đầu cho dòng hoài niệm về cảnh vật và con người ở những lời thơ tiếp.
→ Bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ trong nắng sớm hiện lên tràn đầy sức sống, tinh khôi, trong trẻo. Cái thần của thôn Vĩ hiện lên với sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. Lời mời gọi vừa tha thiết, vừa trách móc, tiếc nuối là lời mở lòng cho những nỗi niềm sâu lắng sau đó của tác giả.
Câu 2 (trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)
Hình ảnh gió, mây, trăng trong khổ thơ thứ 2:
- Hình ảnh thiên nhiên:
+ "Gió theo lối gió", "Mây đường mây": Mây và gió vốn là 2 hình ảnh thiên nhiên luôn gắn kết nhưng nay lại tách biệt, chia lìa, đi ngược lại quy luật của thiên nhiên.
+ "Dòng nước buồn thiu": Dòng sông trôi đi lặng lẽ, mang nỗi buồn trĩu nặng.
+ "Sông trăng", "Chở trăng về": Đêm trăng lung linh, kỳ ảo. Sông nước tràn trề ánh trăng, cảnh đẹp như trong cõi mộng. Trăng là hình ảnh quen thuộc trong thơ Hàn Mạc Tử, tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc, nỗi cô đơn, sầu tủi.
- Nghệ thuật:
+ Bút pháp tượng trưng đặc tả các hình ảnh thiên nhiên quen thuộc trong thơ cổ: "gió", "mây", "trăng", "dòng sông" cùng "bến nước", "con thuyền" để bày tỏ nỗi niềm sầu tủi, cô đơn qua đó thể hiện niềm khát khao hạnh phúc, được chia sẻ của nhà thơ.
+ Câu hỏi tu từ là nỗi niềm mong ngóng, hy vọng nhưng cũng chất chứa cả nỗi bi thương, tuyệt vọng.
+ Nghệ thuật nhân hóa thổi hồn vào thiên nhiên giúp bày tỏ tâm trạng chờ đợi, mong mỏi, nỗi hoài niệm có chút xót xa của nhà thơ trước cuộc đời.
Câu 3 (trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)
- Nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình:
+ Điệp ngữ "khách đường xa": Nhấn mạnh thêm nỗi xót xa trong tâm khảm nhà thơ. Trước lời mời tha thiết, Hàn Mạc Tử chỉ là vị khách xa. Khoảng cách khác biệt trong 2 tâm tưởng càng khiến nỗi niềm nhà thơ thêm sầu tủi.
+ "Áo em trắng quá", "sương khói mờ": Sự mờ ảo vô định càng khó nắm bắt, khó tiếp cận. Nghệ thuật hoán dụ sắc trắng chỉ tâm tưởng tràn đầy kỉ niệm xa xăm, khó chạm tới của nhà thơ.
- Chút hoài nghi trong câu thơ "Ai biết tình ai có đậm đà? " có biểu hiện niềm tha thiết với cuộc đời vì:
+ "Ai" (1) là chính bản thân nhà thơ. "Ai" (2) vừa có thể hiểu là khách đường xa, vừa chính là chủ thể của lời mời. Đại từ phiếm chỉ "ai" nhấn mạnh tâm trạng chứa nhiều uẩn khúc, không dám tin vào chân tình đậm đà của ai với tác giả.
+ Khao khát được giao cảm với đời, được thấu hiểu, được sẻ chia.
Câu 4 (trang 39 SGK ngữ văn 11 tập 2)
- Đáng chú ý trong tứ thơ:
+ Tứ thơ mở đầu bằng 1 câu hỏi tu từ và kết thúc cũng bằng 1 câu hỏi tu từ nhưng mạch thơ được gắn kết. Xuyên suốt bài thơ là tâm trạng sầu tủi, hoài niệm cùng khao khát giao cảm với đời, được thấu hiểu của nhà thơ.
+ Mặc dù mạch thơ có sự liên kết nhưng giữa 3 khổ thơ lại có sự "nhảy cóc" về ý: Cảnh khu vườn quê thôn Vĩ (khổ 1) tới cảnh thiên nhiên đêm trăng (khổ 2) và cảnh mờ ảo của thôn Vĩ (khổ 3).
- Bút pháp:
+ Kết hợp hài hòa giữa tả thực, tượng trưng với lãng mạn, trữ tình. Thiên nhiên xứ Huế qua bút pháp tả thực nhưng lại có tầm cao tượng trưng.
Luyện tập
Bài 1 (trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2)
- Những câu hỏi trong bài thơ không có câu trả lời cụ thể nên không phải là câu hỏi vấn đáp, cũng không hướng tới đối tượng cụ thể. Đây chỉ là hình thức tác giả lựa chọn để bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng của bản thân mình.
- Lựa chọn hình thức biểu hiện này tác giả vừa khéo léo khắc họa tâm tư sâu kín, sầu muộn của mình, lại vừa đặc tả được khao khát được thấu hiểu, được chia sẻ, được giao cảm với đời.
Bài 2 (trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2)
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được gợi cảm hứng khi nhà thơ nhận được tấm bưu thiếp phong cảnh do Hoàng Cúc gửi ra từ Huế, lúc đó ông đang nằm trên giường bệnh.
- Nội dung: Đặc tả nỗi buồn hoài niệm, niềm khao khát yêu đời, yêu cuộc sống.
→ Xót thương và cảm thông với tác giả. Qua đó càng thêm cảm phục và ngưỡng mộ một con người tài hoa, nghị lực sống mạnh mẽ, trái tim cháy bỏng tình yêu đời.
Bài 3 (trang 40 SGK ngữ văn 11 tập 2)
- "Đây thôn Vĩ Dạ" chỉ có tình quê thì không phải, nội dung về tình yêu thì không đủ vì:
+ Bài thơ đã khắc họa cảnh đẹp thiên nhiên xứ Huế qua đó khẳng định tình yêu tha thiết quê hương, đất nước của tác giả.
+Qua từng lời thơ lại hiện lên nỗi nhớ mong, sầu muộn, sự hoài niệm khắc khoải cùng khao khát sống, giao cảm với cuộc đời nhưng vô vọng của tác giả.
- Bài thơ là tâm trạng riêng của nhà thơ nhưng vẫn được thế hệ bạn đọc đón nhận bởi không chỉ thấu cảm được chân tình của tác giả mà độc giả còn ngưỡng mộ và thương xót cho một kiếp người tài hoa nhưng bạc mệnh.
Bài trước: Soạn bài: Viết bài làm văn số 6: Nghị luận xã hội - Soạn Văn 11 (cực ngắn)