Soạn bài: Tiểu sử tóm tắt - Soạn Văn 11 (cực ngắn)
Nội dung chính cần lưu ý:
- Mục đích của tiểu sử tóm tắt:
+ Giới thiệu cho người đọc, người nghe về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến của người được nhắc đến trong bài học.
+ Việc nắm vững tiểu sử tóm tắt sẽ giúp người học, người đọc hiểu đúng, hiểu sâu hơn về những sáng tác của tác giả bài học.
- Yêu cầu của tiểu sử tóm tắt: Cần sự chính xác cao độ, những nét tiêu biểu, chân thực nhưng phải ngắn gọn nhất về cuộc đời, sự nghiệp của người được nhắc đến.
- Cách viết tiểu sử tóm tắt:
+ Chọn tài liệu viết tiểu sử tóm tắt phải đầy đủ, chính xác.
+ Bản tiểu sử tóm tắt gồm các phần:
● Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, gia đình, học vấn, sự nghiệp,... của người được giới thiệu.
● Hoạt động trong xã hội, các mối quan hệ xã hội của người được giới thiệu.
● Đóng góp, cống hiến tiêu biểu của người được giới thiệu.
● Đánh giá chung
Luyện tập
Bài 1 (trang 55 SGK ngữ văn 11 tập 2)
Trường hợp cần viết tiểu sử tóm tắt:
c) Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan nhà nước hoặc đoàn thể.
d) Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.
Bài 2 (trang 55 SGK ngữ văn 11 tập 2)
So sánh văn bản tóm tắt tiểu sử với điếu văn, sơ yếu lí lịch, thuyết minh:
- Giống nhau: Đều cùng viết về cuộc đời của 1 nhân vật nào đó.
- Khác nhau:
+ Tiểu sử tóm tắt:
● Thường gồm 4 phần (sơ lược nhân thân, hoạt động trong xã hội, đóng góp chung cho cộng đồng, đánh giá).
● Lời văn ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, không dùng các biện pháp tu từ để dẫn lời.
+ Điếu văn:
● Có thể sử dụng tiểu sử tóm tắt
● Nhưng đọc trong lễ truy điệu sẽ còn lời tiếc thương và biết ơn những cống hiến của người đã khuất.
+ Sơ yếu lí lịch:
● Viết cho chính bản thân nên có kĩ hơn phần thông tin người thân trong gia đình, thành phần gia đình.
● Đánh giá sẽ là phần bản thân người viết lý lịch đưa ra ưu, nhược điểm của bản thân.
+ Thuyết minh:
● Tiểu sử tóm tắt như một tài liệu liên quan của văn bản thuyết minh.
● Nội dung thuyết minh sẽ phong phú hơn, hành văn cần có dùng ngôn từ mang sắc thái biểu cảm.
Câu 3 (trang 55 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
Gợi ý tham khảo tiểu sử tóm tắt về nhà thơ Tố Hữu:
Tố Hữu (1920 - 2002)
Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha của Tố Hữu vốn là nhà nho nghèo, chưa từng đỗ đạt, phải bươn chải mưu sinh nhưng rất yêu thích văn thơ. Tố Hữu từ nhỏ đã được cha dạy làm thơ cổ. Mẹ của Tố Hữu là con của một nhà nho. Bà biết rất nhiều ca dao, dân ca xứ Huế và giàu tình yêu con. Hoàn cảnh gia đình đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn văn thơ của Tố Hữu.
Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và đi theo cách mạng. Đầu năm 1939, Tố Hữu bị bắt giam tại nhà lao Thừa Thiên và Tây Nguyên. Tháng 3 năm 1942, Tố Hữu đã vượt ngục Đăk Lay (Kon Tum), ra Thanh Hóa liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động.
Năm 1945 khi cách mạng tháng Tám bùng nổ, Tố Hữu giữ chức Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa ở Huế. Tại chính quê hương mình, Tố Hữu đã lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Kháng chiến toàn quốc, Tố Hữu được điều động ra Thanh Hóa rồi lên Việt Bắc công tác ở Cơ quan Trung ương Đảng.
Tại đây, ông phụ trách mảng đời sống tinh thần về văn hóa, văn nghệ. Liên tục từ đó đến năm 1986, Tố Hữu giữ các cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo như Ủy viên bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư trung ương đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp thơ văn của Tố Hữu cũng nở rộ. Tố Hữu đã đóng góp cho nền văn học cách mạng Việt Nam với bảy tập thơ giá trị: Từ ấy (1937-1946), Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999).
Tố Hữu vừa là nhà hoạt động cách mạng quả cảm vừa là một nhà thơ tài ba. Sự nghiệp cách mạng gắn chặt với sự nghiệp văn thơ nên Tố Hữu là lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam.
Bài trước: Soạn bài: Chiều xuân (Anh Thơ) - Soạn Văn 11 (cực ngắn) Bài tiếp: Soạn bài: Đặc điểm loại hình của tiếng Việt - Soạn Văn 11 (cực ngắn)