Soạn bài: Tràng Giang (Huy Cận) - Soạn Văn 11 (cực ngắn)
Bố cục của bài Tràng Giang - Huy Cận đươc chia thành 3 phần
- Phần 1 (khổ 1): Cảnh vật trên dòng sông và nỗi trầm tư trong tâm tưởng của tác giả.
- Phần 2 (khổ 2,3): Khung cảnh hoang vắng của cảnh vật và tâm trạng của tác giả.
- Phần 3 (khổ 4): Sự rung cảm tinh tế của nhà thơ trước thiên nhiên và nỗi nhớ quê hương.
Nội dung bài học
- Nội dung:
+ Trải dọc bài thơ là nỗi buồn triền miên, sâu lắng, nỗi nhớ quê hương và cái tôi cô đơn trước cuộc đời mênh mông.
+ Khát khao được hòa nhập, được sẻ chia, được thấu hiểu của nhà thơ.
- Nghệ thuật:
+ Sự kết hợp tinh tế giữa hai sắc thái: Hiện đại và cổ điển.
+ Nghệ thuật đối độc đáo, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, giàu giá trị biểu cảm.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
- Câu thơ đề từ: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài":
+ Lời đề từ mở ra không gian rộng lớn, mênh mông.
+ Nghệ thuật nhân hóa: "Trời rộng" nhớ "sông dài" còn chính là ẩn dụ cho nỗi nhớ quê hương của nhà thơ.
+ Cảm xúc bâng khuâng cùng nỗi nhớ của nhà thơ trước không gian rộng.
- Mối liên hệ giữa lời đề từ với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của nhà thơ:
Lời đề từ là định hướng cho cảm xúc chủ đạo của nhà thơ. Trải khắp bài thơ là nỗi buồn, nỗi nhớ lan tỏa, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng trước cảnh vật rộng lớn.
Câu 2 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
Âm điệu chung của toàn bài:
- Giọng thơ nhẹ nhàng, mang nặng cảm xúc trầm tư, bâng khuâng, sầu lặng. Cái tôi cô đơn giữa thiên nhiên, đất trời cũng được bộc lộ qua lời thơ sâu lắng, chậm rãi.
- Nhịp thơ 2/2/3 đan xen 4/3 tạo âm điệu đều đều, gợi mở, khiến người đọc cảm nhận được nỗi nhớ của nhà thơ cứ trải dài mãi.
→ Qua đó người đọc thấy được nỗi sầu đặc trưng trong thơ Huy Cận.
Câu 3 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
Bức tranh thiên trong bài thơ mang đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, quen thuộc vì:
- Màu sắc cổ điển bởi những hình ảnh thơ quen thuộc trong thơ ca trung đại, trong thơ Đường: Cồn nhỏ đìu hiu, sóng nước, con thuyền, bến cô liêu, núi bạc, cánh chim nghiêng, bóng chiều xa, khói hoàng hôn,...
- Gần gũi, thân thuộc: Hình ảnh thân quen của quê hương "củi một cành khô", "tiếng làng xa vãn chợ chiều", "bèo dạt... hàng nối hàng", "bờ xanh", "bãi vàng"
→ Đều là những hình ảnh đặc trưng về làng quê Việt Nam. Hình ảnh thơ tuy đã được khái quát, mang ý nghĩa biểu tượng nhưng đọc lên ai cũng đều có thể nhìn thấy quê hương mình ở đó bởi tất cả đều gần gũi, thân thuộc.
Câu 4 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
Tình yêu thiên nhiên của nhà thơ có thấm đượm tấm lòng yêu nước:
- Hình ảnh thơ đặc tả những hình ảnh quen thuộc của quê hương.
- Qua cái sầu cô đơn của một cái tôi cô đơn giữa đất trời, nhà thơ đã kín đáo bộc lộ tấm lòng yêu nước thầm kín của mình.
+ Hình ảnh thơ "Mênh mông không một chuyến đò ngang" vừa thể hiện sự cô đơn, lại vừa là nỗi lòng của một thi nhân mất nước.
+ "Củi một cành khô", "bèo dạt về đâu" là nỗi cảm thán, xót thương trước những cuộc đời trôi nổi, vô định trong xã hội loạn lạc.
- Trực tiếp bộc lộ tấm lòng yêu quê hương, đất nước qua 2 câu thơ cuối bài:
"Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. "
Tình cảm với quê hương, đất nước "dờn dợn", dâng theo con nước. Chẳng cần khói hoàng hôn thì trong lòng nhà thơ cũng đã mênh mang nỗi nhớ.
Câu 5 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:
- Thể thơ thất ngôn cổ điển với cách ngắt nhịp quen thuộc 4/3 hoặc 2/2/3 tạo sự êm đềm, cân đối.
- Thủ pháp tương phản được nhà thơ sử dụng triệt để miêu ta cái hữu hạn với cái vô hạn, cái nhỏ bé với cái lớn lao, không với có.
- Sử dụng đắt giá nhiều từ láy gợi hình, gợi tả: đìu hiu, chót vót, điệp điệp, song song.
- Các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ đã thành công biểu hiện nỗi nhớ và cái tôi sầu muộn của nhà thơ.
Luyện tập
Câu 1 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
- Thời gian: buổi chiều, gần tối: Thích hợp để thể hiện nỗi nhớ.
- Không gian:
+ Lời đề từ đã mở ra không gian rộng lớn, bao la.
+ Khổ thơ thứ 2 xuất hiện không gian 3 chiều: "Sông dài", "trời rộng", "bến cô liêu".
+ Không gian cảnh vật buồn hiu hắt đối diện với sự mênh mông, rộng lớn của thiên nhiên.
→ Cách cảm nhận vừa cụ thể vừa tinh tế, bộc lộ đúng được nỗi cô đơn, nỗi nhớ của nhà thơ trước thiên nhiên, cuộc sống.
Câu 2 (trang 30 SGK Ngữ Văn 11 Tập 2)
Hai câu thơ liên tưởng:
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu".
Lầu Hoàng Hạc - Thôi Hiệu
Tản Đà dịch:
"Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? "
Thôi Hiệu thấy khói trên sông nên nhớ quê, Huy Cận không thấy khói hoàng hôn nhưng vẫn nhớ nhà. Hai tư tưởng lớn đã chạm nhau ở nỗi nhớ quê hương. Tuy nhiên nỗi nhớ của Huy Cận đã tới mức đầy ắp trong tim nên không cần tới hình ảnh quen thuộc vẫn trào dâng nỗi nhớ tha thiết.
Bài trước: Soạn bài: Thao tác lập luận bác bỏ - Soạn Văn 11 (cực ngắn) Bài tiếp: Soạn bài: Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ - Soạn Văn 11 (cực ngắn)