Tình yêu và thù hận (Trích Rô-mê-ô và Giu-li-ét) (trang 201 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1)
I. Tìm hiểu về tác giả và tác phẩm
1. Tác giả
Sếch-xpia sinh năm 1564, mất năm 1616, là nhà soạn kịch Anh nổi tiếng cuối thời đại Phục hưng ở Tây Âu. Quê ông là thị trấn Xtơ - rét - phớt ôn Ê - vơn, miền tây nam nước Anh. Cha ông là một thương gia. Sêch - xpia sớm phải vất vả kiếm sống. Từ một chân giữ ngựa ở rạp hát đến người nhắc vở kịch rồi diễn viên và cuối cùng trở thành nhà viết kịch nổi tiếng.
Sếch-xpia để lại 37 vở kịch bao gồm cả ba thể loại: kịch lịch sử (Vua Hen-ri VI, Vua Giôn,...); hài kịch (Chàng thương gia thành Vơ-ni-dơ, Đêm thứ mười hai,... ) và bi kịch (Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Vua Lia, Hăm-let,...). Ngoài ra, ông còn viết truyện thơ và làm thơ.
2. Tác phẩm
Rô-mê-ô và Giu-li-et là vở kịch nổi tiếng đầu tiên của Sếch-xpia, được viết vào khoảng những năm 1594 – 1595. Vở kịch gồm 5 hồi bằng thơ xen lẫn văn xuôi, dựa trên câu chuyện có thật về mối hận thù giữa hai dòng họ Môn - ta - ghiu và Ca - piu - let, tại Vê - rô - na.
Tóm tắt nội dung chính của vở kịch
Ở thành Vê - rô - na nước Ý có hai dòng họ phong kiến vốn có mối thù truyền kiếp với nhau là Mông - te - ghiu và Ca - piu - let. Chàng Rô-mê-ô là con trai họ Mông - ta - ghiu yêu Giu-li-et, con gái họ Ca - piu - let. Họ là một đôi trai tài gái sắc. Hai người làm lễ thành hôn thầm kín. Nhưng cùng trong ngày hôm đó, do một cuộc cãi lộn, Rô-mê-ô đâm chết Ti - bân, anh họ Giu-li-et và bị kết tội biệt xứ. Gia đình Giu - li – et ép nàng phải lấy bá tước Pa - rix. Nàng định tự sát, nhưng được tu sĩ Lô - rân giúp kế tránh cuộc hôn nhân đó: tu sĩ cho nàng một liều thuốc ngủ, uống vào sẽ như người đã chết; sau khi gia đình đặt thi thể nàng vào hầm mộ, tu sĩ sẽ báo cho Rô-mê-ô đến cứu nàng trốn khỏi thành Vê - rô - na. Nhưng người của tu sĩ chưa kịp báo tin thì người nhà Môn - ta - ghiu lại đến trước báo cho Rô-mê-ô tin nàng Giu-li-et đã tự sát. Rô-mê-ô tưởng nàng đã chết, nên đã tự sát bên nàng. Và khi Giu-li-et tỉnh dậy, thấy Rô-mê-ô đã chết nàng cũng tự sát theo. Trước cái chết của Rô-mê-ô và Giu-li-et, hai họ Mông - ta - ghiu và Ca - piu - let đã quên đi mối thù truyền kiếp.
II. Hướng dẫn soạn bài
Bố cục của vở kịch gồm 2 phần:
- Phần 1 (Từ lời thoại 1 đến 6): Lời độc thoại thổ lộ tình yêu thầm kín của Rô-mê-ô và Giu-li-ét
- Phần 2 (còn lại): Lời đối thoại của Rô-mê-ô và Giu-li-ét
Câu 1 (trang 201 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):
- Đoạn trích có mười sáu lời thoại, sáu lời thoại đầu (từ lời thoại 1 đến lời thoại 7) là những lời độc thoại. Đó là những “tiếng lòng” của nhân vật nhưng lại có định hướng đối tượng, có tính đối thoại nên rất sinh động.
Ví dụ những lời độc thoại của Rô-mê-ô khi thì giống như đang nói với Giu-li-et “Vầng dương tươi đẹp ơi... ”; Hỡi nàng tiên lộng lẫy hãy nói nữa đi... ”, lúc thì như đối thoại với chính mình “Kìa! Nàng tì má lên bàn tay... ”
- Mười lời thoại còn lại (từ lời thoại 8 đến lời thoại 16) mang hình thức đối thoại, tức là các lời thoại ấy hướng vào nhau, các nhân vật nói cho nhau nghe, mang tính chất hỏi đáp.
Câu 2 (trang 201):
Tình yêu của Rô - mê - ô và Giu-li-et diễn ra trong hoàn cảnh hai dòng họ có mối thù hận truyền kiếp. Tính chất thù hận của hai dòng họ được phản ánh trong lời thoại của Giu-li-et đến năm lần. Cả hai đều nhận thức được cái tình cảnh oái oăm, cái hoàn cảnh thù địch mà họ bị đặt vào.
Sự nhận thức đó dẫn đến lời độc thoại của Giu-li-et như là một sự băn khoăn day dứt, một sự dằn vặt thể hiện tâm trạng rối bời trước hoàn cảnh éo le mà cặp đôi đang gắp phải. Những cụm từ cụ thể như: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi... ”. Trong khi đó, tâm trạng của Rô-mê-ô đơn giản hơn nhiều: Nàng tiên lộng lẫy, nàng tiên kiều diễm, nàng tiên yêu quý của tôi ơi, đôi cánh nhẹ nhàng của tình yêu, tôi thù ghét cái tên tôi, vì nó là kẻ thù của em... Chàng đã yêu, đã được đáp lại tình yêu và đi tới dứt khoát khẳng định tình yêu, sẵn sàng từ bỏ dòng họ, từ bỏ tên họ mình.
Câu 3 (trang 201):
Đây là lời thoại dài nhất và là lời thoại độc thoại nội tâm của nhân vật. Lời thoại được viết rất trau chuốt với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị, những so sánh bất ngờ, táo bạo. Tất cả nhằm bộc lộ tâm trạng yêu đương nồng cháy, đam mê, ngỡ như không có gì cản được của Rô-mê-ô khi trèo tường đến bên dưới phòng ngủ của Giu - li - ét.
Khi nhìn thấy Giu-li-et xuất hiện bên cửa sổ, Rô-mê-ô đã vô cùng choáng ngợp. Chàng so sánh nàng với chị Hằng rồi phủ định, so sánh nàng với vầng dương. Sau đó chàng tập trung miêu tả vẻ đẹp của đôi mắt. Trời đêm nên chàng nghĩ ngay đến những ngôi sao và có liên tưởng độc đáo “Chẳng qua là hai ngôi sao đẹp nhất... chờ đến lúc sao về”. Sau đôi mắt, chàng lại tập trung ca ngợi gò má rực rỡ của người yêu, chàng thốt lên rất tự nhiên “Kìa, nàng tì má lên bàn tay... ”.
→ Đây là tâm trạng của chàng trai đang chìm đắm trong tình yêu.
Câu 4 (trang 201):
Diễn biến tâm trạng của Giu-li-et rất phức tạp, song các lời thoại của Giu-li-et vẫn thể hiện một tình cảm mãnh liệt. Các lời thoại 4 và 6 là những lời thổ lộ tình yêu với chính mình và nàng đi đến khẳng định: “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi... ”. Cách đặt vấn đề của Giu-li-et rất hồn nhiên, tha thiết. Nàng tự chất vấn mình, rồi lại tự tìm cách trả lời: “Cái tên nó có nghĩa gì đâu? Rồi lại tự đề xuất các giải pháp: “Chàng hãy từ bỏ tên họ đi”. Lời thoại thứ 8, lời của Giu-li-et cho thấy sự bất ngờ của nàng khi biết có người đang nhìn mình, đang thổ lộ tình cảm với mình. Và khi biết đó là Rô-mê-ô thì tâm trạng nàng trở nên phấn chấn. Song nỗi lo sợ về mối thù hận giữa hai dòng họ lại lóe lên trong đầu nàng: “Chẳng phải anh Rô-mê-ô, và là nhà họ Môn - ta - ghiu đấy ư?. Sau đó Rô-mê-ô khẳng định và quyết tâm về tình cảm dành cho nàng nhưng nàng vẫn băn khoăn không biết Rô-mê-ô có yêu mình thật lòng không? Sau đó nàng lại nghĩ tới dòng họ mình, lo sợ Rô-mê-ô sẽ gặp nguy hiểm: “Họ mà bắt gặp anh, họ sẽ giết anh”; “ Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh ở đây”.
→ Diễn biến nội tâm của Giu-li-et phong phú và phức tạp hơn Rô-mê-ô rất nhiều nhưng nó hoàn toàn phù hợp với tâm lí của người con gái đang yêu.
Câu 5 (trang 201):
Vấn đề “tình yêu và thù hận” đã được giải quyết qua mười sáu lời thoại này. Bởi tình yêu không xung đột với thù hận, mà chỉ diễn ra trên nền thù hận, thù hận bị đẩy lùi, chỉ còn lại tình cảm của con người của hai người đang yêu. Đối với Rô-mê-ô, chàng đã gặp Giu-li-et, đã có được tình yêu của nàng và sẵn sàng là tất cả vì tình yêu ấy. Còn đối với Giu - li – et, nàng đã hiểu và cảm nhận được tình cảm chân thật mà Rô-mê-ô dành cho mình và nàng cũng dành tình yêu sâu sắc cho Rô-mê-ô.
Luyện tập
Câu 1 (trang 201):
Nhận xét: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người” cần được hiểu một cách thấu đáo.
- Tình yêu có sức mạnh kết nối con người lại với nhau, xóa đi mọi thành kiến lạc hậu, mọi hận thù chia rẽ con người. Tình yêu làm con người được kết nối lại với nhau.
- Phân tích và chứng minh câu nói trên qua đoạn trích Tình yêu và thù hận. Phân tích tình yêu say đắm của hai nhân vật chính là Rô-mê-ô và Giu - li – et qua diễn biến câu chuyện và qua các lời thoại.
Bài trước: Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản (trang 194 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1)