Trang chủ > Lớp 11 > Soạn Văn 11 (ngắn nhất) > Chí Phèo - Phần 2: Tác phẩm (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1)

Chí Phèo - Phần 2: Tác phẩm (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1)

I. Nội dung chính của tác phẩm

Chí Phèo là một đứa con hoang bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ ngay từ khi mới lọt lòng, được dân làng truyền tay nhau nuôi lớn. Đến năm 20 tuổi Chí Phèo làm tá điền cho nhà bá Kiến. Chí Phèo vốn là một anh nông dân hiền lành, chăm chỉ, siêng năng làm việc nhưng do bị bá Kiến ghen ghét và hãm hại Chí phải vào tù. Khi ra tù, Chí Phèo trở thành “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại và trở thành tay sai đắc lực cho bá Kiến.

Vào một đêm trăng, Chí Phèo say khướt thì gặp thị Nở. Được sự chăm sóc tận tình của thị Nở, Chí Phèo khao khát muốn làm người lương thiện. Nhưng niềm khao khát đó của Chí chưa kịp nảy nở thì đã bị bà cô của thị Nở ngăn cấm, Chí Phèo rơi vào tuyệt vọng, uất ức. Chí Phèo đến nhà bá Kiến đòi làm người lương thiện, Chí đâm chết bá Kiến rồi tự sát.

II. Hướng dẫn soạn bài

Bố cục của tác phẩm gồm 3 phần:

- Phần 1 (từ đầu đến cả làng Vũ Đại cũng không ai biết): Chí Phèo xuất hiện cùng tiếng chửi.

- Phần 2 (tiếp đến không bảo người nhà đun nước mau lên): Chí Phèo mất hết nhân tính

- Phần 3 (còn lại): Sự thức tỉnh về ý thức bi kịch của cuộc đời Chí Phèo

Câu 1 (trang 155 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Nhận xét về cách vào truyện của nhà văn Nam cao rất lạ, độc đáo: Cùng với việc lựa chọn thời gian kể theo kiểu đảo trật tự tuyến tính, Nam Cao mở đầu truyện bằng một hình ảnh đầy ấn tượng: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại... ”

Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo:

- Tiếng chửi mở đầu tác phẩm một cách bất ngờ: Đây cũng là cách giới thiệu nhân vật một cách ấn tượng.

- Đây là tiếng chửi của một kẻ say rượu có vẻ vu vơ, mơ hồ. Nhưng thật ra rất tỉnh táo. Tiếng chửi rất văn vẻ có thứ tự: chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, hắn chửi cả những người không chửi nhau với hắn và cả người đã đẻ ra hắn. Bởi vậy đối tượng chửi đã được xác định: cái xã hội đã sinh ra kiếp sống Chí Phèo. Tiếng chửi đó cho thấy sự bất mãn, vừa là lời tố cáo sâu sắc xã hội vô nhân đạo với những nếp nghĩ lạc hậu đã cướp đi quyền làm người và ruồng bỏ hắn.

- Lời trần thuật trực tiếp rất độc đáo.

→ Tiếng chửi thể hiện bi phẫn cùng cực của Chí Phèo.

Câu 2 (trang 155):

Việc gặp thị Nở như một bước ngoặt trong cuộc đời Chí Phèo. Tình yêu của thị Nở dành cho Chí đã thức tỉnh linh hồn, sự lương thiện của Chí, kéo Chí trở lại làm người.

- Chí Phèo có sự thay đổi về tâm lí:

+ Hắn thấy già mà vẫn cô độc.

+ Đói rét, bệnh tật hắn có thể chịu được nhưng hắn sợ nhất là sự cô độc.

+ Chí cảm nhận được âm vang cuộc sống xung quanh mình:

+ Tiếng chim hót trong lành buổi sáng.

+ Tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá ven sông.

+ Tiếng người cười nói đi chợ về.

- Chí hồi tưởng về quá khứ và hi vọng vào tương lai:

+ Có một thời hắn mơ ước có cuộc sống gia đình: “Chồng cày thuê... ”

+ Thị sẽ mở đường cho Chí trở lại cuộc sống lương thiện.

Câu 3 (trang 155):

- Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống: Chí ngạc nhiên sau rồi Chí chợt hiểu. Quá trình diễn biến tâm lí đầy phức tạp của Chí đi từ thức tỉnh –> hi vọng –> thất vọng, đau đớn –> phẫn uất –> tuyệt vọng.

- Chí Phèo có hành động dữ dội, bất ngờ bởi:

+ Trong cơn khủng hoảng, Chí tìm đến rượu nhưng càng uống lại càng tỉnh và Chí thức tỉnh, Chí muốn được làm người lương thiện. Chí không hề đập phá, rạch mặt ăn vạ như trước nữa.

+ Nhưng câu hỏi đặt ra là ai cho Chí lương thiện? Kẻ thù của Chí không phải là một mình bá Kiến mà là cả cái xã hội đương thời thối nát và độc ác.

+ Dưới con mắt của mọi người, của xã hội ấy, Chí Phèo chỉ có thể là con quỷ dữ không thể là người. Vì một người tập trung tất cả các tật xấu như thị Nở cũng đã phũ phàng cự tuyệt Chí.

+ Chí vô cùng đau đớn tuyệt vọng “ôm mặt khóc rưng rức”. Chí dùng dao đâm chết kẻ thù và tự sát. Chí đã chết trên ngưỡng cửa lương thiện => Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.

=> Cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa lên án, tố cáo mãnh liệt cái xã hội thực dân nửa phong kiến không những đã đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng, lưu manh hóa, mà còn đẩy họ vào cả con đường chết.

Câu 4 (trang 155):

- Qua hình tượng nhân vật Chí Phèo, người đọc có thể thấy rõ nghệ thuật điển hình hóa của Nam Cao. Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức ở nông thôn trước Cách mạng. Vì bị áp bức, đè nén đến đường cùng mà họ không còn cách nào khác buộc phải chống trả bằng cách lưu manh hóa. Nhiều tác phẩm khác, Nam Cao cũng xây dựng các nhân vật vốn hiền lành trở nên ngang ngược như Trạch Văn Đoành trong Đôi móng giò, cu Lộ trong Tư cách mõ, các nhân vật Binh Tư, Năm Thọ trong tác phẩm Chí Phèo.

- Khi viết về những người nông dân bị lưu manh hóa, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con người khốn khổ.

- Hình tượng nhân vật Chí Phèo hiện lên sắc nét, gây ấn tượng nơi người đọc. Khi xây dựng nhân vật này, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí của nhân vật.

Câu 5 (trang 155):

Ngôn ngữ trong tác phẩm Chí Phèo rất sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật lại vừa rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Giọng điệu của nhà văn phong phú và biến hóa, có sự đan xen lẫn nhau. Cách trần thuật cũng rất linh hoạt. Nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt, gây hấp dẫn cho người đọc. Lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của chính nhà văn, lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo điểm nhìn của thị Nở, bá Kiến... Qua đó tạo nên giọng điệu đan xen, độc đáo.

Câu 6 (trang 155):

Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn Chí Phèo đó là:

- Phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay trong quá trình tha hóa của họ.

→ Từ đó cho thấy khát vọng làm người ngay cả khi họ bị xã hội cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính.

- Để cho Chí Phèo tự kết liễu đời mình, nhà văn đã bộc lộ lòng yêu thương đối với nhân vật của mình.

→ Nam Cao muốn Chí Phèo ý thức được nhân phẩm của mình.

Luyện tập

Câu 1 (trang 156):

Tham khảo:

Ý kiến nêu trên khẳng định yêu cầu hết sức quan trọng đối với tác phẩm văn chương và các tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ ở đây phải sáng tạo, tìm tòi và phát hiện ra những cái mới.

Eho rằng đây là ý kiến hoàn toàn đúng, phản ánh đúng bản chất của nghệ thuật, đã được nhiều người thừa nhận và khẳng định theo những cách diễn đạt khác nhau. Ở đây, nhà văn Nam Cao đã diễn đạt điều đó một cách ngắn gọn, hàm xúc và giàu hình ảnh. Soi tỏ vào các tác phẩm của ông ta còn có thể thấy rất rõ vấn đề này.

Ví dụ: Trong các sáng tác của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám ở đề tài người nông dân. Đây là đề tài không phải mới mẻ đối với các nhà văn hiện thực, bởi trước Nam Cao đã có các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... rất thành công với những tác phẩm kể về người nông dân của mình. Nhưng Nam Cao không đi lại lối mòn của các nhà văn trước đó, mà ông đi sâu vào việc khám phá quá trình con người bị tha hóa, bị đè nén trở thành những tên lưu manh hóa. Từ đó ông đặt ra các vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân sinh.

Câu 2 (trang 156):

Truyện ngắn Chí Phèo được coi là một kiệt tác của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại bởi vì:

- Tác phẩm này có giá trị tư tưởng (hiện thực và nhân đạo) sâu sắc, độc đáo và mới mẻ.

- Đây là tác phẩm đầu tiên nói về người nông dân bị “lưu manh hóa”, chứ không đơn thuần nói về số phận bị bần cùng hóa như các tác phẩm trước: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Lão Hạc (Nam Cao)...

- Truyện ngắn thấy được nghệ thuật bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng nhân vật điển hình, lối kết cấu, xây dựng cốt truyện, giọng điệu đa dạng...