Người trong bao (trang 70 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
An-tôn Páp-lô-vich Sê-khốp (1860 – 1904), nhà văn Nga kiệt xuất, sinh ra và lớn lên trong một gia đình buôn bán nhỏ ở thị trấn Ta-gan-rốc, bên bờ biển A-dốp. Ông vừa là nhà văn, vừa tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội.
Năm 1887, An-tôn Páp-lô-vich Sê-khốp được nhận Giải thưởng Pu-skin của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Năm 1900, Sê-khốp được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Sê-khốp đế lại hơn 500 truyện ngắn và truyện vừa, trong đó có nhiều tác phẩm đặc sắc như: Anh béo anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6, Đảo Xa-kha-lin, ...
Từ những cốt truyện rất giản dị, tác phẩm của Sê-khốp thường đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, ý nghĩa nhân bản sâu xa. Sê-khốp là đại biểu cuối cùng của văn học hiện thực Nga nửa cuối thế kỉ XIX, nhà cách tân thiên tài về thể loại truyện ngắn và kịch nói.
2. Tác phẩm
- Hoàn cảnh sáng tác: Người trong bao được sáng tác trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I - an - ta, trên bán đảo Crưm, biển Đen.
- Người trong bao là một phát hiện độc đáo, đặc sắc của nhà văn. Câu chuyện cười ra nước mắt về cuộc đời một con người mắc chứng bệnh sự hãi, sống, chết đều thảm hại... không chỉ phản ánh thực trạng xã hội và còn có ý nghĩa triết lí sâu sắc.
Bố cục của bài được chia làm 3 phần:
+ Mở truyện: cuộc trò chuyện ở gần nhà kho giữa hai người bạn Bu-rơ-kin và I-va I-van-nứt.
+ Thân truyện: Bu-rơ-kin kể về cuộc đời và tính cách của Bê-li-cốp.
+ Kết truyện: Nhận xét của I-va I-van-nứt khi nghe chuyện
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 70 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Nhân vật Bê-li-cốp được miêu tả qua bức chân dung và tính cách cụ thể như sau:
* Chân dung:
- Bộ mặt: giấu trong cổ áo bành tô bẻ cao, mắt đeo kính râm.
- Trang phục: luôn mặc áo màu đen, đi giầy cao su, mặc áo bông chần, đeo kính râm.
- Đồ dùng: cái ô, đồng hồ quả quýt, chiếc dao nhỏ để gọt bút chì... đều được để trong bao.
=> Chân dung kì quái, lập dị, được che chắn, bao bọc trong hình thức một cái bao, không dám đối mặt với thực tế, “trốn tránh cuộc sống thực”.
* Tính cách Bê-li-cốp:
- Nhút nhát, ngại giao tiếp “thu mình vào trong vỏ, tạo cho mình một thứ bao có thể ngăn mình khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài”.
- Ý nghĩ cũng giấu vào trong bao, không bao giờ dám có ý kiến về một vấn đề nào.
- Trốn tránh hiện tại, ca ngợi quá khứ - ngợi ca tiếng Hi Lạp cổ.
- Bảo thủ, giáo điều, sùng bái cấp trên và những chỉ thị thông tư một cách máy móc, rập khuôn.
- Luôn cô độc, lo lắng và sợ hãi.
+ Ở nhà luôn đóng cửa, cài then, buồng ngủ chật như một cái hộp, khi ngủ kéo chăn trùm đầu kín mít.
+ Câu nói cửa miệng: “nhỡ lại xảy ra chuyện gì”.
→ Qua miêu tả về chân dung và tính cách của Bê-li-cốp, ta thấy Bê-li-cốp là một người cô độc, lạc lõng, sợ hãi, thích sống dập khuôn như một cái máy vô hồn và luôn thỏa mãn, hài lòng với cuộc sống của chính mình.
- Lối sống của Bê-li-cốp đã ảnh hưởng đến tinh thần và hoạt động của mọi người: mọi người đều sợ hắn, cả thầy hiệu trưởng cũng sợ... , cả thành phố sợ hắn.
=> Bê-li-cốp đại diện cho những chỉ thị, thông tư, điển hình cho một kiếp người, một hiện tượng xã hội đã và đang tồn tại trong cuộc sống của một bộ phận tri thức Nga cuối thế kỉ XIX.
Câu 2 (trang 70):
Bê-li-cốp chết bởi:
* Nguyên nhân trực tiếp:
- Vì va chạm với Cô - va - len - cô, Bê-li-cốp bị ngã cầu thang.
- Vì bị sốc trước thái độ của Va-ren-ca.
* Nguyên nhân sâu xa: lo sợ việc mình bị ngã ở nhà Va-ren-ca sẽ đến tai ngài hiệu trưởng, ngài thanh tra.
→ Bê-li-cốp đã tìm được chiếc bao mà mình muốn, cả đời không ai có thể kéo hắn ra khỏi vỏ bọc của mình nữa.
* Tình cảm và thái độ của mọi người đối với Bê-li-cốp:
- Khi Bê-li-cốp còn sống: mọi người đều sợ hãi, căm ghét, bị ám ảnh.
- Khi Bê-li-cốp chết:
+ Mọi người thờ ơ, nhẹ nhõm, thoải mái.
+ Một tuần sau, mọi chuyện lại diễn ra như cũ: nặng nề, mệt nhọc, vô vị. Bởi dù chết nhưng còn bao nhiêu là người trong bao, thậm chí trong tương lai sẽ còn bao kẻ như thế nữa.
=> Ảnh hưởng của mọi người đối với Bê-li-cốp thật dai dẳng. Cái chết của Bê-li-cốp như một sự tất yếu, phản ánh việc đã đến lúc phải thay đổi cuộc sống công thức, rập khuôn, máy móc.
Câu 3 (trang 70):
* Ý nghĩa tư tưởng – nghệ thuật của biểu tượng “cái bao”:
- Nghĩa gốc: Là dụng cụ để đựng đồ vật.
- Nghĩa biểu tượng: chỉ cuộc sống gò bó, thu hẹp của một kiểu người trong xã hội Nga nửa cuối thế kỉ XIX.
* Chủ đề, tư tưởng của truyện ngắn Người trong bao: chỉ một loại người tự biến mình thành một món đồ, một cái máy chấp hành đầy đủ mọi yêu cầu, nguyên tắc. Qua đó, tác phẩm cũng phản ánh tình trạng nước Nga cuối thế kỉ XIX chìm đắm trong khủng hoảng, trì trệ.
Câu 4 (trang 70):
Đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Người trong bao:
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình: qua chân dung, lối sống, tính cách,... đều làm nổi bật tính cách nhân vật.
- Nghệ thuật xây dựng hình tượng điển hình: “cái bao”.
- Nghệ thuật chọn ngôi kể và giọng kể:
+ Ngôi kể: Tác giả đồng thời sử dụng cả hai hình thức người kể chuyện và nhân vật kể chuyện. Nhân vật trong truyện đồng thời cũng là nhàn vật kể chuyện (Bu-rơ-kin) ở ngôi thứ nhất (xưng tôi). Tác giả vẫn giữ ngôi thứ ba, kể lại câu chuyện của Bu-rơ-kin. => với ngôi kể như vậy vừa đảm bảo được tính khách quan vừa vẫn thể hiện được tính chủ quan, tạo được cảm giác gần gũi và chân thật của câu chuyện.
+ Giọng kể: mỉa mai, châm biếm và kèm bình luận.
- Nghệ thuật tương phản: xây dựng nhân vật Bê-li-cốp tương phản với chị em Va-ren-ca và mọi người xung quanh.
Câu 5 (trang 70):
Ý nghĩa thời sự của truyện ngắn Người trong bao
- Tác phẩm phản ánh sự bế tắc, trì trệ của xã hội Nga những năm cuối thế kỉ XIX đã sinh ra những kiểu người luôn thu mình trong cái vỏ bọc an toàn (thu mình trong bao).
- Là tiếng nói đòi sự thay đổi của xã hội.
- Cần loại bỏ lối sống thu mình, ích kỉ, cá nhân, cần sống chan hòa với mọi người xung quanh.
Luyện tập
Câu 3 (trang 70):
Không nên thay nhan đề Người trong bao bằng các nhan đề khác bởi nhan đề "Người trong bao" là một nhan đề giàu hình ảnh, vừa mang tính khái quát lại gây ấn tượng sâu sắc:
- Đó là sáng tạo của tác giả
- Là cách dịch sát nghĩa với nguyên tác nhất.
Câu 4 (trang 70):
Một số thành ngữ, tục ngữ Việt Nam có nội dung gần với lối sống và kiểu người trong bao:
- Rùa rụt cổ
- Con ốc nằm co.
- Co vòi rụt cổ,...
Luyện tập
Bài 1 (Trang 70): Nhập vai Bê-li-cốp để kể lại truyện ngắn Người trong bao bằng ngôi thứ nhất.
Tôi là Bê-li-cốp, một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp cổ. Tôi thấy sợ thế giới bên ngoài nên đi đâu tôi cũng luôn mặc kín bưng, tôi thích nhét các vật dụng như đồng hồ, ô... vào trong bao. Khi tới nhà đồng nghiệp hay bạn bè, tôi thường ngồi nhìn mọi vật xung quanh, không nói năng gì rồi ra về. Tôi thích ngủ kín mít chăn, đóng kín cửa, tôi cũng không thích giao du với hàng xóm. Tôi cảm thấy khó chịu khi ai đó vẽ tranh châm biếm tôi và Va-ren-ca người phụ nữ tôi yêu thương nên tôi kể với Co-va-len-ca. Tôi nghĩ cần sống đúng theo chỉ thị, hành xử phải thận trọng, cẩn thận. Tôi thấy kinh khủng khi Va-ren- ca là con gái mà đạp xe, nên tôi góp ý với em cô ấy. Không ngờ thằng bé xô tôi ngã nhào xuống cầu thang, đúng lúc đó Va-ren-ca trở về nhìn thấy tôi thì phá lên cười, tôi thấy xấu hổ vô cùng.
Bài 2 (Trang 70): Có thể viết đoạn kết cho câu chuyện như sau:
Bê-li-cốp không chết, ông tỉnh ngộ và trút bỏ hết những chiếc bao bên ngoài mình để sống cuộc đời tự do hơn, phóng khoáng hơn. Ông trở nên thân thiện, trò chuyện với mọi người vui vẻ, cởi mở hơn. Ông cùng đạp xe với Va-ren-ca mỗi khi hai người gặp nhau. Ông chuyển tới căn nhà thoáng mát, có nhiều cửa sổ hơn, và sống một cuộc sống mới.
Bài tiếp: Thao tác lập luận bình luận (trang 71 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)