Chiều xuân (trang 52 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)
I. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
- Tác giả Anh Thơ sinh năm 1921, mất năm 2005, tên khai sinh là Vương Kiều Ân, sinh ra tại thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, xuất thân trong một gia đình công chức nhỏ, quê gốc ở thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
- Anh Thơ có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp sống nơi đồng quê miền Bắc nước ta. Bà là nữ thi sĩ tiêu biểu của nền thơ Việt Nam hiện đại.
- Tác phẩm tiêu biểu của bà: Bức tranh quê (thơ – 1941), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ – 1957), Từ bến sông Thương (hồi kí – 1986), Tuyển tập Anh Thơ (1986).
2. Tác phẩm
Bài "Chiều xuân" được rút ra từ tập "Bức tranh quê" - tập thơ đầu tay của Anh Thơ.
Bố cục của bài thơ gồm 3 phần:
- Phần 1 (khổ 1): Chiều xuân trên bến vắng
- Phần 2 (khổ 2): Chiều xuân trên đường đê
- Phần 3 (khổ 3): Chiều xuân trong đồng lúa
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 52 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2):
Bức tranh quê chiều xuân hiện lên:
- Khổ 1: Bức tranh quê vào mùa xuân tĩnh lặng, êm đềm, thơ mộng, buồn phảng phất dịu dàng trong cơn mưa xuân dịu êm với các hình cảnh: con đò biếng lười, dòng sông trôi, quán tranh im lìm, hoa xoan tím rụng.
- Khổ 2: Bức tranh sinh động nhẹ nhàng: đàn trâu gặm cỏ, những cánh bướm rập rờn. Đoạn thơ có sự tươi mát, thơ mộng, đầy ảo giác qua sự phát hiện mới mẻ và đầy kì thú của nhà thơ.
- Khổ 3: Cảnh êm đềm, nhẹ nhàng. Đặc biệt đoạn thơ có sự xuất hiện của con người làm cho không gian hoạt động hơn, cảnh bớt vắng vẻ. Bài thơ có được cái ấm áp của cảnh đời thường:
+ Cánh đồng lúa xanh.
+ Lũ cò con chốc chốc bay.
+ Giật mình cô gái yếm thắm
→ Thủ pháp dùng cái động để nói cái tĩnh.
=> Ba khổ thơ khắc họa cảnh chiều xuân nơi đồng quê xứ Bắc đẹp nên thơ, thi vị, phảng phất cái buồn dìu dịu.
Câu 2 (trang 52):
Không khí đồng quê yên lặng, nhịp sống vô cùng bình yên:
- Từ ngữ giàu giá trị tạo hình gợi cảm: êm, biếng lười, vắng lặng, vu vơ, rập rờn, thong thả, chốc chốc.
- Danh từ chỉ sự vật: mưa, đò, quán, hoa xoan, trâu bò, cò con.
Câu 3 (trang 52):
- Trong bài, tác giả Anh Thơ sử dụng rất nhiều những từ láy như: êm êm, im lìm, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả.
- Tác dụng của những từ láy đó:
+ Các từ láy này đều là những từ láy có tính chất giảm nhẹ (trừ từ láy tơi bời).
+ Diễn tả trạng thái thụ động hoặc trạng thái đều đều của chủ thể.
Bài trước: Tương tư (trang 50 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2) Bài tiếp: Tiểu sử tóm tắt (trang 54 sgk Ngữ Văn 11 Tập 2)