Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh 12 (ngắn nhất) > Bài 5: Nhiễm sắc thể và đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể - Sinh học 12 (ngắn nhất)

Bài 5: Nhiễm sắc thể và đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể - Sinh học 12 (ngắn nhất)

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Sinh 12 Bài 5 trang 24: Em hãy nêu những biến đổi hình thái của NST qua các kì phân bào.

Đáp án:

Sự biến đổi hình thái của NST qua các kì phân bào như sau:

- Kì trung gian: NST ở dạng sợi mảnh, mỗi NST đơn nhân đôi tạo thành 2 NST đơn đính với nhau tại tâm động hình thành NST kép.

- Kì đầu: NST dần co xoắn.

- Kì giữa: NST kép co xoắn cực đại

- Kì sau: NST kép tách nhau thành NST đơn

- Kì cuối: NST bắt đầu dãn xoắn

Câu hỏi Sinh 12 Bài 5 trang 26: Vị trí đứt gãy khác nhau trên NST trong các đột biến cấu trúc NST liệu có gây nên những hậu quả khác nhau cho thể đột biến hay không?

Đáp án:

Vị trí đứt gãy khác nhau trên NST trong các đột biến cấu trúc NST có gây nên những hậu quả khác nhau cho thể đột biến. Vì:

- Mỗi NST mang nhiều gen, cho nên ở mỗi vị trí khác nhau của NST có các gen khác nhau, quy định các tính trạng khác nhau => hậu quả ở thể đột biến là khác nhau.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Câu 1 trang 26 Sinh học 12: Mô tả cấu trúc siêu hiển vi của NST ở sinh vật nhân thực.

Đáp án:

Cấu trúc siêu hiển vi của NST ở sinh vật nhân thự:

- Mỗi NST chứa 1 phân tử ADN (đường kính 2nm) và protein histon ở các mức độ xoắn khác nhau.

- Có 3 mức xoắn theo mức cao dần:

+ Mức xoắn 1 (sợi cơ bản, đường kính 11nm): là chuỗi các nucleoxom, trong đó mỗi nucleoxom gồm có 8 phân tử protein histon được quấn quanh bởi 7/4 vòng xoắn ADN với khoảng 146 cặp nucleotit. Lưu ý: ở khoảng giữa của mỗi nucleoxom là 1 phân tử protein histon.

+ Mức xoắn 2: sợi chất nhiễm sắc, đường kính 30nm.

+ Mức xoắn 3: siêu xoắn, đường kính 300nm.

- 1 crômatit có đường kính là 700nm, và 1 NST kép (có 2 crômatit) có đường kính là 1400nm.

Câu 2 trang 26 Sinh học 12: Vì sao mỗi NST lại được xoắn lại theo nhiều cấp độ khác nhau?

Đáp án:

Mỗi NST lại được xoắn lại theo nhiều cấp độ khác nhau để:

- Rút ngắn độ dài của phân tử ADN trên NST giúp cho NST có thể xếp gọn trong nhân tế bào có kích thước nhỏ.

- Tăng khả năng bảo vệ cho NST khỏi các tác nhân vật lí, hóa học…

- Thuận lợi cho sự phân li, tổ hợp của NST trong nguyên phân và giảm phân, thụ tinh ⇒ giảm khả năng rối loạn và đứt gãy của NST khi NST tiếp xúc với nhau ⇒ giảm đột biến.

Câu 3 trang 26 Sinh học 12: Đột biến cấu trúc NST là gì? Có những dạng nào? Nêu ý nghĩa.

Đáp án:

- Đột biến cấu trúc NST là những biến đổi trong cấu trúc của NST.

- Có 4 dạng: mất đoạn, lặp đoạn, đảo đoạn và chuyển đoạn.

- Ý nghĩa:

+ Mất đoạn: loại bỏ 1 số gen không mong muốn ở giống cây trồng.

+ Lặp đoạn: tạo điều kiện cho đột biến gen ⇒ tạo gen mới cho tiến hóa.

+ Đảo đoạn: tạo nguyên liệu cho quá trình tiến hóa.

+ Chuyển đoạn: có ý nghĩa hình thành loài mới, ứng dụng trong sản xuất để phòng trừ sâu bệnh hại bằng biện pháp di truyền.

Câu 4 trang 26 Sinh học 12: Vì sao phần lớn các loại đột biến cấu trúc NST là có hại, thậm chí gây chết cho cá thể đột biến?

Đáp án:

Phần lớn các loại đột biến cấu trúc NST là có hại, thậm chí gây chết cho cá thể đột biến vì:

- Đột biến NST ảnh hưởng đến nhiều gen, làm rối loạn vật chất di truyền ở mức độ nhiều hơn, nghiêm trọng hơn

- Làm mất cân bằng hệ gen vốn đã được chọn lọc và di truyền qua nhiều thế hệ để thích nghi với môi trường.

Câu 5 trang 26 Sinh học 12: Hãy chọn phương án trả lời đúng nhất.

Hiện tượng đột biến cấu trúc NST do

A. đứt gãy NST.

B. đứt gãy NST hoặc đứt gãy rồi tái kết hợp khác thường.

C. trao đổi chéo không đều.

D. Cả B và C

Đáp án:

Đáp án đúng là: D. Cả B và C