Bài 44: Chu trình sinh địa hóa và sinh quyển - Sinh học 12 (ngắn nhất)
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 Bài 44 trang 195: Theo chiều mũi tên trong sơ đồ hình 44.1, em hãy giải thích một cách khái quát sự trao đổi vật chất trong quần xã và chu trình sinh địa hóa.
Đáp án:
- Sự trao đổi vật chất trong quần xã diễn ra như sau:
+ Các vật chất của môi trường được đưa vào quần xã qua sinh vật sản xuất.
+ Trong quần xã xảy ra trao đổi chất với nhau giữa 3 thành phần hữu sinh (sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ và sinh vật phân giải).
+ Sinh vật phân giải thực hiện phân giải các chất hữu cơ và trả lại môi trường.
- Chu trình sinh địa hóa là sự trao đổi vật chất trong tự nhiên dùng để trao đổi với quần xã, trao đổi trong quần xã sau đó truyền trở lại môi trường.
Câu hỏi Sinh 12 Bài 44 trang 196: Qua hình 44.2 và các kiến thức sinh học đã học, em hãy cho biết:
- Bằng những con đường nào cacbon đã đi từ môi trường ngoài vào cơ thể sinh vật, trao đổi trong quần xã và trở lại môi trường không khí và môi trường đất?
- Có phải tất cả lượng cacbon của quần xã sinh vật được trao đổi liên tục theo vòng tuần hoàn kín không? Giải thích vì sao?
Đáp án:
- Cacbon đi vào cơ thể sinh vật qua quá trình quang hợp của sinh vật sản xuất (cacbon trong không khí hoặc hòa tan trong nước, sau đó được sinh vật sản xuất dùng để quang hợp) → tạo chất hữu cơ → chuyển qua các bậc dinh dưỡng dưới dạng hợp chất hữu cơ → rồi thải ra môi trường qua hô hấp, qua chất thải.
- Không phải tất cả lượng cacbon của quần xã sinh vật đều được trao đổi liên tục theo vòng tuần hoàn kín. Vì: Có một phần cacbon có trong các hợp chất hữu cơ được trở thành dạng vật chất lắng đọng trong đất dưới dạng than đá, dầu…
Câu hỏi Sinh 12 Bài 44 trang 197: Qua sơ đồ hình 44.3, em hãy mô tả ngắn gọn sự trao đổi nitơ trong tự nhiên.
- Em hãy nêu một số biện pháp sinh học làm tăng trọng lượng đạm trong đất để nâng cao năng suất cây trồng và cải tạo đất.
Đáp án:
- Sự trao đổi nitơ trong tự nhiên diễn ra như sau: Nitơ khí quyển đi vào quần xã bằng 3 con đường:
+ Quá trình sản xuất đạm tạo hỗn hợp có nitơ → bón phân bổ sung cho đất → vi khuẩn nitrit hóa tạo thành nitrit → được vi khuẩn nitrat hóa tạo nitrat → được sinh vật sản xuất hấp thụ; một phần phân đạm được chuyển thành amôni rồi được sinh vật sản xuất hấp thụ.
+ Quá trình tạo đạm, tổng hợp đạm trong khí quyển do tia chớp hoặc các phản ứng quang hóa → được vi khuẩn cố định N2 trong đất tạo thành nitrit được vi khuẩn nitrat hóa tạo nitrat → được sinh vật sản xuất hấp thụ.
+ Được vi khuẩn cố định N2 trong nốt sần cây họ Đậu → chuyển thành chất hữu cơ → được vi khuẩn phân giải chất hữu cơ tạo thành amôni → một phần chuyển thành nitrit được vi khuẩn nitrat hóa tạo nitrat → được sinh vật sản xuất hấp thụ; một phần được cây họ Đậu hấp thụ; một phần từ amôni được sinh vật sản xuất hấp thụ trực tiếp.
Nitơ được trao đổi lần lượt qua các bậc dinh dưỡng và sau đó được trả lại khí quyển do vi khuẩn phản nitrat hóa.
- Một số biện pháp sinh học làm tăng trọng lượng đạm trong đất để nâng cao năng suất cây trồng và cải tạo đất đó là:
+ Bón các loại phân hữu cơ cho đất.
+ Làm đất tơi xốp để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn phản nitrat hóa.
+ Tích cực trồng cây họ Đậu ở những nơi cần cải tạo đất.
Câu hỏi Sinh 12 Bài 44 trang 199: Quan sát hình 44.5, em hãy nhận xét sự phân bố vùng theo vĩ độ và mức độ khô hạn của các khu sinh học trên cạn.
Đáp án:
Nhận xét:
- Ở vĩ độ càng cao → mức độ khô hạn càng tăng → sự đa dạng sinh học càng giảm.
- Ở các vĩ độ thấp, có nhiều loại môi trường sinh thái, sự đa dạng loài cao, có nhiều cây tán rộng. Ngoài ra, có cả các Savan do khí hậu nóng.
- Vĩ độ càng cao, lá cây càng nhỏ dần và trở thành lá kim.
- Ở nơi vĩ độ thấp nhất → chủ yếu là đồng rêu, cây bụi, thân thấp.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Câu 1 trang 200 Sinh học 12: Hãy trình bày khái quát thế nào là chu trình sinh địa hóa trên Trái Đất.
Đáp án:
- Chu trình sinh địa hóa là chu trình trao đổi các chất trong tự nhiên gồm các phần:
+ Tổng hợp các chất
+ Tuần hoàn các chất
+ Phân giải và lắng đọng một phần vật chất trong đất và nước.
Câu 2 trang 200 Sinh học 12: Trong mỗi chu trình sinh địa hóa có một phần vật chất trao đổi và tuần hoàn, một phần khác trở thành nguồn dự trữ hoặc không còn tuần hoàn trong chu trình. Em hãy phân biệt hai phần đó và cho ví dụ minh họa.
Đáp án:
Phần trao đổi và tuần hoàn | Phần dự trữ hoặc không tuần hoàn trong chu trình | |
Khác nhau | - Chiếm lượng lớn
- Theo vòng kín - Lặp đi lặp lại vòng tuần hoàn | - Chiếm lượng nhỏ
- Theo vòng hở - Chỉ tham gia 1 phần của vòng. |
Ví dụ | Cacbon đi vào cơ thể sinh vật thông qua quang hợp của sinh vật sản xuất (cacbon trong không khí hoặc hòa tan trong nước sau đó được sinh vật sản xuất dùng để quang hợp) → tạo chất hữu cơ → chuyển qua các bậc dinh dưỡng dưới dạng hợp chất hữu cơ → thải ra môi trường qua hô hấp, qua chất thải; sau đó lại được đưa vào quần xã. | Có một phần cacbon có trong các hợp chất hữu cơ được trở thành dạng vật chất lắng đọng trong đất dưới dạng than đá, dầu. |
Câu 3 trang 200 Sinh học 12: Những nguyên nhân nào làm cho nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển tăng? Nêu hậu quả và cách hạn chế.
Đáp án:
- Nguyên nhân làm nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển tăng là do:
+ Quá trình sản xuất của nhà máy công nghiệp.
+ Khí thải từ phương tiện giao thông chủ yếu là khí CO2.
+ Rác thải từ sinh hoạt.
+ Sự suy giảm nghiêm trọng số lượng thực vật và tăng quá nhanh động vật.
=> Hậu quả:
+ Nguồn không khí bị ô nhiễm nặng.
+ Gây hiệu ứng nhà kính, sự biến đổi khí hậu.
+ Các hoạt động sống của sinh vật bị cản trở.
=> Biện pháp khắc phục:
+ Tích cực trồng cây xanh, tăng diện tích cây trồng
+ Xử lí khí chứa nhiều CO2 trước khi thải ra môi trường.
+ Xử lí rác thải hợp lí.
+ Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông sạch, thân thiện với môi trường.
Câu 4 trang 200 Sinh học 12: Hãy nêu biện pháp sinh học để nâng cao hàm lượng đạm trong đất nhằm cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng.
Đáp án:
- Các biện pháp sinh học giúp nâng cao hàm lượng đạm trong đất để cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng như sau:
+ Bón các loại phân hữu cơ cho đất.
+ Cung cấp chế phẩm sinh học cho đất là vi sinh vật cố định đạm.
+ Tích cực trồng cây họ Đậu ở những nơi cần cải tạo đất.
+ Làm đất tơi xốp để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn phản nitrat hóa.
+ Thả bèo hoa dâu vào ruộng lúa làm tăng lượng đạm cho lúa.
Câu 5 trang 200 Sinh học 12: Nguyên nhân nào làm ảnh hưởng tới chu trình nước trong tự nhiên, gây nên lũ lụt, hạn hán hoặc ô nhiễm nước? Nêu cách khắc phục.
Đáp án:
- Nguyên nhân làm ảnh hưởng tới chu trình nước trong tự nhiên, gây lũ lụt, hạn hán hoặc ô nhiễm nước:
+ Thải các chất gây ô nhiễm nguồn nước.
+ Phá rừng → tăng dòng chảy trên mặt đất gây lũ lột, xói mòn đất, hạn chế lượng nước ngầm xuống các mạch nước ngầm nhờ vào hệ rễ của cây, làm giảm lượng nước bốc hơi qua thoát hơi nước trên bề mặt lá.
+ Sử dụng nguồn nước lãng phí → cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm
- Biện pháp khắc phục:
+ Bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng.
+ Bảo vệ các nguồn nước sạch, chống ô nhiễm.
+ Sử dụng tiết kiệm nguồn nước bề mặt, cũng như nguồn nước ngầm, tránh cạn kiệt nguồn nước.
Câu 6 trang 200 Sinh học 12: Thế nào là sinh quyển? Nêu các khu sinh học trong sinh quyển. Em hãy sắp xếp các khu sinh học trên cạn theo thứ tự từ phía Bắc xuống phía Nam của Trái Đất.
Đáp án:
- Sinh quyển là bao gồm toàn bộ sinh vật sống trong các lớp đất, nước và không khí của Trái Đất.
- Các khu sinh học (biôm) chủ yếu trong sinh quyển:
+ Các khu sinh học trên cạn,
+ Các khu sinh học dưới nước (gồm nước mặn và nước ngọt).
+ Ngoài ra, có thể xếp tùy theo điều kiện địa lí, khí hậu và sinh vật sống ở mỗi khu.
- Sắp xếp các khu sinh học trên cạn như sau:
+ Đồng rêu hàn đới
+ Rừng lá kim phương Bắc
+ Khu sinh học ôn đới: Rừng rụng lá ôn đới, thảo nguyên, rừng Địa Trung Hải
+ Khu sinh học nhiệt đới: Rừng mưa nhiệt đới, Savan, hoang mạc và sa mạc
+ Khu sinh học ôn đới: Rừng rụng lá ôn đới, thảo nguyên
+ Rừng lá kim phương Nam
+ Đồng rêu hàn đới
Bài trước: Bài 43: Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái - Sinh học 12 (ngắn nhất) Bài tiếp: Bài 45: Dòng năng lượng trong hệ sinh thái và hiệu suất sinh thái - Sinh học 12 (ngắn nhất)