Bài 39: Biến động số lượng cá thể của quần thể sinh vật - Sinh học 12 (ngắn nhất)
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 Bài 39 trang 171: Em hãy quan sát hình 39.1B và cho biết tại sao số lượng thỏ và mèo rừng lại tăng và giảm theo chu kì gần giống nhau.
Đáp án:
- Số lượng thỏ và mèo rừng lại tăng và giảm theo chu kì gần giống nhau là vì: thỏ là thức ăn của mèo rừng:
+ Khi số lượng cá thể thỏ tăng lên → số lượng mèo rừng cũng tăng lên do có nguồn thức ăn dồi dào.
+ Khi số lượng thỏ giảm xuống → số lượng mèo rừng giảm do thiếu thốn thức ăn.
Câu hỏi Sinh 12 Bài 39 trang 172: Hãy nêu những nguyên nhân gây nên sự biến động số lượng cá thể của các quần thể theo chu kì và không theo chu kì (trong các ví dụ đã nêu ở phần 1), theo gợi ý ở bảng 39.
Đáp án:
Bảng 39. Nguyên nhân gây biến động số lượng cá thể của quần thể
Quần thể | Nguyên nhân gây biến động quần thể |
Cáo ở đồng rêu phương Bắc | Phụ thuộc vào số lượng con mồi là chuột lemmut |
Sâu hại mùa màng | Phụ thuộc vào số lượng lúa, ngô |
Mèo rừng Canada | Phụ thuộc vào số lượng con mồi là thỏ |
Quần thể ếch, nhái giảm khi nhiệt độ xuống dưới 8oC | Do điều kiện thời tiết bất lợi (nhiệt độ thấp). |
Quần thể thỏ Oxtraylia | Giảm mạnh do bệnh u nhầy (điều kiện bất lợi từ môi trường) |
Câu hỏi Sinh 12 Bài 39 trang 174: Các nhân tố sinh thái vô sinh và hữu sinh ảnh hưởng ra sao tới trạng thái cân bằng của quần thể? Lấy ví dụ minh họa.
Đáp án:
* Các nhân tố vô sinh, hữu sinh ảnh hưởng tới trạng thái cân bằng của quần thể như sau:
- Nhân tố vô sinh:
+ Sự thay đổi các nhân tố vô sinh như: điều kiện khí hậu như nhiệt độ, ánh sáng…, ảnh hưởng tới trạng thái sinh lí của mỗi cá thể ⇒ làm thay đổi số lượng cá thể của quần thể. Điều kiện thích hợp → tăng số lượng cá thể, điều kiện bất lợi → số lượng cá thể giảm.
Ví dụ:
+ Khi nhiệt độ môi trường giảm đột ngột quá mạnh thì ếch, nhái,... sẽ bị chết.
+ Khi nhiệt độ tăng quá cao đã làm chết nhiều người ở khu vực châu Phi năm 2015.
+ Khi điều kiện môi trường thích hợp → các cá thể phát triển nhanh, số lượng cá thể của quần thể tăng nhanh.
- Các nhân tố hữu sinh:
+ Sự cạnh tranh giữa các sinh vật → kìm hãm số lượng cá thể và giảm nhanh số lượng cá thể của quần thể.
+ Sự hỗ trợ giữa các cá thể giúp chúng phát triển tốt → tăng số lượng cá thế của quần thể.
Ví dụ:
+ Số lượng cá thể hươu, nai giảm mạnh khi kẻ thù săn mồi tấn công.
+ Số lượng sâu tăng lên khi số lượng cây ngô non nhiều.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Câu 1 trang 174 Sinh học 12: Nguyên nhân của những biến động số lượng cá thể của quần thể là gì?
Đáp án:
Những biến động số lượng cá thể của quần thể là do:
- Thay đổi của các nhân tố sinh thái vô sinh.
- Thay đổi của các nhân tố sinh thái hữu sinh.
Câu 2 trang 174 Sinh học 12: Thế nào là nhân tố sinh thái phụ thuộc mật độ, nhân tố sinh thái không phụ thuộc mật độ? Các nhân tố này có ảnh hưởng như thế nào tới sự biến động số lượng cá thể của quần thể.
Đáp án:
- Nhân tố sinh thái phụ thuộc mật độ (hay còn gọi là nhân tố sinh thái hữu sinh) là nhóm các nhân tố sinh thái bị chi phối bởi mật độ cá thể của quần thể. Nhân tố này ảnh hưởng tới sự biến động số lượng cá thể của quần thể như sau:
+ Sự cạnh tranh giữa các sinh vật → kìm hãm số lượng cá thể và giảm nhanh số lượng cá thể của quần thể.
+ Sự hỗ trợ giữa các cá thể giúp chúng phát triển tốt → tăng số lượng cá thế của quần thể.
- Nhân tố sinh thái không phụ thuộc mật độ (nhân tố sinh thái vô sinh) là nhóm các nhân tố sinh thái không chịu sự chi phối bởi mật độ cá thể của quần thể.
Sự thay đổi các nhân tố vô sinh (điều kiện khí hậu như nhiệt độ, ánh sáng…) ảnh hưởng tới trạng thái sinh lí của mỗi cá thể ⇒ làm thay đổi số lượng cá thể của quần thể. Điều kiện thích hợp → tăng số lượng cá thể, điều kiện bất lợi → số lượng cá thể giảm.
Câu 3 trang 174 Sinh học 12: Những nghiên cứu về biến động số lượng cá thể có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp và bảo vệ các loài sinh vật? Cho ví dụ minh họa.
Đáp án:
- Ý nghĩa của những nghiên cứu về biến động số lượng cá thể đối với sản xuất nông nghiệp và bảo vệ các loài sinh vật như sau:
+ Giúp các nhà nông nghiệp xác định đúng lịch thời vụ để vật nuôi, cây trồng sinh trưởng trong điều kiện thích hợp nhất trong năm, nhằm đạt được năng suất cao nhất.
+ Giúp các nhà bảo vệ môi trường chủ động trong việc hạn chế sự phát triển quá mức của các loài sinh vật gây hại, gây mất cân bằng sinh thái.
- Ví dụ minh họa:
+ Mùa xuân, mùa hè sâu hại sẽ phát triển mạnh → chuẩn bị các biện phát phòng trừ sâu trước đó để tiến hành trồng rau màu có hiệu quả.
+ Ếch, nhái có nhiều vào mùa mưa → tiến hành nuôi ếch, nhái vào mùa mưa, có độ ẩm cao.
+ Mùa thu hoạch ngô, lúa… có nhiều chim cu gáy → ngăn cản sự xâm hại của chim cu gáy ăn ngô, lúa.
Câu 4 trang 174 Sinh học 12: Quần thể điều chỉnh số lượng cá thể như thế nào? Khi nào quần thể được điều chỉnh về mức cân bằng?
Đáp án:
- Quần thể điều chỉnh số lượng cá thể với xu hướng trở về trạng thái cân bằng (số lượng cá thể phù hợp với khả năng cung cấp thức ăn, nơi ở của môi trường).
- Quần thể được điều chỉnh về mức cân bằng khi: Số lượng cá thể bị biến động (do yếu tố vô sinh hoặc hữu sinh).
Câu 5 trang 174 Sinh học 12: Tại sao nói: "Trong tự nhiên, quần thể sinh vật có xu hướng điều chỉnh số lượng cá thể của mình ở mức cân bằng? "
Đáp án:
- Nói như vậy là do số lượng cá thể của quần thể có liên quan trực tiếp tới khả năng cung cấp nguồn sống của môi trường:
+ Số lượng cá thể lớn → tạo áp lực cho khả năng cung cấp của môi trường → cá thể sẽ cạnh tranh nhau → giảm số lượng.
+ Số lượng cá thể ít → sức cung cấp của môi trường dư thừa → các cá thể ít cạnh tranh nhau → tăng số lượng.
⇒ Như vậy, quần thể sinh vật luôn có xu hướng điều chỉnh số lượng cá thể của quần thể quanh mức cân bằng để phù hợp với khả năng cung ứng của môi trường sống.
Bài trước: Bài 38: Các đặc trưng cơ bản của quần thể sinh vật (tiếp theo) - Sinh học 12 (ngắn nhất) Bài tiếp: Bài 40: Quần xã sinh vật và một số đặc trưng cơ bản của quần xã - Sinh học 12 (ngắn nhất)