Bài 4: Đột biến gen - Sinh học (ngắn nhất)
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Sinh 12 Bài 4 trang 19: Trong các dạng đột biến trên, dạng nào gây hậu quả lớn hơn? Giải thích vì sao?
Đáp án:
- Có 2 dạng đột biến là: Đột biến thay thế một cặp nucleotit và đột biến thêm – mất một cặp nucleotit.
Trong đó, đột biến thêm – mất một cặp nucleotit gây hậu quả lớn hơn.
Giải thích:
+ Đột biến thay thế: Chỉ làm thay đổi một axit amin hoặc không do tính thoái hóa của mã di truyền (mỗi axit amin có thể do nhiều bộ ba quy định).
+ Đột biến thêm – mất: Mã di truyền sẽ bị đọc sai từ vị trí xảy ra đột biến → làm thay đổi trình tự axit amin trong chuỗi polipeptit kể từ vị trí xảy ra đột biến (gọi là đột biến dịch khung).
⇒ Đột biến thêm – mất gây nguy hiểm lớn hơn do ảnh hưởng đến nhiều axit amin hơn rất nhiều lần so với đột biến thay thế.
Câu hỏi Sinh 12 Bài 4 trang 21: Vì sao nhiều đột biến điểm như đột biến thay thế cặp nucleotit lại hầu như vô hại đối với thể đột biến?
Đáp án:
Nhiều đột biến điểm như đột biến thay thế cặp nucleotit lại hầu như vô hại đối với thể đột biến là vì:
- Đột biến thay thế có thể làm thay thế bộ ba trên gen nhưng không làm thay đổi axit amin trên chuỗi polipeptit (do mã di truyền có tính thoái hóa) ⇒ vô hại.
- Có thể vị trí xảy ra đột biến là ở vùng không mã hóa của gen (đoạn intron) nên không gây ảnh hưởn đến chuổi polipeptit.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Câu 1 trang 22 Sinh học 12: Đột biến gen là gì? Nêu các dạng đột biến điểm thường gặp và hậu quả của nó.
Đáp án:
- Đột biến gen là những biến đổi trong cấu trúc của gen.
- Các dạng đột biến điểm thường gặp đó là: thêm - mất một cặp nucleotit, thay thế một cặp nucleotit.
- Hậu quả của đột biến: có lợi, có hại hoặc trung tính. Các đột biến làm thay đổi cấu trúc của protein thì đa số đều có hại đối với thể đột biến.
+ Đột biến thay thế: Làm thay đổi 1 axit amin này bằng một axit amin khác hoặc không làm thay đổi một axit amin nào khác (dạng đột biến này thường là trung tính)
+ Đột biến thêm – mất: Làm thay đổi axit amin từ vị trí xảy ra đột biến, làm xảy ra đột biến dịch khung đọc (dạng đột biến gây nguy hiểm lớn nhất).
Câu 2 trang 22 Sinh học 12: Nêu một số cơ chế phát sinh đột biến gen.
Đáp án:
Một số cơ chế phát sinh đột biến gen:
- Do sự kết cặp không đúng trong nhân đôi ADN: do tác động của bazo nito dạng hiếm (dạng *): G-X → G*-X → G*-T → A-T
- Do tác nhân hóa học 5BU gây đột biến thay A-T thành G-X.
Câu 3 trang 22 Sinh học 12: Hậu quả của đột biến gen phụ thuộc vào những yếu tố nào?
Đáp án:
Hậu quả của đột biến gen phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tổ hợp gen: vị trí xảy ra đột biến (vùng mã hóa hay vùng không mã hóa, nếu ở đoạn mã hóa thì là mở đầu hay kết thúc hoặc vùng mã hóa), là đột biến gen trội hay lặn.
- Điều kiện môi trường: môi trường thuận lợi hay không thuận lợi đối với đột biến đó.
Câu 4 trang 22 Sinh học 12: Nêu vai trò và ý nghĩa của đột biến gen.
Đáp án:
Vai trò và ý nghĩa của đột biến gen như sau:
- Đối với tiến hóa:
+ Làm xuất hiện các alen mới.
+ Cung cấp nguồn biến dị di truyền.
⇒ làm nguyên liệu cho chọn giống và tiến hóa.
- Đối với thực tiễn và nghiên cứu:
+ Là nguyên liệu cho tạo giống mới, chủ động trong cải tạo giống.
+ Là cơ sở phát hiện ra các quy luật di truyền → hiểu về đặc tính di truyền của các tính trạng.
Câu 5 trang 22 Sinh học 12: Hãy chọn câu đúng trong số các câu sau đây nói về đột biến điểm.
A. Trong số các loại đột biến điểm thì phần lớn đột biến thay thế cặp nucleoti là ít gây hại nhất.
B. Đột biến điểm là những biến đổi đồng thời tại nhiểu điểm khác nhau trong gen.
C. Trong bất cứ trường hợp nào, tuyệt đại đa số đột biến điểm là có hại.
D. Đột biến điểm là những biến đổi nhỏ nên ít có vai trò trong quá trình tiến hóa.
Đáp án:
Đáp án đúng: A. Trong số các loại đột biến điểm thì phần lớn đột biến thay thế cặp nucleoti là ít gây hại nhất.
Bài trước: Bài 3: Điều hòa hoạt động gen - Sinh học 12 (ngắn nhất) Bài tiếp: Bài 5: Nhiễm sắc thể và đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể - Sinh học 12 (ngắn nhất)