Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh 12 (ngắn nhất) > Bài 45: Dòng năng lượng trong hệ sinh thái và hiệu suất sinh thái - Sinh học 12 (ngắn nhất)

Bài 45: Dòng năng lượng trong hệ sinh thái và hiệu suất sinh thái - Sinh học 12 (ngắn nhất)

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Sinh 12 Bài 45 trang 202: Hãy giải thích tại sao năng lượng truyền lên các bậc dinh dưỡng càng cao thì càng nhỏ dần.

Đáp án:

Năng lượng truyền lên các bậc dinh dưỡng càng cao thì càng nhỏ dần là do:

- Năng lượng bị mất mát đi bởi:

+ Cung cấp cho quá trình hô hấp của loài ở từng bậc dinh dưỡng.

+ Cung cấp cho duy trì thân nhiệt của loài và các hoạt động sống khác như di chuyển, săn mồi, …).

+ Chất thải và các sản phẩm bị loại bỏ (các tế bào chết).

Câu hỏi Sinh 12 Bài 45 trang 202: Quan sát lại hình 43.1 (hình lưới thức ăn trong bài 43) và cho biết:

- Các sinh vật sản xuất trong hệ sinh thái đó?

- Những sinh vật nào đóng vai trò quan trọng trong việc truyền năng lượng từ môi trường vô sinh vào chu trình dinh dưỡng? Nêu vai trò của vi khuẩn và nấm trong việc truyền năng lượng ở hệ sinh thái đó.

- Nêu tóm tắt con đường truyền năng lượng trong hệ sinh thái đó.

Đáp án:

- Các sinh vật sản xuất trong hệ sinh thái đã cho là: cây dẻ, cây thông.

- Những sinh vật đóng vai trò quan trọng trong việc truyền năng lượng từ môi trường vô sinh vào chu trình dinh dưỡng là: sinh vật sản xuất, nấm và vi khuẩn.

- Vai trò của vi khuẩn, nấm trong việc truyền năng lượng ở hệ sinh thái như sau: Chúng phân giải các chất hữu cơ mà thực vật có thể hấp thụ được và thực hiện cố định N2.

- Tóm tắt con đường truyền năng lượng trong hệ sinh thái đó:

Nấm, vi khuẩn phân giải các chất hữu cơ và cố định đạm → cây dẻ và cây thông hấp thụ các chất, quang hợp chuyển chất vô cơ thành hữu cơ → truyền qua các bậc dinh dưỡng, trong đó các sinh vật có làm thất thoát năng lượng (qua hô hấp, duy trì thân nhiệt, chất thải…) trả lại môi trường → sinh vật phân giải sẽ phân giải các chất hữu cơ.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Câu 1 trang 203 Sinh học 12: Ánh sáng mặt trời có vai trò như thế nào đối với hệ sinh thái? Cho ví dụ về việc điều chỉnh các kĩ thuật nuôi trồng phù hợp với điều kiện ánh sáng để nâng cao năng suất vật nuôi và cây trồng.

Đáp án:

- Vai trò của ánh sáng mặt trời đối với hệ sinh thái như sau:

+ Có vai trò cung cấp năng lượng, là nguồn năng lượng của tất cả các hoạt động sống trên Trái Đất.

+ Sưởi ấm.

- Ví dụ:

+ Trồng cây có khoảng cách thích hợp để tận dụng ánh sáng mặt trời.

+ Trồng xen kẽ cây có chiều cao phù hợp để tận dụng triệt để ánh sáng.

+ Nuôi ếch vào mùa ấm áp có ánh sáng mặt trời chiếu vừa đủ như vậy sẽ thích hợp cho sự phát triển của ếch.

Câu 2 trang 203 Sinh học 12: Những nguyên nhân chính nào gây ra thất thoát năng lượng trong hệ sinh thái?

Đáp án:

Nguyên nhân chính gây ra thất thoát năng lượng trong hệ sinh thái là:

- Năng lượng tiêu hao qua hô hấp, tạo nhiệt ở mỗi bộc dinh dưỡng.

- Năng lượng mất qua chất thải (thải qua bài tiết, phân, thức ăn thừa,... hoặc năng lượng mất qua rơi rụng như rụng lá ở thực vật, rụng lông, lột xác của động vật,... ) ở mỗi bậc dinh dưỡng.

Câu 3 trang 203 Sinh học 12: Em hãy giải thích tại sao chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái không thể kéo dài (quá 6 mắt xích).

Đáp án:

Chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái không thể kéo dài (quá 6 mắt xích) vì:

- Năng lượng của hệ sinh thái sẽ bị thất thoát dần qua các bậc dinh dưỡng → ở bậc dinh dưỡng càng cao thì mức năng lượng của loài càng thấp. Lượng thất thoát này rất lớn, chỉ có khoảng 10% năng lượng được truyền từ bậc dinh dưỡng trước cho bậc dinh dưỡng tiếp theo.

- Nếu chuỗi thức ăn càng kéo dài thì không đủ năng lượng để cung cấp cho hoạt động sống của sinh vật ở bậc dinh dưỡng trên cao.

Câu 4 trang 203 Sinh học 12: Hãy mô tả dòng năng lượng trong hệ sinh thái được minh họa trong hình 45.5.

Đáp án:

- Năng lượng mặt trời sẽ được sinh vật sản xuất chuyển hóa thành năng lượng trong các hợp chất hữu cơ qua quá trình quang hợp → một phần lớn năng lượng sẽ mất trực tiếp ở sinh vật sản xuất do hô hấp của chính nó, một phần mất do phân giải dị hóa, một phần truyền cho sinh vật tiêu thụ bậc 1.

- Năng lượng ở sinh vật tiêu thụ bậc 1 → một phần mất do phân giải dị hóa, một phần lớn mất cho quá trình hô hấp, bài tiết, thải phân, …và một phần truyền cho sinh vật tiêu thụ bậc 2. Cứ như vậy đến sinh vật tiêu thụ cuối cùng.

Biết rằng có một phần năng lượng trong dị hóa sẽ đi theo vòng kín.

Câu 5 trang 203 Sinh học 12: Hãy chọn phương án trả lời đúng.

Quan hệ dinh dưỡng giữa các loài trong quần xã cho chúng ta biết

A. sự phụ thuộc về thức ăn của động vật và thực vật.

B. sinh khối của mỗi bậc dinh dưỡng và của quần xã.

C. mức độ gần gũi giữa các loài trong quần xã.

D. dòng năng lượng trong quần xã.

Đáp án:

Đáp án đúng là: D. dòng năng lượng trong quần xã.