Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Sinh 12 (ngắn nhất) > Bài 15: Bài tập chương 1 và chương 2 - Sinh học 12 (ngắn nhất)

Bài 15: Bài tập chương 1 và chương 2 - Sinh học 12 (ngắn nhất)

I. Bài tập chương I

Câu 1 trang 64 Sinh học 12: Dưới đây là một phần trình tự nucleotit của một mạch trong gen:

3’ … TAT GGG XAT GTA ATG GGX … 5’

a) Hãy xác định trình tự nucleotit của:

- Mạch bổ sung của mạch nói trên.

- mARN được phiên mã từ mạch trên.

b) Có bao nhiêu côđon trong mARN?

c) Liệt kê các bộ ba đối mã với các côđon đó.

Đáp án:

a) Trình tự Nu của:

- Mạch bổ sung: 5’ … ATA XXX GTA XAT TAX XXG …3’

- mARN: 5’… AUA XXX GUA XAU UAX XXG …5’

b) Có 18: 3 = 6 côđon trong mARN

c) Các bộ ba đối mã với các côđon đó lần lượt như sau:

3’ UAU 5’

3’ GGG 5’

3’ XAU 5’

3’ GUA 5’

3’ AUG 5’

3’ GGX 5’

Câu 2 trang 64 Sinh học 12: Tham khảo bảng mã di truyền và trả lời các câu hỏi sau:

a) Các côđon nào trong mARN mã hóa glixin?

b) Có bao nhiêu côđon mã hóa lizin? Đối với mỗi côđon hãy viết bộ ba đối mã bổ sung.

c) Khi côđon AAG trên mARN được dịch mã thì axit amin nào được bổ sung vào chuỗi polipeptit?

Đáp án:

a) Các côđon trên mARN mã hóa glixin là: GGU, GGX, GGA, GGG (tính theo chiều 5’ → 3’)

b)

- Có 2 côđon mã hóa lizin.

- Bộ ba đối mã bổ sung tương ứng:

+ Đối mã của AAA là UUU

+ Đối mã của AAG là UUX

c) Khi côđon AAG trên mARN được dịch mã thì lizin được bổ sung vào chuỗi polipeptit.

Câu 3 trang 64 Sinh học 12: Một đoạn chuỗi polipeptit là Arg – Gly – Ser – Phe – Val – Asp – Arg được mã hóa bởi đoạn ADN sau:

- G G X T A G X T G X T T X X T T G G G G A –

- X X G A T X G A X G A A G G A A X X X X T –

Mạch nào là mạch mã gốc? Đánh dấu mỗi mạch bằng hướng đúng của nó

(5’ → 3’ hay 3’ → 5’)

Đáp án:

Giả sử mạch trên là mạch mã gốc và có chiều 3’ → 5’:

3’ - G G X T A G X T G X T T X X T T G G G G A – 5’

⇒ mARN: 5’ – X X G A U X G A X G A A G G A A X X X X U – 3’

⇒ protein: Pro – Ile – Asp – Glu – Gly – Thr – Pro (loại)

Vậy mạch mã gốc là mạch dưới và được đánh dấu như sau:

5’ - G G X T A G X T G X T T X X T T G G G G A – 3’

3’ - X X G A T X G A X G A A G G A A X X X X T – 5’

Câu 4 trang 64 Sinh học 12: Một đoạn polipeptit gồm các axit amin sau: …Val – Trp – Lys – Pro…

Biết rằng các axit amin được mã hóa bởi các bộ ba sau:

Val: GUU; Trip: UGG; Lys: AAG; Pro: XXA.

a) Bao nhiêu côđon mã hóa cho đoạn polipeptit đó?

b) Viết trình tự các nucleotit tương ứng trên mARN.

Đáp án:

a) Có 4 côđon mã hóa cho đoạn polipeptit đó.

b) Trình tự các nucleotit tương ứng trên mARN như sau:

5’ … GUU UGG AAG XXA … 3’

Câu 5 trang 65 Sinh học 12: Một đoạn mARN có trình tự các nucleotit như sau:

5’… XAUAAGAAUXUUGX …3’

a) Viết trình tự nucleotit của ADN đã tạo ra đoạn mARN này.

b) Viết 4 axit amin có thể được mã hóa từ điểm khởi đầu của đoạn mARN trên.

c) Cho rằng đột biến thay thế nucleotit xảy ra trong ADN làm cho nucleotit thứ 3 là U của mARN được thay bằng G:

5’… XAG*AAGAAUXUUGX …3’

Hãy viết trình tự axit amin của chuỗi polipeptit được tổng hợp từ đoạn gen bị biến đổi trên.

d) Cho rằng việc bổ sung 1 nucleotit xảy ra trong ADN làm cho G được thêm vào giữa nucleotit thứ 3 và thứ 4 của mARN này:

5’… XAUG*AAGAAUXUUGX …3’

Hãy viết trình tự axit amin của chuỗi polipeptit được tổng hợp từ đoạn gen bị biến đổi trên.

e) Trên cơ sở những thông tin ở (c) và (d), loại đột biến nào trong ADN có ảnh hưởng lớn hơn lên protein được dịch mã (thay thế nucleotit hay thêm nucleotit)? Giải thích.

Đáp án:

a) Trình tự nucleotit của ADN đã tạo ra đoạn mARN trên là:

3’ … GTATTXTTAGAAXG … 5’

5’ … XATAAGAATXTTGX …3’

b) 4 axit amin có thể được mã hóa từ điểm khởi đầu của đoạn mARN trên là: His – Lys – Asn – Leu

c) Trình tự axit amin của chuỗi polipeptit được tổng hợp từ đoạn gen bị biến đổi trên là: Gln – Lys – Asn – Leu

d) Trình tự axit amin của chuỗi polipeptit được tổng hợp từ đoạn gen bị biến đổi trên là: His – Glu – Glu – Ser – Cys

e) Đột biến thêm nucleotit ở (d) ảnh hướng lớn hơn lên protein.

Nguyên nhân: Đột biến thêm làm sai khác tất cả các axit amin kể từ vị trí đột biến, cụ thể là làm sai khác từ axit amin số 2 trên chuỗi polipeptit trên.

Câu 6 trang 65 Sinh học 12: Số lượng NST lưỡng bội của một loài 2n = 10. Đột biến có thể tạo ra tối đa bao nhiêu loại thể ba ở loài này.

Đáp án:

Đột biến có thể tạo ra tối đa 5 loại thể ba ở loài này.

Câu 7 trang 65 Sinh học 12: Giả sử ở cây cà độc dược thuộc loại thể ba về NST số 2 (sự bắt cặp của các NST số 2 trong quá trình giảm phân xảy ra theo kiểu hai NST số 2 bắt đôi với nhau và NST số 2 còn lại đứng một mình). Sự phối hợp và phân li giữa các NST xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên.

Có bao nhiêu loại cây con có thể được sinh ra và mỗi loại chiếm tỉ lệ bao nhiêu khi cây ba nhiễm trên được thụ phấn bằng phấn của cây lưỡng bội bình thường.

Đáp án:

Cây thuộc thể ba về NST số 2 là 2n+1

Cây bình thường có bộ NST lưỡng bội là 2n

Ta có sơ đồ lai như sau:

P: ♂ 2n x ♀ 2n+1

GP: n n; n+1

F1: 2n: 2n+1

Vậy có 2 loại cây con có thể được sinh ra. Tỉ lệ:

+ 50% là cây con có dạng tam nhiễm 2n+1

+ 50% là cây con có dạng lưỡng bội bình thường 2n.

Câu 8 trang 65 Sinh học 12: Bộ lưỡng bội NST của một loài sinh vật có 2n = 24.

a) Có bao nhiêu NST ở thể đơn bội, thể tam bội và thể tứ bội?

b) Trong các dạng đa bội trên, dạng nào là đa bội lẻ, dạng nào là đa bội chẵn?

c) Nêu cơ chế hình thành các dạng đa bội trên.

Đáp án:

a) Có số NST ở:

+ Thể đơn bội: n= 12

+ Thể tam bội: 3n= 36

+ Thể tứ bội: 4n = 48

b) Đa bội lẻ: tam bội

Đa bội chẵn: tứ bội

c)

* Cơ chế hình thành thể tam bội:

- Trong giảm phân, do sự không phân li của tất cả các cặp NST đã tạo ra giao tử có 2n NST.

- Sự kết hợp của giao tử đột biến 2n NST và giao tử bình thường n NST trong thụ tinh tạo hợp tử có 3n NST.

- Hợp tử nguyên phân bình thường, phát triển thành thể tam bội.

P: 2n x 2n

GP: n 2n

F1: 3n

* Cơ chế hình thành thể tứ bội:

- Phát sinh trong giảm phân: do sự không phân li của tất cả các cặp NST đã tạo nên giao tử có 2n NST ⇒ hai giao tử có 2n NST kết hợp với nhau trong thụ tinh tạo hợp tử có 4n NST ⇒ hợp tử phát triển thành thể tứ bội

P: 2n x 2n

GP: 2n 2n

F1: 4n

- Phát sinh trong nguyên phân: do ở lần nguyên phân đầu tiên của hợp tử có 2n NST các NST đã nhân đôi nhưng không phân li ⇒ hình thành thể tứ bội.

P: 2n x 2n

GP: n n

F1: 2n → hợp tử nguyên phân lần đầu tiên: 4n

Câu 9 trang 66 Sinh học 12: Những phân tích di truyền tế bào học cho biết, có 2 loài chuối khác nhau: Chuối rừng lưỡng bội và chuối trồng tam bội. Ở những loài này, alen A xác định thân cao, trội hoàn toàn so với alne a xác định thân thấp. Khi gây đột biến nhân tạo, người ta thu được một số dạng tứ bội và các dạng này chỉ tạo các giao tử lưỡng bội có khả năng sống.

a) Xác định kết quả phân li về kiểu gen và kiểu hình ở các phép lai sau:

♀ Aaaa x ♂ Aaaa

♀ AAaa x ♂ AAaa

b) Hãy cho biết một số đặc điểm quan trọng khác nhau giữa chuối rừng và chuối trồng.

c) Giải thích nguồn gốc và quá trình xuất hiện loài chuối trồng.

Đáp án:

a) Sơ đồ lai

P: ♀ Aaaa x ♂ Aaaa

GP: 1/2 Aa; 1/2 aa 1/2 Aa; 1/2 aa

F1: 1/4 AAaa: 1/2 Aaaa: 1/4 aaaa

( 3/4 thân cao: 1/4 thân thấp)

P: ♀ AAaa x ♂ AAaa

GP: 1/6 AA; 4/6 Aa; 1/6 aa 1/6 AA; 4/6 Aa; 1/6 aa

F1: 1/36 AAAA: 8/36 AAAa: 18/36 AAaa: 8/36 Aaaa: 1/36 aaaa

(35/36 thân cao: 1/36 thân thấp)

b)

Chuối rừng Chuối trồng
Kích thước tế bào Bình thường To
Lượng ADN trong tế bào Bình thường Nhiều hơn (gấp 1,5 lần)
Khả năng tổng hợp chất hữu cơ Bình thường Mạnh
Kích thước cơ quan sinh dưỡng Bình thường Lớn
Tốc độ phát triển Bình thường Nhanh
Khả năng sinh sản Có hạt ⇒ có thể sinh sản Không có hạt ⇒ không sinh sản

c)

- Có thể chuối trồng có nguồn gốc từ chuối rừng.

Giải thích: Do trong quá trình giảm phân tạo giao tử của chuối rừng, các NST không phân li đã tạo ra giao tử có 2n NST. Sự kết hợp giữa giao tử có 2n NST với giao tử có n NST đã tạo nên hợp tử có 3n NST, hình thành nên thể tam bội. Các cây chuôi tam bội ngon, ngọt và sinh trưởng tốt hơn đã được giữ lại và trồng, phát triển cho đến ngày nay.

II. Bài tập chương II

Câu 1 trang 66 Sinh học 12: Bệnh phêninkêtô niệu ở người là do một gen lặn trên NST thường quy định và di truyền theo quy luật Menđen. Một người đàn ông có cô em gái bị bệnh, lấy một người vợ có anh trai bị bệnh. Cặp vợ chồng này lo sợ con mình sinh ra sẽ bị bệnh. Hãy tính xác suất để cặp vợ chồng này sinh đứa con đầu lòng bị bệnh? Biết rằng, ngoài người em chồng và anh vợ bị bệnh ra, cả bên vợ và bên chồng không còn ai khác bị bệnh.

Đáp án:

Quy ước gen:

A: không bệnh; a: bệnh

- Em chồng bị bệnh có kiểu gen là aa ⇒ Bố mẹ chồng không bị bệnh đều có kiểu gen là Aa

⇒ Chồng không bệnh có khả năng có 2 kiểu gen với tỉ lệ: 1/3 AA: 2/3 Aa

⇒ Tạo 2 loại giao tử với tỉ lệ: 2/3 A: 1/3 a

- Anh vợ bị bệnh có kiểu gen aa ⇒ Bố mẹ vợ không bị bệnh đều có kiểu gen Aa

⇒ Vợ không bệnh có khả năng có 2 kiểu gen với tỉ lệ: 1/3 AA: 2/3 Aa

⇒ Tạo 2 loại giao tử với tỉ lệ: 2/3 A: 1/3 a

Xác suất sinh con đầu lòng bị bệnh (có kiểu gen aa) của cặp vợ chồng là:

1/3 x 1/3 = 1/9

Câu 2 trang 66 Sinh học 12: Trong phép lai giữa hai cá thể có kiểu gen sau đây:

♂ AaBbCcDdEe x ♀ aaBbccDdee

Các cặp gen quy định các tính trạng khác nhau nằm trên các cặp NST tương đồng khác nhau. Hãy cho biết:

a) Tỉ lệ đời con có kiểu hình trội về tất cả 5 tính trạng là bao nhiêu?

b) Tỉ lệ đời con có kiểu hình giống mẹ là bao nhiêu?

c) Tỉ lệ đời con có kiểu gen giống bố là bao nhiêu?

Đáp án:

Ta sử dụng cách tách từng cặp gen để tính toán.

a) Tỉ lệ đời con có kiểu hình trội về tất cả 5 tính trạng là:

1/2 x 3/4 x 1/2 x 3/4 x 1/2 = 9/128

b) Tỉ lệ đời con có kiểu hình giống mẹ là:

1/2 x 3/4 x 1/2 x 3/4 x 1/2 = 9/128

c) Tỉ lệ đời con có kiểu gen giống bố là:

1/2 x 1/2 x 1/2 x 1/2 x 1/2 = 1/32

Câu 3 trang 66 Sinh học 12: Bệnh mù màu đỏ và màu xanh lục ở người do một gen lặn liên kết với NST X. Một phụ nữ bình thường có bố bị mù màu lấy một người chồng bình thường.

a) Xác suất để đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng này là con trai bị bệnh mù màu là bao nhiêu?

b) Xác suất để đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng này là con gái bị bệnh mù màu là bao nhiêu?

Đáp án:

Quy ước gen:

A: bình thường; a: bị mù màu

- Bố vợ bị mù màu có kiểu gen: XaY → Vợ không bị mù màu có kiểu gen: XAXa (do nhận giao tử Xa từ bố) ⇒ Tạo giao tử với tỉ lệ: 1/2 XA: 1/2 Xa

- Chồng bình thường có kiểu gen: XAY ⇒ Tạo giao tử với tỉ lệ: 1/2 XA: 1/2 Y

a) Xác suất để đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng này là con trai bị bệnh mù màu (kiểu gen: XaY) là: 1/2 x 1/2 = ¼

b) Xác suất để đứa con đầu lòng của cặp vợ chồng này là con gái bị bệnh mù màu (kiểu gen: XaXa) là: 1/2 x 0 = 0

Câu 4 trang 67 Sinh học 12: Người ta lai một con ruồi cái mắt nâu, cánh ngắn, lấy từ dòng ruồi thuần chủng, với một con ruồi đực thuần chủng có mắt đỏ, cánh dài. Đời F1 có các kiểu hình như sau: Toàn bộ ruồi cái có mắt đỏ, cánh dài còn toàn bộ ruồi đực có mắt đỏ nhưng cánh ngắn.

Cho các con ruồi đực và ruồi cái F1 giao phối ngẫu nhiên với nhau thu được F2 với tỉ lệ kiểu hình cả ở hai giới như sau:

- 3/8 mắt đỏ, cánh dài.

- 3/8 mắt đỏ, cánh ngắn.

- 1/8 mắt nâu, cánh dài.

- 1/8 mắt nâu, cánh ngắn.

Từ kết quả lai trên hãy xác định kiểu gen của ruồi bố, mẹ F1 và các con ruồi F2.

Biết rằng mỗi tính trạng được quy định bởi một gen.

Đáp án:

Theo đề bài, tính trạng mắt đỏ được truyền từ P (con đực) xuống F1 (cả cái và đực). Như vậy, tính trạng màu mắt do gen nằm trên NST thường quy định. Còn tính trạng độ dài cánh được truyền từ P xuống F1 phân hoá theo giới: toàn bộ cái cánh dài, toàn bộ đực cánh ngắn). => Như vậy, tính trạng này do gen nằm trên NST giới tính (gen nằm trên NST X) quy định.

Quy ước: Mắt đỏ (A) thì mắt nâu là (a). Vì mắt đỏ biểu hiện ở F1 nên là trội. Cánh dài (D) thì cánh ngắn là (d). Tất cả con cái đều có cánh dài, nhận gen trội XD từ bố.

Từ đó ta có sơ đồ lai như sau:

Câu 4 trang 67 Sinh học 12 ảnh 1

Câu 5 trang 67 Sinh học 12: Nếu có hai dòng ruồi giấm thuần chủng, một dòng có kiểu hình mắt nâu và một dòng có kiểu hình mắt đỏ son. Làm sao để biết được lô cutgen quy định tính trạng màu mắt này là nằm trên NST thường, NST giới tính X hay trong ti thể? Biết rằng tính trạng màu mắt do một gen quy định.

Đáp án:

- Để biết được điều đó ta dùng phép lai thuận và lai nghịch.

+ Nếu kết quả phép lai thuận nghịch giống nhau thì gen nằm trên NST thường.

+ Nếu kết quả phép lai luôn cho kiểu hình giống mẹ thì gen nằm trong ti thể.

+ Nếu kết quả lai cho tỉ lệ phân li kiểu hình ở hai giới khác nhau thì gen nằm trên NST X.

Câu 6 trang 67 Sinh học 12: Lai hai dòng cây thuần chủng đều có hoa trắng với nhau, người ta thu được thế hệ sau 100% số cây con có hoa màu đỏ. Từ kết quả này ta có thể rút ra kết luận gì?

A. Các alen quy định hoa trắng ở cả hai dòng cây bố mẹ là alen với nhau.

B. Màu hoa đỏ xuất hiện là do kết quả của sự tương tác cộng gộp.

C. Các alen quy định màu trắng ở cả hai dòng cây bố mẹ là không alen với nhau.

D. Chúng ta chưa thể rút ra được kết luận gì.

Đáp án:

Đáp án đúng là C. Các alen quy định màu trắng ở cả hai dòng cây bố mẹ là không alen với nhau.

Câu 7 trang 67 Sinh học 12: Đối với các loài sinh sản hữu tính, bố hoặc mẹ di truyền nguyên vẹn cho con

A. tính trạng

B. kiểu gen

C. kiểu hình

D. alen

Đáp án:

Đáp án đúng là D. alen