Trang chủ > Lớp 8 > Giáo án Lịch Sử 8 chuẩn > Giáo án Lịch Sử 8 Bài 27: Khởi nghĩa Yên Thế và phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ 19

Giáo án Lịch Sử 8 Bài 27: Khởi nghĩa Yên Thế và phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ 19

I. Mục tiêu bài học
1. Kiến thức
Giúp học sinh biết được phong trào nông dân Yên Thế: thời gian tồn tại, diễn biến, nguyên nhân thất bại, ý nghĩa.
2. Thái độ
- Giáo dục cho các em lòng biết ơn những anh hùng dân tộc.
- Nhận thấy rõ khả năng cách mạng to lớn, có hiệu quả của nông dân Việt Nam.
3. Kĩ năng
Sử dụng tư liệu lịch sử và bản đồ miêu tả những sự kiện lịch sử. Đối chiếu, so sánh, phân tích, tổng hợp các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực chung: Năng lực giao tiếp và hợp tác; tự học; giải quyết vấn đề.
- Năng lực chuyên biệt: Tái hiện kiến thức lịch sự, xác định mối quan hệ giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử, so sánh, nhận xét, đánh giá, thực hành bộ môn lịch sử, vận dụng liên hệ kiến thức lịch sử đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
II. Phương pháp
Trực quan, phát vấn, phân tích, tổng hợp …..
III. Phương tiện
- TV
- Lược đồ khởi nghĩa Yên Thế.
IV. Chuẩn bị
1. Chuẩn bị của giáo viên
Giáo án, sách giáo khoa, các tư liệu liên quan đến bài dạy.
2. Chuẩn bị của học sinh
Sách giáo khoa, bài soạn các câu hỏi….
V. Tiến trình dạy học
1. Ổn định tổ chức
2. Kiểm tra bài cũ
Hỏi: Trình bày những nét chính của cuộc khởi nghĩa Hương Khê? Giải thích vì sao khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương?
- Dự kiến sản phẩm
- Địa bàn: huyện Hương Khê và Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
- Lãnh đạo: Phan Đình Phùng, Cao Thắng.
- Diễn biến:
+ Từ năm 1885 đến 1889, nghĩa quân xây dựng lực lượng, huấn luyện quân đội, rèn đúc vũ khí.
+ Từ năm 1889 đến 1895, khởi nghĩa bước vào giai đoạn quyết liệt, đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của địch. Sau khi Phan Đình Phùng hi sinh, cuộc khởi nghĩa dần dần tan rã.
* Giải thích:
- Về thời gian: Có thời gian tồn tại dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương: 10 năm.
- Về địa bàn hoạt động: 4 tỉnh bắc Trung Kỳ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
- Về tổ chức, trang – thiết bị quân sự: Về tổ chức: chia làm 4 căn cứ lớn với 15 quân thứ.
Về trang thiết bị quân sự: cùng kiểu trang phục, được xây dựng công sự, rèn – đúc – chế tác vũ khí (đặc biệt là súng trường và chông…)
- Về phương thức tác chiến: Dựa vào địa hình hiểm trở, lối đánh du kích, sử dụng phương thức tác chiến linh hoạt….
3. Bài mới
3.1. Hoạt động khởi động
- Mục tiêu: Giúp học sinh biết được các nội dung cơ bản của bài học cần đạt được. Sau đó đưa học sinh vào tìm hiểu nội dung bài học, tạo tâm thế cho học sinh đi vào tìm hiểu bài mới.
- Phương pháp: Thuyết trình.
- Thời gian: 2 phút.
- Phương tiện:
- Tổ chức hoạt động
Giáo viên nhận xét câu trả lời của học sinh sau đó lồng ghép vào việc dẫn dắt bài mới: Cùng với phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX, phong trào tự vệ vũ trang kháng Pháp của nhân dân ta cuối thế kỉ XIX đã gây cho thực dân Pháp không ít khó khăn, điển hình nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế (tồn tại gần 30 năm). Hôm nay, chúng ta tìm hiểu về khởi nghĩa Yên Thế.
3.2. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Hoạt động 1: I. Khởi nghĩa Yên Thế
- Mục tiêu: Biết được nguyên nhân, trình bày diễn biến theo lược đồ và kết quả, ý nghĩa của Khởi nghĩa Yên Thế.
- Phương pháp: Trực quan, thuyết trình, phân tích, nhóm.
- Phương tiện: TV.
- Thời gian: 30 phút
- Tổ chức hoạt động
Hoạt động của giáo viên và học sinhNội dung

Bước 1. Chuyển giao nhiệm vụ học tập

- Giáo viên: Sử dụng lược đồ xác định vị trí Yên Thế, giới thiệu địa hình, phong thổ, vị trí, con người của vùng đất này.

- Giáo viên yêu cầu học sinh đọc sách giáo khoa mục 1. Thảo luận nhóm và trả lời các câu hỏi sau:

Hỏi: Vì sao nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Thế?

- Giáo viên hướng dẫn học sinh lập bảng thống kê 3 giai đoạn của cuộc khởi nghĩa.

Hỏi: Giáo viên trình chiếu lược đồ Hình 96. Lược đồ căn cứ Yên Thế-> yêu cầu học sinh trình bày lại diễn biến trên lược đồ.

Hỏi: Nhận xét về cuộc khởi nghĩa Yên Thế (thời gian, tính chất, nguyên nhân thất bại)

Giáo viên cho học sinh quan sát hình 97 và nhận xét về vai trò của Hoàng Hoa Thám đối với cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Bước 2. Thực hiện nhiệm vụ học tập

- Học sinh đọc sách giáo khoa và thực hiện yêu cầu.

- Giáo viên khuyến khích học sinh hợp tác với nhau khi thực khi thực hiện nhiệm vụ học tập.

Bước 3. Báo cáo kết quả hoạt động

- Đại diện nhóm lần lượt trả lời các câu hỏi.

Bước 4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

- Học sinh phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả của học sinh.

- Giáo viên bổ sung phần phân tích nhận xét, đánh giá, kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. Chính xác hóa các kiến thức đã hình thành cho học sinh.

- Giáo viên cho học sinh xem một đoạn phim tư liệu về Khởi nghĩa Yên Thế.

Giáo viên sơ kết bài: Mặc dù thất bại, phong trào nông dân Yên Thế vẫn có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cuộc khởi nghĩa thể hiện tinh thần yêu nước chống Pháp của giai cấp nông dân. Góp phần làm chậm quá trình bình định của Pháp.

1. Nguyên nhân

- Kinh tế nông nghiệp sa sút, đời sống nông dân vô cùng khó khăn.

- Khi Pháp thi hành chính sách bình định, cuộc sống bị vi phạm.

-> Nhân dân Yên Thế đã đứng lên đấu tranh.

2. Diễn biến

- Giai đoạn từ năm 1884-1892, nhiều toán nghĩa quân hoạt động riêng rẽ dưới sự chỉ huy của Đề Nắm.

- Giai đoạn từ năm 1893-1908, nghĩa quân vừa xây dựng, vừa đấu tranh dưới sự chỉ huy của Đề Thám.

- Giai đoạn: 1909-1913, Pháp tập trung lực lượng tấn công Yên Thế, lực lượng nghĩa quân hao mòn. Ngày 10-2-1913, Đề Thám bị sát hại. Phong trào tan rã.

3. Nguyên nhân thất bại, ý nghĩa

- Nguyên nhân thất bại: do Pháp lúc này còn mạnh, câu kết với phong kiến lực lượng nghĩa quân còn mỏng và yếu. Cách thức tổ chức và lãnh đạo còn nhiều hạn chế.

- Ý nghĩa: Cuộc khởi nghĩa thể hiện tinh thần yêu nước chống Pháp của giai cấp nông dân. Góp phần làm chậm quá trình bình định của Pháp.

3.3. Hoạt động luyện tập
- Mục tiêu: Nhằm củng cố, hệ thống hóa, hoàn thiện kiến thức mới mà học sinh đã được lĩnh hội ở hoạt động hình thành kiến thức.
- Thời gian: 3 phút
- Phương thức tiến hành: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh và chủ yếu cho làm việc cá nhân, trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Trong quá trình làm việc học sinh có thể trao đổi với bạn hoặc thầy, cô giáo.
* Trắc nghiệm
Câu 1: Cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nổ ra cùng thời với phong trào Cần vương là:
A. Khởi nghĩa Phan Bá Vành.
B. Khởi nghĩa Yên Thế.
C. Khởi nghĩa Lê Văn Khôi.
D. Khởi nghĩa Trà Lũ.
Câu 2: Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra bao nhiêu giai đoạn?
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Câu 3: Hoàng Hoa Thám có biệt hiệu là:
A. Hùm thiêng Yên Thế.
B. Bình Tây đại nguyên soái.
C. Ngũ linh Thiên hộ.
D. Quận He.
Câu 4: Vì sao cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế là phong trào nông dân?
A. Lãnh đạo và lực lượng khởi nghĩa đều là nông dân.
B. Vì cuộc khởi nghĩa nổ ra ở thành thị nhưng được nông dân hưởng ứng tích cực.
C. Vì cuộc khởi nghĩa này chỉ chống triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
D. Vì cuộc khởi nghĩa này làm chậm quá trình bình định của Pháp.
Câu 5: Vì sao phong trào nông dân Yên Thế thất bại?
A. Phạm vi hoạt động bó hẹp trong một địa phương, dễ bị cô lập.
B. So sánh lực lượng chênh lệch, bị thực dân Pháp và phong kiên câu kết đàn áp.
C. Chưa có sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến.
D. Hoàng Hoa Thám đầu hàng triều đình.
Câu 6: Phong trào nông dân Yên Thế diễn ra trong thời gian nào?
A. Từ năm 1884 đến 1913.
B. Từ năm 1885 đến 1895.
C. Từ năm 1885 đến 1913.
D. Từ năm 1884 đến 1895.
Câu 7: Lực lượng nào tham gia đông nhất trong khởi nghĩa nông dân Yên Thế?
A. Công nhân.
B. Nông dân.
C. Các dân tộc sống ở miền núi.
D. Nông dân và công nhân.
Câu 8: Yên Thế thuộc địa phận của tỉnh nào?
A. Bắc Giang.
B. Bắc Ninh.
C. Hưng Yên.
D. Thanh Hóa.
Câu 9: Vị chỉ huy tối cao của nghĩa quân Yên Thế là ai?
A. Đề Nắm.
B. Đề Thám.
C. Đề Thuật
D. Đề Chung.
Câu 10: Lãnh đạo của khởi nghĩa Yên Thế thuộc tầng lớp nào?
A. Văn thân, sĩ phu.
B. Võ quan
C. Nông dân.
D. Địa chủ
Câu 11: Giai đoạn từ năm 1893-1908 là thời kì nghĩa quân Yên Thế làm gì?
A. Xây dựng phòng tuyến
B. Tìm cách giải hoà với quân Pháp
C. Vừa đấu tranh, vừa xây dựng cơ sở
D. Tích luỹ lương thực, xây dựng quân tinh nhuệ
Câu 12: Tại sao cuộc khởi nghĩa Yên Thế được xem là cuộc khởi nghĩa nông dân?
A. Cuộc khởi nghĩa có nông dân tham gia dưới sự chỉ huy của văn thân, sĩ phu.
B. Cuộc khởi nghĩa mà mục đích chủ yếu là đòi ruộng đất cho nông dân.
C. Cuộc khởi nghĩa mà lực lượng tham gia chủ yếu là nông dân.
D. Cuộc khởi nghĩa mà lãnh đạo và lực lượng tham gia khởi nghĩa đều là nông dân.
Câu 13: Tính chất của cuộc khởi nghĩa Yên Thế?
A. Thể hiện tính dân tộc yêu nước sâu sắc.
B. Là phong trào giải phóng dân tộc.
C. Phong trào mang tính chất bảo vệ dân tộc.
D. Phong trào mang tính chất là cuộc cách mạng dân chủ tư sản.
3.4. Hoạt động tìm tòi mở rộng, vận dụng
- Mục tiêu: so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa cuộc khởi nghĩa Yên Thế với phong trào Cần Vương
- Phương thức tiến hành: Học sinh trả lời câu hỏi sau: có thể cho học sinh về nhà làm bài
Hỏi: Em hãy so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa cuộc khởi nghĩa Yên Thế với phong trào Cần Vương?
- Dự kiến sản phẩm
Giống nhau:
- Đều là phong trào yêu nước có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
- Đều bị thất bại
Khác nhau:
+ Lãnh đạo: phong trào Cần Vương gồm các Văn thân sĩ phu yêu nước dưới ngọn cờ Cần Vương.
phong trào nông dân Yên Thế nông dân đứng đầu là Đề Thám (Hoàng Hoa Thám)
+ Mục tiêu:
phong trào Cần Vương là chống pháp dành lại độc lập dân tộc
khởi nghĩa Yên Thế là mong muốn xây dựng cuộc sống bình đẳng và sơ khai về kinh tế xã hội.
+ Địa bàn hoạt động:
phong trào Cần Vương hoạt động rộng khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ
khởi nghĩa Yên Thế hoạt đông ở vùng núi Yên Thế của tỉnh Bắc Giang
+ Tính chất:
phong trào Cần Vương là phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp theo khuynh hướng phong kiến
khởi nghĩa Yên Thế là phong trào nông dân mang tính tự phát
phong trào Cần Vương phát triển qua 2 giai đoạn và kết thúc sớm hơn phong trào nông dân Yên Thế
phong trào nông dân Yên Thế phát triển qua 3 giai đoạn và kết thúc trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra.
Hỏi: Trình bày nguyên nhân bùng nổ, diễn biến, nguyên nhân thất bại, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Yên Thế?
- Thời gian: 5 phút
- Dự kiến sản phẩm
1. Nguyên nhân bùng nổ
- Kinh tế nông nghiệp sa sút, đời sống người nông dân đồng bằng Bắc Kì vô cùng khó khăn, họ nổi dậy đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của mình.
- Khi Pháp thi hành chính sách bình định, cuộc sống bị vi phạm, nhân dân Yên Thế đã vùng lên đấu tranh.
2. Diễn biến
- Giai đoạn từ năm 1884-1892, nhiều toán nghĩa quân hoạt động riêng rẽ dưới sự chỉ huy của Đề Nắm.
- Giai đoạn từ năm 1893-1908, nghĩa quân vừa xây dựng, vừa đấu tranh dưới sự chỉ huy của Đề Thám.
- Giai đoạn: từ năm 1909-1913, Pháp tập trung lực lượng tấn công Yên Thế, lực lượng nghĩa quân hao mòn. Ngày 10-2-1913, Đề Thám bị sát hại. Phong trào tan rã.
3. Nguyên nhân thất bại: do Pháp lúc này còn mạnh, câu kết với phong kiến, lực lượng nghĩa quân còn mỏng và yếu. Cách thức tổ chức và lãnh đạo vẫn còn nhiều hạn chế.
4. Ý nghĩa: Cuộc khởi nghĩa thể hiện tinh thần yêu nước chống Pháp của giai cấp nông dân. Góp phần làm chậm quá trình bình định của Pháp.
* Giao nhiệm vụ cho học sinh
- Về nhà học bài cũ.
- Chuẩn bị bài sau "Trào lưu cải cách Duy Tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX”, trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa.
4. Dặn dò:
- Học bài và làm các bài tập trong vở bài tập lịch sử
- Xem trước bài 28 Trào lưu cải cách duy tân ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX:
+ Bối cảnh đưa đến các đề nghỉ cải cách duy tân ra đời ở Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX?
+ Cho biết nội dung? Các nhà cải cách tiêu biểu?
+ Kết quả và hạn chế, ý nghĩa của các đề nghị cải cách?