Quan Âm Thị Kính - trang 110 VBT Ngữ Văn 7 Tập 2
Câu 1 (trang 110 VBT): Tóm tắt ngắn gọn trích đoạn Nỗi oan hại chồng và cho biết vị trí của đoạn này trong vở chèo Quan Âm Thị Kính.
Giải đáp:
- Tóm tắt trích đoạn Nỗi oan hại chồng:
Thị Kính là con dâu nhà Sùng ông, Sùng bà. Một hôm, khi nàng đang ngồi khâu còn chồng nàng là Thiện Sĩ đang ngồi đọc sách rồi thiu thiu ngủ. Thấy dưới cằm chồng có sợi râu mọc ngược, Thị Kính cầm dao khâu toan xén đi. Thiện Sĩ tỉnh giấc, giật mình, bất giác hô hoán lên. Sùng ông, Sùng bà đổ cho Thị Kính có ý giết chồng rồi đuổi về nhà bố đẻ.
- Vị trí đoạn trích Nỗi oan hại chồng: nằm ở phần đầu đoạn trích Quan Âm Thị Kính.
Câu 2 (trang 110 VBT): Câu 3, trang 120 SGK
Giải đáp:
- Trong trích đoạn Nỗi oan hại chồng có tất cả năm nhân vật đó là: Thiện Sĩ, Thị Kính, Sùng ông, Sùng bà, Mãng ông.
- 2 nhân vật chính là:
+ Thị Kính
+ Sùng bà
Câu 3 (trang 111 VBT): Câu 4, trang 120 SGK
Giải đáp:
- Khung cảnh ở phần đầu đoạn trích là khung cảnh sinh hoạt yên ấm của một gia đình.
- Qua lời nói và cử chỉ, có thể thấy được Thị Kính là người phụ nữ đức hạnh, có phẩm hạnh tốt đẹp, làm trọn nghĩa vợ chồng và là người phụ nữ ăn nói, hành động đều đúng mực.
Câu 4 (trang 111 VBT): Hãy liệt kê và nêu nhận xét của em về hành động và ngôn ngữ của Sùng bà đối với Thị Kính. Hành động và ngôn ngữ đó bộc lộ bản chất và tính cách gì của Sùng bà?
Giải đáp:
* Hành động và ngôn ngữ của Sùng bà đối với Thị Kính:
- Hành động: dúi đầu Thị Kính ngã xuống, dúi tay Thị Kính ngã khuỵu xuống.
- Lời nói: con mặt sứa gan lim, mày, bà, câm đi, cái con này, chém bổ băm vằm xả xích mặt, mặt gái trơ như mặt thớt, …
=> Qua hành động và lời nói của Sùng bà, đã bộc lộ rõ bản chất, tính cách đanh đá, chua chát, cay nghiệt, ích kỷ của Sùng bà.
Câu 5 (trang 111 VBT): Câu 6, trang 120 SGK
Giải đáp:
- Trong đoạn trích, Thị Kính đã kêu oan tất cả 5 lần.
+ Thị Kính kêu oan với Sùng bà (mẹ chồng) - 3 lần
+ Thị Kính kêu oan với Thiện Sĩ (chồng) - 1 lần
+ Thị Kính kêu oan với Mãng ông (cha ruột) - 1 lần
- Chỉ có lần kêu oan với cha ruột Thị Kính mới nhận được cảm thông nhưng sự cảm thông ấy cũng là biểu hiện của sự bất lực, không biết làm thế nào.
Câu 6 (trang 112 VBT): Trước khi đuổi Thị Kính ra khỏi nhà. Sùng bà và Sùng ông còn làm điều gì? Theo em, xung đột kịch trong trích đoạn này thể hiện cao nhất ở chi tiết nào? Vì sao?
Giải đáp:
- Trước khi đuổi Thị Kính ra khỏi nhà, Sùng bà và Sùng ông còn gọi Mãng ông đến và sỉ nhục cả hai cha con Thị Kính.
- Theo em, xung đột kịch thể hiện cao nhất ở chi tiết: Sùng ông dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào trong. Bởi vì: Thị Kính đến lúc này phải chịu đựng nỗi đau đớn, nhục nhã gấp hai lần, vừa bị nghi oan, bị cướp đi hạnh phúc, lại phải chứng kiến người cha của mình bị sỉ nhục.
Câu 7 (trang 112 VBT): Câu 8, trang 120 SGK
Giải đáp:
- Khi rời khỏi nhà Sùng bà, Thị Kính vô cùng đau khổ trước số phận éo le của mình, không biết trách mình hay trách trời, cũng không còn nơi để nương tựa, quay về nhà cũng là điều không thể nào.
- Thị Kính quyết tâm “trá hình nam tử bước đi tu hành” bởi vì xã hội cũ đã dồn ép nàng đến bước đường cùng, Thị Kính cũng muốn nhờ Phật Tổ chứng minh mình trong sạch
- Đây không phải là con đường để nhân vật thoát khỏi đau khổ trong xã hội cũ, đó chỉ là một giải pháp bế tắc mà thôi.
Câu 8 (trang 113 VBT): Bài luyện tập 2, trang 121 SGK
Giải đáp:
Nghĩa của thành ngữ “Oan Thị Kính” - chỉ những nỗi oan lớn, không được lắng nghe và không dễ dàng gì để giải oan. Người bị hàm oan phải chịu nỗi đau khổ, dày vò khó có thể nguôi ngoai nổi.
Bài trước: Tìm hiểu chung về văn bản hành chính - trang 107 VBT Ngữ Văn 7 Tập 2 Bài tiếp: Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy - trang 113 VBT Ngữ Văn 7 Tập 2