Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình - trang 23 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1
Câu 1 (Bài tập 2 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 23 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
- Tình cảm mà bài 1 muốn diễn tả đó là: Lòng biết ơn của đứa con trước tình cảm của cha mẹ dành cho con cái
- Cái hay của ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu của bài ca dao:
+ Về ngôn ngữ:
→ hàm súc, đa nghĩa, sử dụng thành ngữ
→ sử dụng từ láy, từ gọi đáp tăng tính biểu cảm
+ Hình ảnh: sử dụng nhiều hình ảnh so sánh (như núi ngất trời, như nước ở ngoài biển Đông, núi cao biển rộng mênh mông)
+ Âm điệu: câu ca dao giàu nhạc tính, sử dụng kết hợp âm trầm và âm bổng, thanh bằng và thanh trắc, kết thúc bằng một lời gọi khiến lời ca dao ngân vang hơn.
- Những câu ca dao cũng nói về công cha, nghĩa mẹ tương tự bài ca dao trên như:
"Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"
Câu 2 (Bài tập 3 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 24 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
Bài 2 là tâm trạng người phụ nữ lấy chồng xa quê. Tâm trạng đó được thể hiện qua các hình ảnh thời gian, không gian, hành động và nỗi niềm của nhân vật. Cụ thể như sau:
- Thời gian: Chiều chiều
→ thời gian gợi sự u buồn, suy tư
→ thời gian gợi sự lặp lại liên tục, mỗi chiều đều như vậy
- Không gian: ngõ sau
→ không gian nhỏ, gợi dáng vẻ nhỏ bé, u sầu
→ không gian có điểm nhìn phóng tầm mắt ra xa, tạo cảm giác cô đơn
- Hành động: đứng ngõ sau, trông về quê mẹ
→ gợi ra thân phận người phụ nữ lấy chồng xa quê, luôn ngóng trông về quê nhà nơi có mẹ già và, có những người thân.
- Nỗi niềm: Thời gian, không gian và hành động của nhân vật đã thể hiện nỗi niềm nhớ nhung khắc khoải, da diết khôn nguôi của người phụ nữ lấy chồng xa quê đối với người mẹ nơi quê nhà, đối với quê hương của mình. Nỗi niềm ấy cứ trăn trở, dày vò suy tư của người con.
Câu 3 (Bài tập 4 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 25 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
Bài 3 diễn tả nồi nhớ và sự kính yêu đối với ông bà. Tình cảm đó được diễn tả qua những biện pháp nghệ thuật như:
+ Sử dụng từ địa phương: ngó lên
+ Sử dụng phép so sánh tương đồng: bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu
- Cái hay của cách diễn tả đó
→ làm cho cảm xúc trong bài thơ trở nên chân chất, chân thành hơn
→ nỗi nhớ vốn là một cảm xúc trừu tượng, không thể đong đếm lại được so sánh với nuộc lạt (một vật hữu hình, có thể tri giác được) khiến cho cảm xúc kính yêu, nhớ mong của cháu con đối với ông bà trở nên chân thật, cụ thể chứ không còn mơ hồ, chung chung.
Câu 4 (Bài tập 5 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 25 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
Trong bài 4, tình cảm anh em thân thương được diễn tả: tình cảm anh em gắn bó keo sơn như tay với chân, hoạn nạn cùng nhau gánh chịu, hạnh phúc sung sướng cùng nhau sẻ chia.
- bài ca dao này nhắc nhở chúng ta rằng: tình cảm anh em một nhà là tình cảm thắm thết, bền chặt, khăng khít, một người gặp khó khăn người kia cũng không hạnh phúc vì vậy phải luôn yêu thương, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau.
Câu 5 (Bài luyện tập 1 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 26 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
Tình cảm được diễn tả trong 4 bài ca dao trên:
Bài | Tình cảm được diễn tả | Nhận xét |
1 | Lòng biết ơn của con đối với công lao của cha mẹ | Bài ca dao khẳng định sự lớn lao, cao cả không gì đong đếm được của công ơn cha mẹ đối với con cái |
2 | Tình cảm của người con gái lấy chồng xa dành cho mẹ ở quê nhà | Bài ca dao nhắc đến nỗi niềm thổn thức của những người con gái lấy chồng xa quê, tạo nhiều đồng cảm cho người đọc |
3 | Tình cảm kính yêu, nhớ mong của cháu đối với ông bà | Bài ca dao đã cụ thể hóa, hữu hình hóa tình cảm mong nhớ của cháu con đối với ông bà mình bằng hình ảnh giản dị mà chân thành |
4 | Tình cảm anh em | Bài ca dao khẳng định tình cảm anh em là tình cảm khăng khít, bền chặt như tay với chân, luôn phải gắn bó, tương trợ lẫn nhau |
Câu 6 (Bài tập 6 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 26 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
Những biện pháp nghệ thuật cùng được sử dụng trong bốn bài ca dao trên đó là:
- Cả 4 bài đều sử dụng thể thơ lục bát dân gian.
- Lời lẽ, giọng điệu mộc mạc, chân chất mà thiết tha, cảm động như tâm tình, trò chuyện, khuyên bảo.
- Sử dụng những biện pháp nghệ thuật: so sánh, sử dụng từ láy.
Câu 7 (Bài luyện tập 2 trang 36 SGK Ngữ Văn 7 Tập 1 - trang 27 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1):
Giải đáp:
Một số bài ca dao có nội dung tương tự:
- Tình cảm với ông bà:
"Con người có cố, có ông
Như cây có cội, như sông có nguồn"
- Tình cảm với cha mẹ:
"Ơn cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang"
- Tình cảm anh em:
"Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần"
Câu 8 (trang 27): Đọc bài ca dao dưới đây và trả lời câu hỏi:
"Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về quê mẹ mà không có đò"
Giải đáp:
a. Những chi tiết thể hiện tâm trạng của người phụ nữ lấy chồng xa quê:
chiều chiều, ra đứng bờ sông, muốn về quê mẹ, không có đò.
b. So sánh với bài ca dao số 2:
- Giống nhau:
→ Thời gian: chiều chiều (thời gian gợi buồn và gợi sự lặp đi lặp lại)
→ Không gian: bờ sông/ ngõ sau (đều là những không gian có điểm nhìn phóng ra xa, gợi sự cô đơn)
→ Hành động: đứng bờ sông/ ngõ sau (trông chờ, mong mỏi)
- Khác nhau:
→ Bài ca dao này cụ thể hóa lý do khiến người phụ nữ không thể về thăm được quê mẹ: đó là: "không có đò".
→ Bài ca dao số 2 lại khẳng định sự bế tắc của nhân vật, chỉ biết trông về quê mẹ mà không có nhiều hi vọng để trở về.
Bài trước: Mạch lạc trong văn bản - trang 20 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1 Bài tiếp: Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người - trang 28 VBT Ngữ Văn 7 Tập 1