Trang chủ > Lớp 6 > Soạn Văn 6 (ngắn nhất) > Bánh chưng bánh giầy (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1)

Bánh chưng bánh giầy (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1)

Chia bố cục thành 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu... chứng giám: Vua Hùng ra quyết định truyền ngôi.

- Phần 2: tiếp... hình tròn: Lang Liêu và các vị hoàng tử tìm kiếm lễ vật.

- Phần 3: còn lại: ý nghĩa và tục lệ làm bánh chưng bánh giầy.

Tóm tắt:

Hùng Vương đưa ra điều kiện để chọn người kế vị ngai vàng trong số hai mươi người con trai: Không nhất thiết phải là con trưởng, ai làm vừa ý vua trong ngày lễ Tiên vương thì người đó sẽ được truyền ngôi. Các Lang đua nhau tìm kiếm và làm lễ thật hậu, thật ngon. Có chàng Lang Liêu – là người con trai thứ mười tám mồ côi mẹ, quanh năm chỉ chăm lo đồng áng, không biết lấy gì để làm lễ vật lễ Tiên Vương. Một đêm, chàng nằm ngủ và mộng được thần chỉ bảo làm một loại một bánh hình tròn để tượng trưng cho trời – bánh giầy, bánh hình vuông tượng trưng cho đất – bánh chưng để làm lễ vật. Vua khi nhìn thấy lễ vật của Lang Liêu thì rất vừa ý và chọn hai thứ bánh ấy để tế Trời, Đất, Tiên vương và truyền ngôi báu cho Lang Liêu. Từ đó, bánh chưng và bánh giầy đã trở thành phong tục không thể thiếu được trong ngày Tết người Việt.

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Vua Hùng đã ra điều kiện để chọn người nối ngôi khi tuổi đã già, đất nước thanh bình. Với ý định lựa chọn người nối chí chứ không nhất thiết phải là con trưởng. Vua Hùng thông qua cuộc thi tài, ai làm vừa ý vua thì sẽ được truyền ngôi báu.

Câu 2 (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Trong các người con trai của vua, chỉ có Lang Liêu là được thần giúp đỡ vì chàng mồ côi mẹ và quanh năm chỉ lo đồng áng. Chàng sống gần gũi với đời sống của nhân dân, làm đồng áng, trồng lúa, trồng khoai; cũng chỉ có chàng mới có thể hiểu được gợi ý của thần – lấy gạo làm bánh để lễ Tiên vương.

Câu 3 (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Hai thứ bánh của Lang Liêu đã được vua Hùng chọn làm lễ vật tế lễ bởi vì cả hai thứ bánh đó thể hiện sự quý trọng nghề nông (thời bấy giờ Việt Nam là nước nông nghiệp); còn thể hiện ý tưởng sáng tạo và lòng thành kính với trời đất (bánh giầy tượng trưng cho Trời, bánh chưng tượng trưng cho Đất, thể hiện tinh thần đoàn kết). Lang Liêu thể hiện là người có đức, có tài, có hiếu, xứng đáng trở thành một vị minh quân trong tương lai.

Câu 4 (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Ý nghĩa của truyền thuyết: giải thích nguồn gốc bánh chưng và bánh giầy, phong tục trong ngày lễ tết, đó là thành tựu của nền văn minh nông nghiệp lúa nước; đề cao giá trị lao động, đề cao sản xuất nông nghiệp, thể hiện sự biết ơn và kính trọng Trời, Đất, tổ tiên của nhân dân ta.

Luyện tập

Câu 1 (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Ý nghĩa phong tục trong ngày Tết nhân dân ta làm bánh chưng và bánh giầy: truyền thống tốt đẹp kính trọng trời đất và nhớ ơn tổ tiên, đề cao vai trò của nghề trồng lúa nước.

Câu 2* (trang 12 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):

Có thể lựa chọn chi tiết thần báo mộng cho Lang Liêu. Chi tiết này đã tạo nên tính thần kì và hấp dẫn cho truyện, thể hiện rằng Lang Liêu rất xứng đáng là người kế vị ngai vàng vì được thần phù trợ, hiểu được ý của thần, biết quý trọng nghề nông và có tính sáng tạo.