Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Địa Lí 12 (ngắn nhất) > Địa Lí 12 Bài 41: Vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long - Giải BT Đia lí 12

Địa Lí 12 Bài 41: Vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long - Giải BT Đia lí 12

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 41 trang 185: Hãy kể tên 13 tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải đáp:

- 13 tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) ở Đồng bằng sông Cửu Long đó là: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP. Cần Thơ, Hậu Giang.

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 41 trang 186: Tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long có những thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với việc phát triển nông nghiệp?

Giải đáp:

Tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long có những thuận lợi và khó khăn đối với việc phát triển nông nghiệp như sau:

- Những thuận lợi:

+ Là đồng bằng châu thổ rộng lớn nhất của cả nước (khoảng 4 triệu ha).

+ Đất phù sa ngọt có diện tích khoảng 1,2 triệu ha (chiếm 30% diện tích đồng bằng), đất rất màu mỡ, phân bố thành dải dọc sông Tiền, sông Hậu => thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Khó khăn:

+ Phần lớn diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn.

+ Một vài loại đất thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là các nguyên tố vi lượng hoặc đất quá chặt, khó thoát nước.

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 41 trang 187: Vì sao Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước?

Giải đáp:

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước vì:

+ ĐBSCL là đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta, có diện tích rộng khoảng 4 triệu ha.

+ Phần lớn diện tích đồng bằng là đất phù sa màu mỡ, đặc biệt là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu, có diện tích 1,2 triệu ha, rất thích hợp để trồng cây lúa nước.

+ Khí hậu thể hiện rõ tính chất cận xích đạo: chế độ nhiệt cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm từ 25- 27°C; lượng mưa hàng năm lớn (khoảng 1.300 – 2.000 mm), rất thích hợp để trồng cây lúa nước.

+ Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp nước cho cây lúa phát triển.

- Điều kiện kinh tế – xã hội:

+ Dân số đông, nguồn lao động dồi dào; người dân cần cù, chịu khó có kinh nghiệm sản xuất lúa, thích ứng nhanh với sản xuất hàng hoá.

+ Hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh; giao thông vận tải đường bộ, đường sông thuận lợi.

+ Mạng lưới cơ sở chế biến và dịch vụ sản xuất lúa rộng khắp.

+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 41 trang 188: Dựa vào hình 41.3 SGK, em hãy so sánh cơ cấu sử dụng đất giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Đồng bằng sông Hồng.

Giải đáp:

So sánh:

- Đất sản xuất nông nghiệp: Đồng bằng sông Hồng (51,2%) < Đồng bằng sông Cửu Long (63,4%).

- Đất Lâm nghiệp: Đồng bằng sông Hồng (8,3%) < Đồng bằng sông Cửu Long (8,8%).

- Đất chưa sử dụng: Đồng bằng sông Hồng (3,5%) > Đồng bằng sông Cửu Long (1,3%).

- Đất chuyên dùng: Đồng bằng sông Hồng (15,5%) > Đồng bằng sông Cửu Long (5,4%).

- Đất ở: Đồng bằng sông Hồng (7,8%) > Đồng bằng sông Cửu Long (2,7%).

- Đất khác: Đồng bằng sông Hồng (13,7%) < Đồng bằng sông Cửu Long (18,4%)

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Bài 1 trang 189 Địa Lí 12: Vì sao phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Giải đáp:

Phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long vì:

- Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ưu thế về tự nhiên hơn và đang được khai thác mạnh trong những năm gần đây.

- Nơi đây có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Khai thác có hiệu quả những thế mạnh sẵn có về tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại về mặt tự nhiên.

- Sự xuống cấp của tài nguyên thiên nhiên, môi trường do hậu của chiến tranh và nhất là do sự khai thác quá mức của con người.

⇒ Vì vậy, cần phải đặt vấn đề sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 2 trang 189 Địa Lí 12: Phân tích các thế mạnh, hạn chế về mặt tự nhiên và ảnh hưởng của nó đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải đáp:

a. Thế mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long:

- Đất là tài nguyên quan trọng hàng đầu của vùng, gồm các nhóm:

+ Đất phù sa ngọt có 1.2 triệu ha rất màu mỡ, dọc sông Tiền và sông Hậu => thuận lợi cho trồng lúa.

+ Đất phèn có 1.6 triệu ha, phèn nhiều (55 vạn ha) ở Đồng Tháp Mười, Hà Tiên, vùng trũng Cà Mau.

+ Đất mặn có 750.000 ha ven biển Đông và vịnh Thái Lan.

+ Đất khác có 40 vạn ha: phân bố rải rác.

- Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo. Tổng số giờ nắng trung bình cao, lượng mưa lớn thuận lợi phát triển nông nghiệp nhiệt đới.

- Sông ngòi: Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cắt xẻ châu thổ thành những ô vuông thuận lợi cho giao thông đường thủy, sản xuất và sinh hoạt.

- Sinh vật đa dạng:

+ Thực vật có rừng ngập mặn, rừng tràm.

+ Động vật đa dạng, có giá trị hơn là cá và chim.

- Biển có hàng trăm bãi cá, bãi tôm, hơn nửa triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản.

- Khoáng sản có nhiều loại như đá vôi, than bùn, dầu khí ở thềm lục địa.

b. Hạn chế

- Mùa khô kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt, nước mặn xâm nhập vào đất liền, làm tăng độ chua mặn trong đất.

- Thiên tai, lũ lụt…

- Phần lớn diện tích là đất phèn, đất mặn

- Khoáng sản: nghèo nàn gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bài 3 trang 189 Địa Lí 12: Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề chủ yếu nào? Vì sao?

Giải đáp:

- Để sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải giải quyết những vấn đề sau:

+ Nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu vào mùa khô:

• Cần phải thau chua, rửa mặn, cải tạo đất.

• Tạo ra các giống lúa chịu phèn, chịu mặn.

+ Duy trì, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, đảm bảo sự cân bằng sinh thái.

+ Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên không tách khỏi hoạt động kinh tế của con người.

• Cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phát triển các ngành nghề công nghiệp chế biến.

• Kết hợp mặt biển với đảo, quần đảo và đất liền tạo một thế kinh tế liên hoàn.

• Đối với đời sống của nhân dân: Cần chủ động sống chung với lũ bằng các biện pháp khác nhau với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời khai thác các nguồn lợi kinh tế do lũ hằng năm đem lại.

- Cần phải giải quyết các vấn đề trên, vì:

+ Đồng bằng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

+ Việc sử dụng và cải tạo tự nhiên là vấn đề cấp bách nhằm biến ĐBSCL thành một khu vực kinh tế quan trọng.

+ Nhằm mục đích hạn chế và khắc phục những tồn tại, khai thác có hiệu quả những thế mạnh sẵn có về tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.