Trang chủ > Lớp 12 > Giải BT Địa Lí 12 (ngắn nhất) > Địa Lí 12 Bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiếp theo) - Giải BT Đia lí 12

Địa Lí 12 Bài 10: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa (tiếp theo) - Giải BT Đia lí 12

Phần 1: Câu hỏi thảo luận

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 10 trang 45: Tại sao địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh?

Giải đáp:

Địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh, vì:

- Địa hình nước ta có độ dốc lớn.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và có sự phân hóa theo mùa đẩy mạnh quá trình xâm thực ở đồi núi.

- Bề mặt bị mất lớp phủ thực vật làm quá trình xâm thực diễn ra nhanh chóng hơn.

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 10 trang 45: Em hãy nêu ảnh hưởng của địa hình xâm thực, bồi tụ mạnh đến việc sử dụng đất ở nước ta?

Giải đáp:

Ảnh hưởng của địa hình xâm thực, bồi tụ mạnh đến việc sử dụng đất ở nước ta như sau:

- Ảnh hưởng tích cực: Sự bồi tụ mở mang nhanh chóng ở các đồng bằng hạ lưu sông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

- Ảnh hưởng tiêu cực: Đất bị bào mòn rửa trôi, nhiều nơi chỉ còn trơ sỏi đá.

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 10 trang 46: Tại sao sông ngòi nước ta có đặc điểm nêu trên?

Giải đáp:

- Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, địa hình bị xâm thực và cắt xẻ mạnh.

- Sông ngòi nhiều nước và giàu phù sa do có lượng mưa lớn và 60% từ lưu vực nằm ngoài lãnh thổ, vật liệu xâm thực ở đồi núi bồi tụ về đồng bằng.

- Chế độ nước thay đổi theo mùa, mùa mưa trùng với mùa lũ, mùa khô trùng với mùa cạn.

Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 10 trang 46: Đất feralit có đặc tính gì và ảnh hưởng như thế nào đến việc sử dụng đất trong trồng trọt.

Giải đáp:

* Đất feralit

- Đặc tính: Lớp vỏ phong hóa dày, có sự tích tụ ôxít sắt, nhôm tạo nên màu đỏ vàng; đất chua, dễ bị thoái hóa.

- Ảnh hưởng:

+ Thích hợp để trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và đồng cỏ cho chăn nuôi.

+ Đất nghèo dinh dưỡng nên trong quá trình trồng trọt cần phải cải tạo đất.

+ Đất dễ bị xói mòn nên cần phải có biện pháp thích hợp để bảo vệ đất.

Phần 2: Câu hỏi và bài tập

Bài 1 trang 47 Địa Lí 12: Em hãy nêu biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa qua các thành phần địa hình, sông ngòi ở nước ta.

Giải đáp:

a. Địa hình

- Quá trình xâm thực ở miền núi:

+ Trên sườn dốc, địa hình bị cắt xẻ, đất bị xói mòn, rửa trôi, trơ sỏi đá -> xảy ra hiện tượng đất trượt, đá lở.

+ Ở vùng núi đá vôi hình thành địa hình cacxtơ với các hang động, suối cạn, thung khô.

+ Vùng thềm phù sa cổ: bị chia cắt thành các đồi thấp xen thung lũng rộng.

- Bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông

+ Vật liệu xâm thực ở đồi núi được bồi tụ nhanh chóng ở các đồng bằng hạ lưu sông.

+ Mỗi năm đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long lấn ra biển vài chục đến gần trăm mét.

b. Sông ngòi

- Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc khoảng 2.360 con sông dài trên 10km.

- Sông nhiều nước và giàu phù sa: 60% lượng nước từ ngoài lãnh thổ, tổng lượng phù sa hàng năm là 200 triệu tấn

- Chế độ nước theo mùa: mùa mưa trùng với mùa lũ, mùa khô trùng với mùa cạn.

Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện qua các thành phần đất, sinh vật và cảnh quan thiên nhiên như thế nào?

Giải đáp:

Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện qua các thành phần đất, sinh vật và cảnh quan thiên nhiên cụ thể như sau:

a. Đất

- Quá trình phong hóa diễn ra với cường độ mạnh, tạo nên một lớp đất dày.

- Mưa nhiều rửa trôi các chất bazơ dễ tan như Ca2+, Mg2+, K+ làm đất chua, đồng thời có sự tích tụ oxit sắt (Fe2O3) và oxit nhôm (Al2O3) tạo ra màu đỏ vàng.

- Đất feralit là loại đất chính ở vùng đồi núi nước ta.

b. Sinh vật và cảnh quan

- Thực vật:

+ Hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng là rừng rậm nhiệt đới lá rộng thường xanh.

+ Rừng thứ sinh với các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa: rừng gió mùa thường xanh, rừng gió mùa nửa rụng lá, rừng thưa khô rụng lá, xa van, bụi gai nhiệt đới.

+ Thành phần các loại nhiệt đới chiếm ưu thế như họ Đậu, Vang, Dâu tằm.

- Động vật:

+ Các chim thú nhiệt đới, nhiều nhất là công, tri, gà lôi, vẹt, khỉ, vượn, nai, hoẵng…

+ Ngoài ra, các loài bò sát, ếch nhái, côn trùng cũng rất phong phú.

- Cảnh quan tiêu biểu cho thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa là hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm gió mùa phát triển trên đất feralit.

Bài 3 trang 47 Địa Lí 12: Em hãy nêu ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến hoạt động sản xuất và đời sống.

Giải đáp:

a. Ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất nông nghiệp:

- Thuận lợi:

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp lúa nước, tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nông – lâm kết hợp.

+ Hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

- Khó khăn:

+ Khí hậu diễn biến thất thường gây khó khăn cho việc canh tác, kế hoạch thời, nhiều sâu bệnh hại,..

+ Nhiều thiên tai: hạn hán, lũ lụt, bão, …

+ Đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, nghèo chất dinh dưỡng.

b. Ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất khác và đời sống

- Thuận lợi:

+ Có điều kiện phát triển các ngành kinh tế như: lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải và du lịch…

+ Đẩy mạnh các hoạt động khai thác, xây dựng…nhất là vào mùa khô.

+ Mùa khô tạo điều kiện thuận lợi cho thu hoạch, phơi sấy các sản phẩm nông nghiệp.

- Khó khăn:

+ Các hoạt động giao thông vận tải, du lịch, công nghiệp khai thác … chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự phân mùa khí hậu, chế độ nước của sông ngòi.

+ Độ ẩm cao gây khó khăn cho việc bảo quản máy móc, thiết bị, nông sản.

+ Thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán hàng năm gây tổn thất rất lớn cho mọi ngành sản xuất, gây thiệt hại về người và tài sản.

+ Các hiện tượng thời tiết thất thường như mưa đá, dông lốc, sương muối, rét hại, khô nóng … cũng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

+ Môi trường thiên nhiên dễ bị suy thoái.