Địa Lí 12 Bài 2: Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ - Giải BT Đia lí 12
Phần 1: Câu hỏi thảo luận
Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 2 trang 13: Dựa vào bản đồ Các nước Đông Nam Á và bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam, em hãy cho biết nước ta tiếp giáp với các nước nào trên đất liền và trên biển.
Đáp án:
- Trên đất liền nước ta giáp với 3 nước là: Trung Quốc, Lào, Campuchia.
- Trên biển nước ta giáp với 8 nước: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Bru-nây, Phi-lip-pin, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a.
Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 2 trang 13: Dựa vào kiến thức đã học, em hãy cho biết phạm vi lãnh thổ của mỗi nước bao gồm những bộ phận nào?
Đáp án:
- Phạm vi lãnh thổ của mỗi nước bao gồm: vùng đất, vùng trời và vùng biển.
Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 2 trang 14: Em hãy kể tên một số cửa khẩu quan trọng trên đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia của nước ta.Đáp án:
Một số cửa khẩu quan trọng trên đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia của nước ta cụ thể như sau:
- Trên đường biên giới với Trung Quốc có cửa khẩu: Móng Cái, Hữu Nghị, Lào Cai,...
- Trên đường biên giới với Lào có cửa khẩu: Na Mèo, Nậm Cắn, Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo,...
- Trên đường biên giới với Cam-pu-chia có cửa khẩu: Lệ Thanh, Dinh Bà, Mộc Bài, Xà Xía, …
Câu hỏi Địa Lí 12 Bài 2 trang 16: Tại sao nước ta không có khí hậu nhiệt đới khô hạn như một số nước có cùng vĩ độ?Đáp án:
Nước ta không có khí hậu nhiệt đới khô hạn như một số nước có cùng vĩ độ vì:
- Vị trí địa lí quy định thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa, có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn.
- Thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Mậu dịch và gió mùa châu Á.
- Tác động của các khối khí di chuyển qua biển kết hợp với vai trò của Biển Đông, nguồn dự trữ dồi dào về nhiệt và ẩm.
Phần 2: Câu hỏi và bài tập
Bài 1 trang 17 Địa Lí 12: Em hãy xác định vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ nước ta trên bản đồ các nước Đông Nam Á.Đáp án:
a. Vị trí địa lí
- Nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, gần trung tâm Đông Nam Á.
- Hệ tọa độ địa lí:
+ Đất liền:
• Cực Bắc 23o23’B xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
• Cực Nam 8o34’B xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
• Cực Tây 102o9’Đ xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
• Cực Đông 109o24’Đ xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
+ Trên biển hệ tọa độ địa lí kéo dài khoảng vĩ độ 6o50’B và từ khoảng kinh độ 101oĐ đến 117o20’Đ tại Biển Đông.
- Đại bộ phận nước ta nằm trong múi giờ số 7.
b. Phạm vi lãnh thổ
- Bao gồm vùng đất, vùng biển và vùng trời.
+ Vùng đất:
• Diện tích là 331212 km2 gồm đất liền và hải đảo.
• Đường biên giới trên đất liền 4600km.
+ Vùng biển:
• Rộng khoảng 1 triệu km2.
• Bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.
+ Vùng trời là không gian bao trùm lên trên lãnh thổ.
Bài 2 trang 17 Địa Lí 12: Nêu ý nghĩa của vị trí địa lí Việt Nam.Đáp án:
Vị trí địa lí Việt Nam có ý nghĩa:
a) Ý nghĩa tự nhiên
- Vị trí địa lí quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.
- Nằm tiếp giáp giữa lục địa và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, nằm trên đường di lưu và di cư của nhiều loài sinh vật nên có tài nguyên khoáng sản và sinh vật vô cùng phong phú.
- Vị trí và hình thể nước ta đã tạo nên sự phân hóa thiên nhiên đa dạng.
- Nằm trong vùng có nhiều thiên tai, nhất là bão, lũ lụt, hạn…
b) Ý nghĩa kinh tế, văn hóa – xã hội và quốc phòng
- Về kinh tế:
+ Nằm trên ngã tư đường hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ta giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
+ Là cửa ngõ ra biển của Lào, Đông bắc Thái Lan, Campuchia và Tây Nam Trung Quốc.
+ Thuận lợi phát triển các ngành kinh tế, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập và thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.
- Về văn hóa – xã hội: Thuận lợi cho nước ta chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước trong khu vực.
- An ninh quốc phòng:
+ Nước ta nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động và nhạy cảm với tình hình biến động chính trị trên thế giới.
+ Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong Công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.
Bài trước: Địa Lí 12 Bài 1: Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập - Giải BT Đia lí 12