Trang chủ > Lớp 12 > Soạn Văn 12 (ngắn nhất) > Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 01/12/2003 (trang 82 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1)

Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 01/12/2003 (trang 82 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1)

I. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

Cô-phi An-nan sinh ngày 8 – 4 – 1938 tại Ga-na, một nước cộng hòa thuộc Châu Phi. Từ ngày 1 – 1- 1997 Cô-phi An-nan trở thành người thứ bảy và là người Châu Phi da đen đầu tiên được bầu làm Tổng thư kí Liên hợp quốc. Ông đảm nhiệm chức vụ này hai nhiệm kì, cho tới tháng 1 – 2007.

Năm 2001, tổ chức Liên hợp quốc và cá nhân tổng thư kí được trao giải thưởng Nô-ben hòa bình. Ông cũng được nhận nhiều bằng cấp danh dự của các trường đại học ở châu Phi, châu Á, châu Âu và Bắc Mĩ, cùng nhiều giải thưởng khác.

2. Tác phẩm

Tác phẩm là thông điệp gửi nhân dân thế giới nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 – 12 – 2003.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 82 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):

Bản thông điệp Nhân ngày thế giới phòng chông AIDS 01/12/2003 nêu lên vấn đề: tầm quan trọng và ý nghĩa cấp bách của việc phòng chống hiểm họa HIV/AIDS. Chống lại HIV/AIDS là trách nhiệm lớn của mỗi nhà nước và mỗi người.

Tác giả Cô-phi An-nan cho rằng vấn đề đó cần phải đặt lên “vị trí hàng đầu” vì HIV/ AIDS là một mối hiểm nguy lớn, một đại dịch đang hoành hành đe dọa toàn nhân loại chúng ta.

Câu 2 (trang 82):

Tác giả Cô-phi An-nan đã điểm lại tình hình đã qua để tổng kết tình hình thực tế không chỉ trung thực, đáng tin cậy mà còn là cơ sở để dẫn tới kiến nghị mà ông sẽ nêu sau đó:

- Đưa ra một số kết quả đạt được:

+ Ngân sách dành cho phòng chống HIV/AIDS đã tăng lên một cách đáng kể.

+ Quỹ toàn cầu về phong chống AIDS, lao, sốt rét đã được thông qua.

+ Ngày càng nhiều công ty áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

+ Các nhóm từ thiện cộng đồng luôn đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS và có hoạt động tích cực...

- Đưa ra các biểu hiện và số liệu về các mặt còn tồn tại:

+ Dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành gây tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm.

+ Tốc độ tăng: 10 nghìn người nhiễm HIV/phút.

+ Tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng.

+ HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ.

+ Không có khu vực an toàn đối với HIV/AIDS.

+ Chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra, chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch.

→ Qua những dãn chứng cụ thể ta thấy được cách viết của tác giả rất ngắn gọn, trung thực và giàu sức thuyết phục.

Câu 3 (trang 83):

Trong lời kêu gọi mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa, tác giả đã nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ vì các mục tiêu của cuộc cạnh tranh mà được phép quên cái thảm họa đang ngày một nhanh chóng cướp đi cái đáng quý nhất là mạng sống và tuổi thọ của con người.

Đặc biệt tác giả còn gắn nỗ lực chống HIV/AIDS với việc gạt bỏ thái độ kì thị, phân biệt đối xử với những ai không may mắn mắc phải căn bệnh thế kỉ này “Chúng ta còn bị chậm hơn nữa nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS”.

Câu 4 (trang 83):

Trong bản thông điệp này, những nội dung và câu văn đã làm cho em thấy xúc động nhiều hơn cả chính là câu: “Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết” hay cũng có những câu cô đọng mà tạo hình ảnh gợi cảm xúc “Hãy cùng tôi đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này”. Bởi vì khi đọc những câu văn này em thấy được một cảm xúc kìm nén của chính tác giả.

Bài học cho việc làm văn nghị luận:

- Nêu luận điểm, luận cứ rõ ràng, dẫn chứng giàu sức thuyết phục.

- Bài viết cần thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm của mình một cách rõ ràng.

Luyện tập:

Viết bản báo cáo về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở địa phương mình.

Lưu ý: Bản báo cáo cần đảm bảo các ý:

- Hiện trạng vấn đề: thể hiện qua các con số, hình ảnh.. So sánh tình hình phòng chống từ năm này qua năm khác.

- Nguyên nhân vấn đề: từ phía cá nhân và cả gia đình, cộng đồng.

- Giải pháp cho vấn đề:

+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức.

+ Thi hành những chính sách phạt, thưởng.

+ Giáo dục ở nhà trường cũng cần chú ý tới việc hợp tác với địa phương, các cấp, ngành để việc hạn chế được diễn ra ở mọi người.