Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) (trang 122 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1)
I. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông là gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ.
Đặc điểm hồn thơ Nguyễn Khoa Điềm: có sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.
Những tác phẩm tiêu biểu: Đất ngoại ô (thơ, 1972), Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (tuyển chọn, 1990), Cõi lặng (thơ, 2007).
2. Tác phẩm
Đoạn trích Đất nước nằm trong phần đầu chương V của trường ca, là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 122 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):
* Bố cục của bài thơ được chia làm 2 phần:
- Phần 1 (từ đầu đến Làm nên đất nước muôn đời): Nói về những khám phá mới mẻ của đất nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm.
- Phần 2 (còn lại): Khai thác sâu tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của nhân dân”.
* Trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong đoạn trích: trình tự cảm nhận về đất nước từ nhiều phương diện khác nhau và lí giải của nhà thơ về đất nước, tập trung làm nổi bật tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”.
Câu 2 (trang 122):
Cảm nhận của tác giả về đất nước trong phần đầu của đoạn trích dựa trên những phương diện:
- Những khám phá của nhà thơ về cuội nguồn đất nước: Truy tìm ngọn nguồn của đất nước: Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể, bắt đầu với miếng trầu bà ăn, khi dân mình biết trồng tre đánh giặc, có trong tập tục tóc mẹ bới sau đầu, có trong tình nghĩa mẹ cha, có trong sinh hoạt thường ngày của nhân dân lao động: cái kèo, cột, hạt gạo,...
→ Đất nước hiện lên thật bình dị, gần gũi mà thiêng liêng, khám phá mới mẻ, gần gũi của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho thấy đất nước trong bình thường mà cao cả, có cái hàng ngày mà vĩnh hằng.
- Những khám phá của Nguyễn Khoa Điềm về khái niệm đất nước
+ Đất nước gắn liền với không gian của tình yêu đôi lứa.
+ Đất nước gắn liền với không gian sinh tồn của nhân dân: nơi dân mình đoàn tụ, là nơi chim về, là nơi rồng ở.
+ Đất nước gắn liền với thời gian lịch sử: tác giả Nguyễn Khoa Điềm đã chắt lọc những hình tượng tiêu biểu từ truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ gợi ra một đất nước bình dị, dễ mến và lấp lánh sắc màu huyền thoại.
- Trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước
+ Trong thời điểm hiện tại: Khẳng định trong anh và em, trong mỗi người nói chung đều tồn tại một phần đất nước, đất nước hóa thân vào huyết mạch mỗi người.
+ Mơ về tương lai: “Mai này con ta lớn lên... ngày tháng mơ mộng”
→ Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện cái nhìn lạc quan về đất nước, nêu trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước.
Câu 3 (trang 122):
Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được tác giả thể hiện qua:
* Nhân dân góp phần tô điểm cho đất nước
- Cách nhìn mới của Nguyễn Khoa Điềm về danh lam thắng cảnh.
- Những danh lam thắng cảnh được chọn khắp ba miền Bắc – Trung - Nam tiêu biểu cho nét đẹp lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc ta.
- Những hình tượng kì thú của thiên nhiên, đất nước chỉ trở thành danh lam thắng cảnh nhờ những truyện cổ tích truyền thuyết của dân gian đã phủ lên nó chiếc áo lấp lánh huyền thoại.
* Nhân dân chính là những con người làm nên lịch sử
- Nhân dân là những anh hùng
- Nhân dân là những con người hết sức bình dị.
- Điểm hội tụ và đỉnh cao cảm xúc của nhân vật trữ tình về đất nước được kết tinh qua:
"Đất nước này là Đất Nước của nhân dân
Đất nước của Nhân dân
Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định nhân dân là linh hồn của đất nước. Cụm từ đất nước của nhân dân nhắc lại hai lần xoáy sâu vào tư tưởng đó.
- Vai trò của đất nước, của nhân dân với thế hệ trẻ hôm nay.
- Nhà thơ tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp của đất nước sẽ mở ra.
Câu 4 (trang 123):
Trong đoạn trích Đất Nước, nhà thơ đã sử dụng nhiều chất liệu văn học và văn hóa dân gian từ ca dao, tuc ngữ, đến truyền thuyết, phong tục,...
Các chất liệu này khi đưa vào bài thơ đã được nhà thơ sáng tạo lại vì thế mà vừa quen thuộc lại vừa mới lạ. Ví dụ: Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, Yêu em từ thuở trong nôi,... các hình ảnh, mô típ nghệ thuật của văn học văn hóa dân gian để làm nên câu thơ, ý thơ của nhà văn (ngày xửa ngày xưa, gừng cay muối mặn... )
→ Tác dụng: Nhà thơ đã gợi mở được một không gian nghệ thuật, một không khí, một giọng điệu riêng đưa người đọc vào một thế giới đẹp đẽ, lãng mạn của ca dao, giọng điệu truyền thuyết dân gian nhưng vẫn mang màu sắc hiện đại.
Bài trước: Phát biểu theo chủ đề (trang 116 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1) Bài tiếp: Đất nước (Nguyễn Đình Thi) (trang 126 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1)