Trang chủ > Lớp 12 > Soạn Văn 12 (ngắn nhất) > Đàn ghi ta của Lor-ca (trang 166 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1)

Đàn ghi ta của Lor-ca (trang 166 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1)

I. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

Nhà thơ Thanh Thảo có tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Trước năm 1975: Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông trở thành gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Sau năm 1975: Ông tiếp tục sáng tác thơ và có nhiều nỗ lực cách tân tân thơ Việt theo xu hướng đào sâu nội cảm, tìm kiếm cách thể hiện mới qua hình thức câu thơ tự do, xóa bỏ mọi ràng buộc, khuôn sáo và nhịp điệu bất thường để mở đường cho một cơ chế liên tưởng phong khoáng.

2. Tác phẩm

Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được rút trong tập Khối vuông ru - bích là một trong những sáng tác tiêu biểu cho kiểu tư duy thơ của Thanh Thảo: giàu suy tư, mãnh liệt, phóng túng xúc cảm và đương nhiên không dễ hiểu vì ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực mà học tập chính nhà thơ hiện đại Tây Ban Nha: Phê- đê - ri - cô Gar - xi - a Lor-ca.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 166 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):

Bài thơ viết theo thể tự do, thiết lập cấu tứ trên dòng cảm xúc mãnh liệt về cái chết bi thảm của Lor-ca qua hàng loạt các hình ảnh biểu tượng.

Hệ thống hình ảnh: người nghệ sĩ, vầng trăng, yên ngựa – cây đàn ghi ta... tái hiện chân dung Lor-ca thật lãng mạn như đang lắc lư theo điệu nhạc lilalila “mỏi mòn”: trạng thái mệt mỏi vì phải làm việc trong một thời gian dài. Trên hành trình sáng tạo, đổi mới thi ca, có lẽ Lor-ca cũng có những giây phút cảm thấy mệt mỏi. Thanh Thảo thấu hiểu, cảm thông tột cùng với Lor-ca.

Hình ảnh:

+ tiếng đàn bọt nước: nghệ thuật đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, dễ tan vỡ.

+ áo choàng đỏ gắt: cuộc đấu tranh quyết liệt chống nền nghệ thuật già cỗi và chế độ độc tài Phrăng-cô.

+ vầng trăng chếnh choáng: hình ảnh người nghệ sĩ Lor-ca tự do, tự tại, lãng tử giữa đất trời, say mê với nghệ thuật.

+ yên ngựa mỏi mòn: hành trình đấu tranh và sáng tạo bền bỉ, kiên trì nhưng cũng thật cô đơn, mỏi mệt.

+ áo choàng bê bết đỏ: tái hiện sâu sắc bi kịch thảm khốc đã dữ đã dội xuống cuộc đời Lor-ca.

Âm thanh của tiếng đàn đã được thị giác hóa trở nên có sắc màu qua các hình ảnh tiếng ghi ta nâu, tiếng ghi ta xanh lá, tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan, tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy,...

Các hình ảnh Lor-ca bơi sang xoáy nước, chiếc ghi ta màu bạc: thiên tài ấy đã sang thế giới bên kia với tất cả tình yêu, xứ sở, tình yêu nghệ thuật cháy bỏng.

Những hình ảnh liên tưởng ở thế chủ động: chàng ném lá bùa cô gái Di - gan vào xoáy nước, ném trái tim mình vào lặng yên...

Câu 2 (trang 166):

Đoạn thơ:

"Không ai chôn cất tiếng đàn

Tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Giọt nước mắt vầng trăng

Long lanh trong đáy giếng. "

Đoạn thơ trên nói về sức sống bất diệt của tiếng đàn Lor – ca.

- “Không ai chôn cất tiếng đàn”: nhân dân Tây Ban Nha làm trái với lời nguyện của Lor -ca.

- “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang”:

+ Tiếng đàn chỉ cuộc đời, con người, sự nghiệp cách tân của Lor – ca.

+ Hình ảnh “cỏ mọc hoang” có nhiều cách hiểu: cỏ mọc nhiều, mọc nhanh thể hiện sức sống mãnh liệt, bền bỉ của con người hay cũng chính là sự nghiệp, tài năng của Lor – ca. Cũng có thể Lor ca ra đi, nhà thơ Tây Ban Nha thiếu người dẫn đường nên thành thứ cỏ mọc hoang.

- Giọt nước mắt vầng trăng:

+ “Giọt nước mắt”: thể hiện niềm nhớ thương, buồn tiếc khôn nguôi của nhân dân Tây Ban Nha.

+ vầng trăng chính là vật thể của thiên nhiên, của vũ trụ rộng lớn, hay nhân cách sự nghiệp sáng tạo của Lor-ca.

- Long lanh trong đáy giếng.

+ “Đáy giếng”: thường là nơi giấu giếm tội ác của bọn hắc ám.

→ Cuộc đời, nhân cách, sự nghiệp của Lor-ca sáng ngời mãi theo thời gian mặc cho kẻ thù chôn vùi nơi thâm sâu, lạnh lẽo.

Câu 3 (trang 166):

* Hình tượng cây đàn trong mang nhiều ý nghĩa.

- Trước hết nghĩa thực là chỉ cây đàn của Lor-ca.

- Nghĩa ẩn dụ:

+ Gợi ra đất nước Tây Ban Nha

+ Gợi ra sự nghiệp, cuộc đời nghệ thuật của Lor-ca.

→ Tiếng đàn trong tác phẩm được lặp lại nhiều lần, nếu như phần mở đầu, âm thanh tiếng đàn vang lên báo hiệu sự xuất hiện của người nghệ sĩ. Thì đến cuối bài thơ, tiếng đàn tiếp tục được ngân lên, ngay cả khi chủ nhân của nó không còn trên cõi đời này nữa.

=> Tiếng đàn, sự nghiệp, con người của người nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha sẽ còn mãi với thời gian.

Luyện tập

* Cảm nhận về hình tượng Lor-ca được thể hiện qua bài "Đàn ghi ta của Lor - ca"

- Hình tượng Lor-ca hiện lên là một nghệ sĩ tự do và cô đơn.

- Cái chết của ông có nhiều oan khuất, bi phẫn bởi những thế lực tàn ác chi phối.

- Nhưng tâm hồn của ông sẽ mãi bất diệt, trường tồn với thời gian.

→ Hình tượng bi tráng về người nghệ sĩ chân chính tài hoa – sống chết và bất tử với đất nước mình.