Số phận con người (trang 124 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2)
I. Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
Mi - khai - in A - lếch- xan- đrô - vich Sô - lô - khốp (1905 – 1984) là một nhà văn Nga lỗi lạc. Năm 1965 ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Nô – ben về văn học. Ông là một nhà tiểu thuyết có tài và được liệt vào hàng các nhà văn lớn nhất thế kỉ XX.
Những tác phẩm tiêu biểu: tập truyện Những truyện ngắn sông Đông, các tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Họ chiến đấu vì Tổ quốc,...
2. Tác phẩm
Truyện ngắn Số phận con người được tác giả viết vào năm 1957. Đây là cột mốc quan trong mở ra chân trời mới cho văn học Nga. Dung lượng và tư tưởng của truyện khiến có người liệt nó vào loại tiểu thuyết anh hùng ca.
Tác phẩm thể hiện cách nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực, sự đổi mới cách miêu tả nhân vật, khám phá tính cách Nga, khí phách anh hùng và nhân hậu của người lính Xô viết.
Đoạn trích là phần kết thúc truyện.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 124 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):
Hoàn cảnh và tâm trạng của An - đrây Xô - cô - lôp sau khi chiến tranh kết thúc và trước khi gặp bé Va - ni - a.
- Hoàn cảnh:
+ Chịu trăm ngàn cay đắng: “Tôi đã chôn chân trên đất người... cuối cùng của tôi”.
+ Không vợ con, không nhà cửa, không hi vọng và không trở về quê hương.
+ Trở thành người vô gia cư, lang thang, ăn nhờ ở đậu, chìm trong men rượu để trốn tránh quá khứ.
→ Chính chiến tranh tước đã đoạt tất cả những gì quý giá nhất của ông: quê hương, gia đình, tình yêu thương và thậm chí cả niềm hi vọng.
- Tâm trạng:
+ Vỡ tung, mất hồn, rơi vào nỗi đau cùng cực, âm thầm chịu đựng.
+ Sống như người lao động bình thường.
+ Tìm đến rượu để giảm và quên hết nỗi đau → Bế tắc.
+ Những giọt nước mắt: nỗi đau không thể diễn tả bằng lời. Tinh thần và thể chất dường như đổ sụp, trở nên như người mất hồn.
→ Nỗi buồn đau, mất mát im đậm trên gương mặt anh “cặp mắt nguội lạnh lúc nào cũng buồn thê thảm”, vò xé trái tim anh “ trái tim tôi đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ”.
Câu 2 (trang 124):
* Giữa lúc đang lâm vào tâm trạng buồn đau, bế tắc Xô - cô - lôp gặp bé Va - ni - a - cậu bé cũng là một nạn nhân đáng thương của chiến tranh. Qua việc nhận bé Va - ni - a làm con nuôi, với sự ngây thơ tin tưởng, tình cảm gắn bó quyến luyến của bé đã phần nào xoa dịu trái tim đã “suy kiệt”, “chai sạn” vì đau khổ của Xô - cô - lôp. Anh đã lại có những “niềm vui không lời nào tả xiết”. Anh trở thành nơi nương tựa, che chở cho bé, điều đó đem lại cho anh niềm vui và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.
* Tâm hồn ngây thơ của bé Va - ni - a và lòng nhân hậu của An - đrây Xô - cô - lôp được biểu hiện:
- Với Va - ni - a:
+ Khi được nhận làm con, Va - ni - a vô cùng sung sướng và xúc động.
+ Cậu bé đã vô cùng vui vẻ, hồn nhiên, gắn bó, quyến luyến chẳng rời người bố: áp sát vào người, ôm chặt lấy cổ, áp chặt má, bố đi vắng thì “khóc suốt từ sáng đến tối”.
→ Thể hiện một sự sung sướng, ngạc nhiên và hạnh phúc.
- Với Xô - cô - lôp:
+ Thương cảm với số phận Va - ni - a: không cha, không mẹ, không nơi nương tựa.
→ Quyết định nhận Va - ni - a là con.
+ Chăm sóc chu đáo cho cậu bé như con đẻ.
+ Âm thầm chịu đựng những đau khổ vì sợ Va - ni - a đau khổ.
+ Có bé, anh thấy mình như được hồi sinh, anh thấy mọi thứ như bắt đầu trở nên “êm dịu hơn”
→ Chính lòng nhân ái đã giúp anh vượt qua cô đơn.
→ Tình cảm giữa họ là tình cảm chân thành thắm thiết của hai người đều phải chịu những mất mát lớn trong chiến tranh. Họ gặp nhau một cách ngẫu nhiên nhưng khi gặp nhau họ lại khăng khít với nhau, yêu thương nhau, bù đắp cho nhau.
* Điểm nhìn của An - đrây Xô - cô - lôp hoàn toàn trùng khớp với điểm nhìn của tác giả: “Cái chính ở đây là phải biết kịp thời quay mặt đi. Cái chính ở đây là đừng làm tổn thương trái tim em bé, đừng để cho em thấy những giọt nước mắt đàn ông hiếm hoi nóng bỏng lăn trên má anh”.
→ Đó là điểm nhìn chan chứa yêu thương, hướng tới cuộc sống bình yên, tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, mang đậm giá trị nhân đạo.
Câu 3 (trang 124):
* Cuộc đời cô đơn, đau khổ với những khó khăn chồng chất của An - đrây Xô - cô - lôp đã được miêu tả hết sức sinh động, chân thực:
- Những khó khăn trong việc chăm sóc bé Va - ni- a.
- Rủi ro trong công việc: xe của anh quét nhẹ phải con bò nên anh bị tước bằng, bị mất việc, phải đi phiêu bạt để kiếm sống.
- Thể chất anh cũng yếu dần đi “trái tim tôi đã suy kiệt, đã chai sạn vì đau khổ”.
- Nỗi ám ảnh anh không dứt: hầu như đêm nào thức giấc gối “cũng ướt đẫm nước mắt”.
→ Anh đã và đang phải ghánh chịu những nỗi đau không gì bù đắp nổi, thời gian cũng không xoa dịu được vết thương trong lòng.
* Sức mạnh vượt qua khó khăn:
- Nhờ vào tấm lòng nhân hậu, lòng yêu thương trẻ.
- Bản lĩnh kiên cường và lòng dũng cảm.
→ Tiêu biểu cho số phận và vẻ đẹp tâm hồn nước Nga.
Câu 4 (trang 124):
Thái độ của người kể chuyện: sự tin tưởng vào một thế hệ tương lai qua hình ảnh chú bé Va - ni- a: “ Nghĩ rằng người Nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững được và sống bên canh bố, chú bé kia khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách... ”.
Lời trữ tình ngoại đề: là lời giãi bài cảm xúc của nhà văn với bạn đọc: “Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ... nếu như Tổ quốc kêu gọi”.
→ Thể hiện ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm:
+ Nhà văn bày tỏ sự khâm phục và tin tưởng ở tính cách Nga kiên cường.
+ Nhắc nhở và kêu gọi sự quan tâm của xã hội đối với nhân cách con người và góp tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa.
Câu 5 (trang 124):
Qua đoạn trích, Sô - lô - khốp thể hiện về số phận con người:
- Số phận con người tập trung khám phá nỗi bất hạnh của con người sau chiến tranh.
- Nhưng nhà văn vẫn giữ niềm tin vào số phận con người, ở tính cách Nga kiên cường cũng như lòng tin yêu ở cuộc sống.
Luyện tập
Câu 1 (trang 124):
Truyện ngắn Số phận con người là tác phẩm đầu tiên trong văn học Xô viết sau chiến tranh đã dũng cảm táo bạo nhìn thẳng vào sự thật khắc nghiệt của chiến tranh: không chỉ có vinh quang chiến thắng, mà người lính còn mang những phẩm chất anh hùng của cả cộng đồng mà còn phải đối diện với những đau khổ, những mất mát của chiến tranh gây nên. Trong đó, đáng chú ý nhất là số phận bất hạnh của Xô - cô - lôp và bé Va - ni - a.
→ Qua tác phẩm, nhà văn đã tố cáo chiến tranh phát xít một cách mạnh mẽ, đồng thời cũng khẳng định bản lĩnh và tâm hồn nhân hậu của con người Nga, tính cách Nga.
Câu 2 (trang 124):
Tưởng tượng và viết đoạn văn về cuộc sống tương lai của hai bố con An - đrây Xô - cô – lôp: Chú ý vào việc thể hiện miềm tin vào hạnh phúc sau này của hai cha con.
Gợi ý:
Hai cha con tìm được một cuộc sống bình yên trên một ngôi làng nhỏ. Họ cùng với người dân nơi đây bắt tay vào việc xây dựng một cuộc sống mới, Xô - cô - lôp kiếm được việc làm ổn định, anh không còn tìm đến rượu nữa, bé Va - ni - a được tới trường với chúng bạn... Cuộc sống của họ rất vui vẻ và hạnh phúc.
Bài trước: Rèn luyện kỹ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận (trang 112 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2) Bài tiếp: Trả bài làm văn số 6 (Ngữ văn 12)