Viếng lăng bác - trang 60 SGK Ngữ văn 9 tập 2
Câu 1 trang 60 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
- Cảm xúc bao trùm của tác giả trong bài thơ là niềm xúc động thiên liêng, thành kính, lòng biết ơn và tự hào xen lẫn nỗi xót xa khi tác giả vào viếng lăng Bác
- Cảm xúc đó được thể hiện theo trình tự vào lăng viếng Bác
+ Mở đầu là cảm xúc về khung cảnh bên ngoài lăng.
+ Tiếp đó là cảm xúc trước hình ảnh dòng người bất tận ngày ngày vào viếng lăng Bác
Câu 2, trang 60 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
Hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu:
- Hàng tre thấp thoáng ẩn hiện trong làn sương sớm, trải rộng mênh mông bát ngát là hình ảnh đầu tiên được tác giả miêu tả trong bài thơ.
+ Hàng tre dẻo dai cứng cáp đứng hiên ngang giữa trời mặc bão tố phong ba như dân tộc ta mặc mưa bom bão đạn trút xuống vẫn không cúi đầu.
+ Hình ảnh thơ vừa tả thực, vừa ẩn dụ đầy độc đáo của nhà thơ, tre vây quanh Bác như hàng triệu con người Việt Nam đang bên Bác canh giữ giấc ngủ nghìn thu cho Người
- Cuối bài thơ, hình ảnh hàng tre được lặp lại với ý nghĩa cây tre trung hiếu, càng tô đậm thêm hình ảnh, con người Việt Nam trung hiếu, bất khuất. Hình ảnh đó gây ấn tượng sâu sắc và cảm xúc được dâng cao lên.
Câu 3 trang 60 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác đã được thể hiện trong các khổ thơ 2,3,4 (những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc trong các khổ thơ).
- Hình ảnh mặt trời trong câu thơ thứ hai vừa nói lên sự vĩ đại của Bác Hồ vừa thể hiện được sự thành kính của nhà thơ và của cả dân tộc đối với Bác.
- Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ là thực nhưng kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân lại là một phép ẩn dụ đẹp và rất sáng tạo, thể hiện sâu sắc những tình cảm thành kính, thiêng liêng của nhân dân đối với Bác.
- Nỗi nhớ thương và xót xa vô hạn của mọi người thể hiện trong khổ 3:
+ Hình ảnh mặt trời rực đỏ trong lăng còn được thay bằng vầng trăng sáng dịu hiền. Bác không chỉ là một người chiến sĩ cách mạng, là ngọn đuốc sáng soi đường cho dân tộc (ý nghĩa biểu tượng từ mặt trời), Bác còn là một người Cha có đôi mắt Mẹ hiền sao.
+ Trời xanh là mãi mãi: Bác ra đi nhưng vẫn còn mãi với quê hương đất nước, như trời xanh còn mãi.
+ Câu thơ biểu hiện cụ thể và trực tiếp nỗi đau xót vì sự ra đi của Người: Mà sao nghe nhói ở trong tim
- Khổ thơ cuối thể hiện ước nguyện của nhà thơ được mãi mãi ở bên Bác: muốn làm con chim cất cao tiếng hót, muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây, và nhất là muốn làm cây tre trung hiếu để có thể mãi ở bên Bác
Câu 4, trang 60 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
Sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc với nghệ thuật:
- Giọng điệu trang nghiêm, đau xót, tự hào thể hiện đúng cảm xúc của tác giả
- Nhịp điệu chậm rãi, khoan thai, thành kính, lắng đọng, khổ cuối nhanh thể hiện sự tha thiết và lưu luyến.
- Thể thơ tám chữ với hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo và gợi cảm, vừa quen thuộc vừa sâu sắc, ngôn ngữ bình dị, cô đúc... tất cả đều góp phần vào việc diễn tả tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
Câu 5: Bài luyện tập 2, trang 60 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
Ở khổ thơ 2 và 3 trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương đã diễn tả rất rõ sự xúc động dạt dào khi tác giả ở ngoài lăng và được vào lăng viếng Bác. Ở khổ thứ hai nhà thơ rất tài tình khi xây dựng 4 câu thơ thành 2 cặp câu có cấu trúc tương ứng. Câu trên tả thực, câu dưới ẩn dụ. Nếu mặt trời của thiên nhiên mạng đến sự sống cho muôn loài thì Bác chính là người đã đem đến sự đọc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc ta. cặp câu dưới lặp lại từ “ngày ngày“ theo phép điệp ngữ để nhấn mạnh dòng người vào lăng viếng Bác cứ lặp đi lặp lại hết ngày này đến ngày khác. Cuộc đời của bác đã dành trọn vẹn 79 tuổi đời cho dân cho nước nên cuộc đời ấy, 79 tuổi đời ấy đẹp như mùa xuân. Khổ thơ không những chỉ bộc lộ tình cảm sâu sắc của tác giả đối với Bác Hồ mà còn nói lên tình cảm chân thành tha thiết của hàng triệu con người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bài trước: Mùa xuân nho nhỏ - trang 57 SGK Ngữ văn 9 Bài tiếp: Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) - trang 63 SGK Ngữ văn 9 tập 2