Hoàng Lê nhất thống chí - trang 72 SGK Ngữ văn 9
1. Câu 1, tr. 72, SGK
Hướng dẫn giải:
- Đại ý của đoạn trích: Tác giả đã dựng lên hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và sự thất bại thảm hại tất yếu của bọn xâm lược và lũ vua quan phản nước, hại dân một cách chân thực, sinh động.
- Bố cục: Đoạn trích được chia làm 3 phần:
+ Phần 1 (từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân”): Được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, vua Lê thụ phong, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, tự mình đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc.
+ Phần 2: (tiếp cho đến “vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung đối với quân Thanh.
+ Phần 3 (còn lại): Thất bại thảm hại của quân Tôn Sĩ Nghị và sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
2. Câu 2, tr. 72, SGK
Hướng dẫn giải:
- Cảm nhận của em về hình tượng người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ:
+ Là một người có hành động mạnh mẽ, quyết đoán:
• Nhận được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp các tướng sĩ, đích thân cầm quân đi ngay
• Lên ngôi hoàng đế, đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc
• Gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu
• Tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ, lên kế hoạch tiến quân đánh giặc
+ Là người có trí tuệ sáng suốt, mẫn cán, điều binh khiển tướng tài tình:
• Phân tích tình hình, quyết định tiến quân tiêu diệt giặc
• Lời lẽ sắc bén, chặt chẽ, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ: lời phủ dụ
• Vạch kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân thần tốc, cách chống lại súng của giặc, chiến thuật nghi binh…)
• Biết dùng người đúng sở trường, sở đoản, đối đãi công bằng
+ Ý chí quyết chiến quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng: mạnh bạo, tự tin trong kế sách đánh giặc, tính toán trước sau chu toàn (trước khi đánh giặc đã tính đến cả đối sách với giặc sau khi chiến thắng)…
+ Tài dụng binh như thần: hành quân thần tốc, tổ chức quân đội chỉnh tề, bắt sống quân do thám của địch, giữ bí mật để tạo thế bất ngờ để vây kín làng Hà Nội, công phá đồn Ngọc Hồi,...
+ Hình ảnh lẫm liệt trong chiến trận: Quang Trung trong trận đánh khói tỏa mù trời cách gang tấc không thấy gì nhưng nổi bật trong cái nền ấy là hình ảnh nhà vua cưỡi voi đi đốc thúc
- Nguồn cảm hứng chi phối ngòi bút tác giả: sự trung thành với nhà Lê, thái độ tôn trọng sự thực lịch sự và ý thức dân tộc cao
3. Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh đã được miêu tả như thế nào? Nhận xét về cách trần thuật và giọng điệu trong đoạn văn diễn tả sự thảm bại của quân giặc
Hướng dẫn giải:
- Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh được miêu tả như sau:
+ Tôn Sĩ Nghị bất tài, không nắm được tình hình thực tế, kiêu căng tự mãn, trễ nải quân cơ: chỉ chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc; khi quân Tây Sơn đánh đến thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao”…
+ Quân tướng hèn nhát, thảm bại: khi nghe tiếng quân Tây Sơn, quân Thanh ở trong đồn Hạ Hồi “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng”; ở đồn Ngọc Hồi quân thì “bỏ chạy toán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”, tướng thì tự thắt cổ chết; thấy nghi binh thì “đều hết hồn hết vía, vội trốn”; khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. ”…
+ Cả đội binh hùng tướng mạnh giờ đây chỉ còn biết tháo chạy đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi.
- Cách trần thuật và giọng điệu của đoạn văn: cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh được miêu tả chân thực cụ thể dưới cái nhìn hả hê, mãn nguyện của người thắng trận trước sự thất bại thảm hại của kẻ thù cướp nước: âm hưởng nhanh, gợi tả sự tán loạn, tan tác…
4. Câu 4, tr. 72, SGK
Hướng dẫn giải:
- Nghệ thuật trần thuật ở đoạn trích này rất chân chực với những chi tiết cụ thể nhưng âm hưởng lại rất khác nhau:
+ Đoạn trên nhịp điệu nhanh mạnh hối hả ngòi bút miêu tả khách quan nhưng vẫn hàm chứa vẻ hả hê sung sướng của người thắng trận
+ Đoạn dưới nhịp điệu chậm hơn tác giả dừng lại miêu tả tỉ mỉ những giọt nước mắt thương cảm của người thổ hào, nước mắt tủi hổ của vua tôi Lê Chiêu Thống,... âm hưởng ngâm ngùi chua xót
5. Bài luyện tập, tr. 72, SGK
Hướng dẫn giải:
Đoạn văn tham khảo:
Trận chiến đại phá quân Thanh của vua Quang Trung thật thần tốc. Mới đêm 30 tết bắt đầu lên đường vậy mà nửa đem mồng ba tháng giêng đã tới làng Hà Hồi. Vua Quang Trung cho quân lặng lẽ vây kín rồi lấy loa gọi cho quân lính thi nhau dạ ran, khiến cho quân giặc sợ hãi mà xin hàng. Tiếp đó, vua bày mưu ghép ván phủ rơm làm bia chắn để quân lính dễ đột nhập vào thành. Mờ sáng mồng năm quân của Quang Trung tiến sát đồn Ngọc Hà. Quân địch chống đỡ không nổi, bỏ chạy thảm hại. tướng giặc Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử. Trước đó vua đã cho người giấu nghi binh ở phía Đông. Quân địch hoảng sợ nấp xuống đầm bị quân ta giẫm chết vô số. Giữa trưa hôm ấy Quang Trung tiến binh vào Thăng Long.
6. Lời dụ của vua Quang Trung với quân lính ở Nghệ An trước khi tiến quan ra Bắc có ý trùng hợp với bài Sông núi nước Nam và Bình Ngô đại cáo. Hãy chỉ ra sự gặp gỡ ấy và chỉ ra ý nghĩa của việc đó.
Hướng dẫn giải:
- Sự gặp gỡ ấy thể hiện ở sự kế thừa và phát triển hoàn thiện ý thức về độc lập chủ quyền, về quốc gia dân tộc
- Sự gặp gỡ này cho thấy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý thức về chủ quyền quốc gia lãnh thổ là một truyền thống tinh thần sâu sắc bền vững được tiếp nối qua các triều đại, thế hệ
- Tô đậm tinh thần yêu nước sâu đậm của người anh hùng áo vải- Quang Trung
Bài trước: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh - trang 63 SGK Ngữ văn 9 Bài tiếp: Sự phát triển của từ vựng (tiếp theo) - trang 74 SGK Ngữ văn 9