Chiếc lược ngà - trang 202 SGK Ngữ văn 9
1. Tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu? Nhận xét sức hấp dẫn của tình huống truyện ấy?
Hướng dẫn giải:
- Tình huống đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu đó là:
+ Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách, nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì lại là lúc ông Sáu phải đi ra chiến trường.
+ Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ của mình dành cho đứa con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con gái.
- Sức hấp dẫn của tình huống truyện: tạo ra những bất ngờ căng thẳng, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả miêu tả tâm lí tình cảm của các nhân vật.
2. Câu 2, trang 202 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
- Diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu được thể hiện:
+ Trước khi nhận ra cha: bất ngờ, lảng tránh, ngơ ngác, sợ hãi khi mới gặp cha, tròn mắt, lạnh lùng nhìn như người xa lạ, tái mặt chạy đi kêu má, bướng bỉnh ương ngạnh khi ở nhà với cha.
+ Khi nhận ra cha: trằn trọc suy nghĩ khi nghe bà giải thích về vết sẹo. Lúc thấy cha chuẩn bị ra đi, khuôn mặt bé Thu nghĩ ngợi xa xăm, rồi chạy tới ôm cha thắm thiết.
- Tích cách của nhân vật bé Thu: tình cảm mạnh mẽ sâu sắc, rất dứt khoát, rạch ròi có nét cá tính cứng cỏi đến ương ngạnh nhưng vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả: miêu tả diễn biến tâm lí thành công, từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ yêu thương do bị dồn nén.
→ Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã rất am hiểu tâm lý trẻ em, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.
3. Câu 3, trang 202 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
Tình cảm cha con sâu nặng của ông Sáu đối với con được thể hiện trong chuyến về phép thăm nhà và ở khu căn cứ:
+ Khi được về phép thăm nhà: ông nôn nóng gặp mặt con, khát khao được nghe con gọi tiếng gọi “Ba ơi! ”
+ Nỗi day dứt, ân hận ám ảnh ông suốt nhiều ngày sau khi chia tay với gia đình là việc ông đã đánh con khi nóng giận.
+ Lời dặn của đứa con: "Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba! " - lời dặn ấy đã thúc đẩy ông nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà dành cho con khi ông ở khu căn cứ.
→ Nét đẹp trong tâm hồn của người cán bộ cách mạng: họ không chỉ là người yêu quên hương, đất nước thiết tha, sẵn sàng hi sinh cho Tổ Quốc mà còn yêu thương gia đình con cái hết mực với tình yêu vô cùng đẹp đẽ và cao thượng.
4. Truyện ngắn này gợi cho em những cảm nghĩ gì về tình người trong chiến tranh?
Hướng dẫn giải:
Qua truyện ngắn Chiếc lược ngà - nhà văn Nguyễn Quang Sáng, em thấy:
- Chiến tranh có thể tạo ra sự xa cách, gây ra sự hiểu lầm, nhưng chiến tranh không làm mất đi tình cha con mà tình cảm ấy còn sâu nặng hơn. Tình cảm ấy vô cùng cảm động.
- Chiến tranh có thể huỷ diệt cuộc sống, nhưng không thể huỷ diệt tình cảm gia đình thiêng liêng của con người.
5. Bài luyện tập 2, trang 203 SGK Ngữ văn 9
Hướng dẫn giải:
Đoạn văn tham khảo:
Tôi rất nhớ buổi sáng hôm đó, sau khi theo ngoại về nhà, hàng xóm và cả họ hàng đến nhà tôi rất đông. Má tôi lo chuẩn bị đồ đạc, tư trang để ba chuẩn bị lên đường, ba tôi đang tiếp chuyện mọi người. Dường như chẳng ai chú ý đến sự có mặt của tôi lúc này. Tâm trí tôi lúc này rối bời, biết bao suy nghĩ đang bủa vây lấy tôi. Mấy lần tôi định lao ra ôm lấy ba nhưng lại không dám. Đến giờ phút chuẩn bị lên đường, khoác ba lô trên vai, ánh mắt của ba hướng về phía tôi. Có lẽ ba cũng như tôi, rất muốn lại gần nhưng sợ tôi sẽ bỏ chạy như ngày hôm trước. Cái nhìn âu yếm, buồn đau khó tả, bao nhiêu năm qua trong ký ức non nớt của tôi vẫn ghi đậm hình ảnh đôi mắt ấy, đôi mắt buồn thương mênh mông. Không thấy ba nói gì, chỉ biết mình sắp phải xa người thân yêu nhất, tôi thét lên: “B…a…. ba…. ” rồi ôm chặt lấy ba khóc nức nở. Tôi vừa khóc, vừa hôn khắp nơi trên khuôn mặt ba tôi. Tôi hôn cả vết thẹo dài bên bá ba nữa. Rồi tay tôi giữ ghì chặt cổ ba, chân cấu lấy người ba, quyết không cho ba đi. Hai ba con tôi cũng khóc. Mãi sau, mọi người dỗ dành mãi, tôi mới cho ba đi. Tôi đâu ngờ rằng, lần gặp đó cũng là lần gặp cuối cùng của tôi với ba. Dù đi xa nhưng những kí ức về ba và chiếc lược ngà sẽ đi theo tôi đến suốt cuộc đời.
Bài trước: Người kể trong văn bản tự sự - trang 193 SGK Ngữ văn 9 Bài tiếp: Kiểm tra thơ và truyện hiện đại - trang 203 SGK Ngữ văn 9