Thúy Kiều báo ân báo oán (Trích Truyện Kiều) - trang 108 SGK Ngữ văn 9
1. Câu 1, tr. 108, SGK
Hướng dẫn giải:
- Qua lời Kiều nói với Thúc Sinh em thấy Kiều là người: rất trọng tấm lòng và sự giúp đỡ mà Thúc Sinh dành cho nàng trong cơn hoạn nạn, cứu nàng ra khỏi kiếp lầu xanh
- Trong những lời nói với Thúc Sinh có đoạn nói về Hoạn Thư, vì Hoạn Thư đã gây ra cho Kiều một vết thương lòng đến giờ vẫn quá xót xa
- Sự khác nhau trong ngôn ngữ của Kiều khi nói với Thúc Sinh và khi nói về Hoạn Thư:
+ Khi nói với Thúc Sinh: Kiều sử dụng nhiều từ Hán Việt: nghĩa, tòng, phụ, cố nhân,... kết hợp với điển cố Sâm Thương. Cách nói trang trọng phù hợp với chàng thư sinh họ Thúc, đồng thời thể hiện được tấm lòng biết ơn trân trọng của Thúy Kiều.
+ Khi nói về Hoạn Thư: Kiều sử dụng nhiều từ Thuần Việt: quỷ quái tinh ma, kẻ cắp bà già,... cách nói nôm na, binh dị như lời ăn tiếng nói thường ngày của nhân dân
2. Những lời đầu tiên của Kiều nói với Hoạn Thư có giọng điệu như thế nào? Thái độ của Kiều qua những lời ấy? Đối chiếu với những lời Kiều nói với Thúc Sinh về Hoạn Thư ở đoạn trên em thấy có gì giống và khác nhau?
Hướng dẫn giải:
- Giọng điệu trong những lời đầu tiên Kiều nói với Hoạn Thư: giọng điệu đay nghiến dằn ra từng tiếng trong cách xưng hô như hồi còn làm hoa nô cho nhà họ Hoạn vẫn một điều chào thưa, hai điều tiểu thư, trong cách nhấn mạnh lặp lại từ ngữ: dễ có, đời xưa, đời nay, mấy tay, càng cay nghiệt, càng oan trái,...
- Thái độ của Kiều qua những lời nói ấy: mỉa mai, đay nghiến, kiên quyết trừng trị Hoạn Thư theo quan niệm dân gian Hòn đất ném đi hòn chì ném lại
- Sự giống và khác nhau trong lời Kiều nói với Hoạn Thư và nói về Hoạn Thư với Thúc Sinh:
+ Giống nhau: trong sự nhìn nhận về Hoạn Thư trong cách sử dụng ngôn ngữ
+ Khác nhau: một bên là lời đối thoại, xưng hô trực tiếp, một bên là lời nói về Hoạn Thư với một nhân vật khác (Thúc Sinh)
3. Câu 3, tr. 108, SGK
Hướng dẫn giải:
- Lời đối đáp của Hoạn Thư với Thúy Kiều:
+ Hoạn Thư thật xứng với danh tiếng “Bề ngoài thơn thớt nói cười – Mà trong nham hiểm giết người không dao”:
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu
Khấu đầu dưới chiếu, liệu điều kêu ca.
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình…”.
+ Giữa dáng điệu bề ngoài với lời nói bên trong của Hoạn Thư có cái gì đó rất mâu thuẫn. Nếu quả thật đã “hồn lạc phách xiêu”, Hoạn Thư khó có thể biện hộ cho mình một cách khéo léo như vậy. Không những khẳng định “ghen tuông chỉ là thói thường của đàn bà”, Hoạn Thư còn kể đến những việc mà tưởng như mụ đã “làm ơn” cho Thuý Kiều: cho ra nhà gác để viết kinh, khi Thuý Kiều trốn đã không đuổi bắt. Đó là những lí lẽ rất khôn ngoan mà Kiều khó lòng bác bỏ được. Thì ra, vẻ “hồn lạc phách xiêu” chỉ là bộ điệu mà mụ ta tạo ra để đánh vào chỗ yếu của Thuý Kiều.
- Những lời đối đáp ấy cho thấy Hoạn Thư là người khôn ngoan, giảo hoạt, "sâu sắc nước đời", không những làm "chàng Thúc phải ra người bó tay" mà chính Kiều cũng ở vào hoàn cảnh khó xử: "Thả ra thì cùng may đời- Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen"
4. Vì sao Thúy Kiều tha bổng Hoạn Thư? Việc làm ấy của Kiều có hợp lí không, là đáng cảm phục hay đáng trách? Qua sự việc này em thấy thêm điều gì ở nhân vật Thúy Kiều?
Hướng dẫn giải:
- Thúy Kiều tha bổng cho Hoạn Thư vì nàng đã bị những lời lẽ của mụ ta thuyết phục
- Nhưng quan trọng hơn cả bởi Kiều là một ngườicó tấm lòng vị tha bao dung nên đã tha cho Hoạn Thư
- Đó là điều hợp lí bởi Kiều là người luôn vị tha, thật đáng cảm phục nhân cách cao đẹp của Kiều
5. Em cảm nhận như thế nào về nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích này?
Hướng dẫn giải:
Cảm nhận của em về nhân vật Thúy Kiều:
- Đoạn thơ đã khắc họa nhân vật Thúy Kiều với nhiều nét đẹp về tâm hồn tích cách và ở cả vị thế của người đại diện cho công lí chính nghĩa
- Kiều là người trọng tình trọng nghĩa, giàu lòng vị tha, thấu hiểu tâm lí con người, xét xử nghiêm minh
6. Qua các đoạn trích Truyện Kiều mà em đã học em hình dung và cảm nhận như thế nào về nhân vật Thúy Kiều?
Hướng dẫn giải:
- Qua các đoạn trích đã học em thấy Thúy Kiều trước hết là một con người tài sắc vẹn toàn, mười phân vẹn mười, vô tiền khoáng hậu
- Kiều còn mang trong mình một tâm hồn cao đẹp: luôn hi sinh, bao dung, tha thứ, trọng tình trọng nghĩa,....
- Thế nhưng hồng nhan bạc mệnh, chữ tài chữ mệnh ghét nhau đã đẩy Kiều và số phận bi kịch phải hứng chịu bao cay đắng khổ đau, tủi nhục của đời người: phải bán mình, làm gái lầu xanh, làm lẽ, bị đày đọa như nô lệ,...
Bài trước: Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự - trang 105 SGK Ngữ văn 9 Bài tiếp: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga - trang 115 SGK Ngữ văn 9