Lục Vân Tiên gặp nạn (Trích Truyện Lục Vân Tiên) - trang 118 SGK Ngữ văn 9
1. Qua sự việc Lục Vân Tiên gặp nạn, đoạn thơ đã làm nổi bật sự đối lập của những lực lượng nào và đại diện cho mỗi phía là những nhân vật nào? Thái độ của tác giả ra sao khi thể hiện sự đối lập ấy?
Hướng dẫn giải:
Qua sự việc Lục Vân Tiên gặp nạn, đoạn thơ đã làm nổi bật sự đối lập giữa:
+ Cái thiện: Vân Tiên, ông Ngư, giao long dưới sông
+ Cái ác: Trịnh Hâm
=> Qua đó tác giả thể hiện thái độ lên án cái ác đồng thời thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp, cái thiện ở đời.
2. Việc hãm hại Vân Tiên đã được Trịnh Hâm sắp đặt và hành động như thế nào? Vì sao Trịnh Hâm quyết định hại Vân Tiên? Hành động ấy đã thể hiện bản chất gì ở nhân vật Trịnh Hâm?
Hướng dẫn giải:
- Việc hãm hại Vân Tiên được Trịnh Hâm sắp đặt và hành động khá kĩ lưỡng, chặt chẽ. Cụ thể như sau:
+ Thời gian gây tội ác: giữa đêm khuya, khi mọi người đã yên ngủ trên thuyền.
+ Không gian: giữa khoảng trời nước mênh mông (giữa vời “mịt mờ sương bay).
+ Người bị xô ngã xuống “vời” thì bất ngờ không kêu lên một tiếng. Đến lúc biết không ai còn có thể cứu được Vân hắn mới “giả tiếng kêu trời”, la lối um sùm lên, rồi "lấy lời phôi pha” kể bịa đặt để che lấp tội ác của mình. Kẻ tội phạm, nhờ gian ngoa xảo quyệt đã phủi sạch tay, không mảy may cắn rứt lương tâm.
- Trịnh Hâm quyết hãm hại Vân Tiên vì ganh ghét, đố kị tài năng của Vân Tiên
- Hành động ấy đã thể hiện bản chất độc ác, bất nhân, bất nghĩa của Trịnh Hâm
3. Phân tích ý nghĩa của chi tiết giao long cứu Vân Tiên đưa vào bãi sông:
Hướng dẫn giải:
- Chi tiết giao long cứu Vân Tiên đưa vào bãi sông được tác giả thêm vào tạo nên màu sắc huyền hoại cho truyện thơ: trời đất cũng không thể phụ một con người tốt đẹp như Vân Tiên nên đã để giao long – một loài thủy quái đến cứu Vân Tiên, cái thiện mà Vân Tiên đại diện đã cảm hóa được loài thủy quái vốn đại diện cho cái ác.
- Chi tiết ấy cũng làm nổi bật một sự thật cay đắng ở đời: đôi khi con người ta còn ác hơn cả loài lang sói.
4. Phân tích hai câu thơ: Hối con vầy lửa.... mụ hơ mặt mày để làm rõ tấm lòng nhân từ của ông Ngư và gia đình.
Hướng dẫn giải:
- Mặc dù không quen biết nhưng khi Vân Tiên gặp nạn thì cả một gia đình ông Ngư xúm vào cứu chữa, sẵn sóc:
+ Con thì "vầy lửa", đốt lửa lên, sưởi ấm người chết đuối
+ Hai vợ chồng, người thì "hơ bụng dạ” người thì "hơ mặt mày" cho Vân Tiên:
- "Hối" nghĩa là hối hả, giục giã, cách nói biểu cảm dân dã của người nông dân Nam Bộ. Trong văn cảnh, nó thể hiện sự lo lắng cho tính mệnh người bị nạn, biểu lộ tình thương người bao la của ông Ngư.
→ Việc cứu người của gia đình Ngư ông như một lẽ tự nhiên, không chút đắn đo tính toán, điều đó cho thấy lòng nhân từ thương người như thể thương thân đã là bản chất tự nhiên trong những con người ấy
5. Qua những lời của ông Ngư em cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp trong quan niệm và cách sống của nhân vật này? Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm điều gì ở nhân vật ông Ngư?
Hướng dẫn giải:
- Qua những lời nói của ông Ngư, em thất vẻ đẹp trong quan niệm và cách sống của nhân vật ông Ngư đó là:
+ Ông Ngư mang trong mình tình nhân ái mênh mông, coi trọng tình người, cả đời phấn đấu cho lí tưởng nhân nghĩa cao cả:
Ngư rằng: “Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn.
Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây".
+ Ở ông Ngư còn chứa đựng một tâm hồn thanh cao. Ông đã chan hòa, gắn bó với thiên nhiên. Sông dài biển rộng, trời cao là môi trường thảnh thơi, vui thú của ông. Suốt đêm ngày, năm tháng, ông đã lấy doi, vịnh, chích, đầm, lấy bầu trời, lấy Hàn Giang làm nơi vẫy vùng, tìm nguồn vui sống. Ông đã lấy gió và trăng, con thuyền và dòng sông làm bầu bạn. Ông đã lấy công việc chài lưới để sống cuộc đời thanh bạch. Ông Ngư là một con người tự do, thoát vòng danh lợi, thích nhàn. Câu thơ vang lên như một tuyên ngôn đẹp về lẽ sống của một nhà nho, một kẻ sĩ chân chính đang sống giữa thời loạn lạc:
Rày doi, mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió đêm nầy chơi trăng.
(... ) Thuyền nan một chiếc ở đời,
Tắm mưa chải gió trong vời Hàn Giang.
- Những điều tác giả đã gửi gắm vào nhân vật ông Ngư: quan niệm và khát vọng về một cuộc sống đẹp, về niềm tin ở cái thiện vẫn tồn tại bền vững nơi những con người lao động bình dị trong dân gian
Bài trước: Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự - trang 117 SGK Ngữ văn 9 Bài tiếp: Chương trình địa phương (phần văn) - trang 22 SGK Ngữ văn 9