Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều) - trang 83 SGK Ngữ văn 9
1. Câu 1, tr. 83, SGK
Hướng dẫn giải:
- Kết cấu đoạn thơ:
+ Bốn câu đầu: Giới thiệu khái quát hai chị em Thúy Kiều
+ Bốn câu tiếp: gợi tả vẻ đẹp của Thúy Vân
+ Còn lại: gợi tả vẻ đẹp của Thúy Kiều
- Trình tự miêu tả nhân vật
+ Bốn câu đầu khái quát vẻ đẹp chung và riêng của từng người.
+ Bốn câu tiếp khắc họa rõ hơn vẻ đẹp Thúy Vân từ khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da,... đều cho thấy vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của nàng.
+ Mười hai câu tiếp khắc họa vẻ đẹp Thúy Kiều với cả sắc và tài. Đó là vẻ đẹp toàn diện, nghiêng nước nghiêng thành..
+ Bốn câu cuối khái quát cuộc sống phong lưu, nền nếp, đức hạnh của chị em Kiều
→ Trình tự miêu tả như trên vừa chặt chẽ, vừa hợp lí, vừa góp phần làm nổi bật vẻ đẹp chung và riêng của hai chị em Thúy Kiều.
2. Câu 2, tr. 83, SGK
Hướng dẫn giải:
- Những hình ảnh ước lệ miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân: khuôn trăng (khuôn mặt), nét ngài (đôi mày), hoa cười (nụ cười), ngọc thốt đoan trang (giọng nói trong trẻ thoát ra từ hàm răng ngọc ngà), mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
- Cảm nhận vẻ đẹp của Thúy Vân: đó là vẻ đẹp cao sang quý phái, hiền thục, phúc hậu
3. Câu 3, tr. 83, SGK
Hướng dẫn giải:
- Điểm giống nhau: vẫn gợi tả bằng các hình ảnh mang tính ước lệ: thu thuỷ, xuân sơn, hoa, liễu, nét vẽ của thi nhân thiên về gợi
- Điểm khác nhau: qua những hình ảnh đậm màu sắc tượng trưng, ước lệ, tác giả đã tạo được ấn tượng về một vẻ đẹp của giai nhân tuyệt thế sắc sảo về trí tuệ và mặn mà về tâm hồn, đặc biệt là việc gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt: “làn thu thuỷ”; đôi mắt trong sáng như nước mùa thu, gợi vẻ lanh lợi, sắc sảo hơn người
4. Câu 4, tr. 83, SGK
Hướng dẫn giải:
- Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, nhan sắc, tác giả còn nhấn mạnh vẻ đẹp tài năng, tâm hồn của Kiều. Ở Kiều hội tụ đầy đủ mọi tài năng theo quan niệm của tư tưởng phong kiến: cầm – kì – thi – hoạ.
- Trong đó, tác giả đặc biệt nhấn mạnh tài đánh đàn của Kiều (Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương) và gợi tả về tính cách đa sầu, đa cảm của Kiều qua khúc nhạc nàng tự sáng tác một thiên “bạc mệnh”.
- Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp cả sắc- tài- tình, Kiều mang vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành
5. Câu 5, tr. 83, SGK
Hướng dẫn giải:
- Những nét riêng về tài và sắc của Thuý Kiều và Thúy Vân còn gợi ra những dự cảm về số phận, chỉ khác là những nét riêng về tài sắc của Kiều lại gợi ra cái nghiệt ngã, éo le của số phận (theo quan niệm “tài mệnh tương đố” của tư tưởng trung đại). Cho nên, nói: Sắc đẹp của Thuý Vân Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da, còn sắc đẹp của Thuý Kiều Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh là sự dự báo số phận của hai người là có cơ sở.
+ Với ngôn từ miêu tả Thúy Vân cho thấy vẻ đẹp hiền lành, phúc hậu nàng sẽ có cuộc đời bình yên, suôn sẻ. Khi tả nàng Nguyễn Du rất tinh tế khi dùng chữ "nhường" "thua" trước vẻ đẹp của làn da, mái tóc.
+ Còn với Thúy Kiều, ngôn ngữ ông miêu tả "sắc sảo mặn mà", với sắc đẹp đó hoa phải "ghen", liễu phải "hờn", vẻ đẹp của nàng còn hơn cả thiên nhiên tạo vật. Bởi vậy dự báo cuộc sống đầy trắc trở, số phận éo le, bất hạnh.
Bài trước: Truyện Kiều của Nguyễn Du - trang 80 SGK Ngữ văn 9 Bài tiếp: Cảnh ngày xuân (Trích Truyện Kiều) - trang 86 SGK Ngữ văn 9