Trang chủ > Lớp 10 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 10 > Tấm cám - Sách giáo khoa Ngữ Văn 10

Tấm cám - Sách giáo khoa Ngữ Văn 10

I. Đôi nét về tác phẩm Tấm Cám

1. Hoàn cảnh ra đời

Truyện Tấm Cám thuộc thể loại cổ tích thần kì. Mô-típ truyện Tấm Cám phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

2. Bố cục (3 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến “Tấm bước lên kiệu trước con mắt kinh ngạc và hằn học của mẹ con Cám”): Thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm

- Phần 2 (tiếp đó đến “truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung”): Con đường đấu tranh và gìn giữ hạnh phúc của Tấm

- Phần 3 (còn lại): Hành động báo oán của Tấm

3. Tóm tắt

Tấm là cô gái hiền lành, siêng năng, cha mẹ mất sớm, phải sống với hai mẹ con dì ghẻ. Tấm bị Cám, con gái của mẹ ghẻ lừa lấy hết giỏ tép. Bụt hiện lên cho Tấm cá bống làm bạn, nhưng mẹ con Cám cũng lừa Tấm ăn thịt mất Bống. Bụt giúp Tấm tìm và chôn xương bống. Đến ngày hội, mẹ con Cám bắt Tấm nhặt thóc gạo, không cho đi dự. Bụt hiện lên giúp đỡ và chỉ cho Tấm cách có y phục đẹp để đi dự hội. Tấm làm rơi chiếc giày, vua nhặt được và nhờ đó Tấm được chọn làm hoàng hậu. Đến ngày giỗ cha, Tấm về trèo cây hái cau, liền bị mẹ ghẻ chặt cây, Tấm ngã xuống ao chết đuối, biến thành chim vàng anh. Tấm chết, Cám thế chân chị trong cung vua. Thấy chim vàng anh quấn qu‎ýt bên vua, Cám giết thịt, lông chim lại biến thành cây xoan đào che mát cho vua. Cám liền chặt xoan đào, đóng khung cửi, bị khung cửi mắng, liền đốt khung, vứt tro ven đường. Từ đống tro tàn, mọc lên một cây thị, thị chín, rơi vào bị của bà lão hàng nước. Ngày ngày, tấm chui ra từ quả thị, giúp bà hàng nước dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm nước. Bà cụ vứt vỏ thị, Tấm trở lại làm người sống cùng bà lão. Nhà vua đi qua, nghỉ chân tại hàng nước, nhận ra miếng trầu têm cánh phượng do Tấm làm. Tấm được đón về cung làm hoàng hậu. Cám bị Tấm trừng trị, mẹ ghẻ cũng lăn ra chết theo con. Tấm sống cuộc sống hạnh phúc suốt đời.

4. Giá trị nội dung

Sự biến hóa của Tấm cho thấy sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là chính là sức mạnh của cái thiện luôn chiến thắng cái ác qua cuộc đấu tranh không nhân nhượng đến cùng. Chiến thắng ấy diễn tả niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, tinh thần lạc quan và mong ước về một xã hội công bằng.

5. Giá trị nghệ thuật

- Cốt truyện li kì, lôi cuốn với những mâu thuẫn, xung đột diễn ra ngày càng quyết liệt.

- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập.

- Sử dụng các yếu tố, chi tiết tưởng tượng kì ảo

II. Dàn ý phân tích Tấm Cám

I. Mở bài

- Giới thiệu chung về thể loại truyện cổ tích và đặc trưng của truyện cổ tích thần kì.

- Giới thiệu khái quát về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám: Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì. Truyện kể về thân phận, con đường đi đến, đấu tranh và gìn giữ hạnh phúc của Tấm, qua đó diễn tả niềm tin của nhân dân vào chiến thắng của cái thiện với cái ác và mong ước về xã hội xã hội công bằng.

II. Thân bài

1. Thân phận và con đường đi đến hạnh phúc của Tấm

a) Thân phận của Tấm

- Số phận của Tấm:

+ Mẹ chết khi Tấm còn nhỏ

+ Bố chết, Tấm sống với mẹ ghẻ - là mẹ đẻ của Cám

+ Tấm phải làm việc quần quật sớm hôm

→ Cảnh ngộ đáng thương, mồ côi, đơn chiếc. Đồng thời, Tấm cũng là cô gái hiền dịu và luôn khát khao được tự do, hạnh phúc.

- Bản chất của mẫu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám

+ Mâu thuẫn gia đình: mâu thuẫn giữa Tấm và Cám, mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ ghẻ

→ Trong hai mâu thuẫn trên, mâu thuẫn giữa Tấm với Cám là mâu thuẫn chính xuyên suốt toàn bộ câu truyện, liên tiếp và ngày càng gay gắt. Còn mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ ghẻ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung.

+ Mâu thuẫn xã hội: Tấm là hiện thân của cái thiện, hiền lành, lương thiện. Còn mẹ con Cám là hiện thân của cái ác, cái xấu. Do đó, mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con Cám xét cho cùng cũng là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái ác.

b) Con đường đến với hạnh phúc của Tấm

- Đi bắt tép: Tấm siêng năng xúc đầy giỏ, Cám mải chơi, lừa Tấm trút hết giỏ cá và nhận phần thưởng. Tấm khóc, Bụt hiện lên và cho Tấm cá bống.

- Mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở đồng xa rồi giết cá bống để ăn thịt. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ đem chôn ở bốn chân giường.

- Ngày đi trẩy hội, mẹ ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chhim sẻ xuống nhặt giúp Tấm.

- Tấm không có áo quần đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm áo quần, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đánh rơi chiếc hài, đến gặp vua và may mắn trở thành hoàng hậu.

→ Mâu thuẫn chính xoay quanh việc hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám chiếm đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng lẫn niềm vui tinh thần. Tấm luôn ở thế bị động, không tự giải quyết được mâu thuẫn mà phải nhờ vào Bụt.

⇒ Tấm nhờ siêng năng, lương thiện mà luôn được Bụt trợ giúp, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu. Con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm dù trải qua nhiều khó khăn, trắc trở nhưng cuối cùng, Tấm cũng tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Đó cũng là con đường đi tìm hạnh phúc của các nhân vật lương thiện trong truyện cổ tích Việt Nam nói chung, truyện cổ tích thế giới nói riêng.

2. Con đường đấu tranh giành lại hạnh phúc của Tấm

- Ngày giỗ bố, Tấm về nhà trèo lên cây hái cau, mẹ ghẻ liền chặt gốc cây, Tấm ngã chết hóa thành chim vàng anh. Cám được đưa vào cung thế chỗ cho Tấm.

- Chim vàng anh bay vào cung, báo hiệu sự có mặt của mình bằng lời cảnh cáo đanh thép dành cho cám: “Giặt áo chồng tao/ thì giặt cho sạch/ phơi áo chồng tao/ phơi lao phơi sào/ chớ phơi bờ rào/ rách áo chồng tao”, hai mẹ con Cám giết chim vàng anh, làm thịt.

- Tấm tiếp tục hóa thân thành cây xoan đào trực tiếp tuyên chiến với hai mẹ con Cám: “Kẽo cà kẽo kẹt/ lấy tranh chồng chị/ chị khoét mắt ra”. Hai mẹ con Cám đốt khung cửi.

- Từ đống tro tàn, Tấm tiếp tục hóa thân vào quả thị và trở lại với cuộc đời.

- Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó có cơ hội gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám bàng hoàng và chết một cách thảm khốc

→ Mâu thuẫn xung đột ngày càng gay gắt, dữ dội. Tấm chuyển sang thế chủ động, đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ. Tấm không còn khóc, không còn Bụt trợ giúp, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự đấu tranh không nhân nhượng, sức sống mãnh liệt chẳng thể tiêu diệt của cái thiện.

⇒ Tấm từ một cô gái nhu mì, bị động ngày càng trở nên chủ động đấu tranh quyết liệt để giữ hạnh phúc của mình. Chiến thắng của Tấm cũng là chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.

3. Hành động báo thù của Tấm

- Tấm trở về cung, trở lại làm hoàng hậu, ngày càng trở nên xinh đẹp

- Cám muốn được xinh đẹp như chị, nên nhờ Tấm chỉ cách cho, Tấm bảo Cám xuống hố sâu rồi dội nước sôi vào hố. Mụ gì ghẻ thấy vậy cũng lăn quay ra chết.

⇒ Hành động báo thù của Tấm là đích đáng, thích hợp với quá trình đấu tranh của Tấm, vì mẹ con cám năm lần bảy lượt hại Tấm hòng tiêu diệt Tấm đến cùng, không cho Tấm con đường sống. Tấm phải báo thù thì mới có thể tồn tại. Mặt khác, hành động báo thù này của Tấm phù hợp với nguyện vọng của nhân dân về sự chiến thắng cuối cùng của cái thiện với cái ác bởi mâu thuẫn của Tấm và mẹ con Cám không còn là mâu thuẫn gia đình mà là mâu thuẫn xã hội, là mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa người bóc lột và người bị bóc lột. Tấm báo thù là để đòi lại quyền sống, quyền làm người.

4. Nghệ thuật

- Cốt truyện li kì, lôi cuốn với những mâu thuẫn, xung đột diễn ra ngày càng gay gắt.

- Xây dựng hai tuyến nhân vật đối chọi.

- Sử dụng các yếu tố, chi tiết tưởng tượng kì ảo

III. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám

- Mở rộng vấn đề: Tấm Cám nằm trong mô-típ chuyện dân gian quen thuộc, phổ biến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, song Tấm Cám là câu chuyện đậm chất Việt Nam.