Trang chủ > Lớp 10 > Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 10 > Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa - Sách giáo khoa Ngữ Văn 10

Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa - Sách giáo khoa Ngữ Văn 10

I. Đôi nét về tác phẩm Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa

1. Giá trị nội dung

- Chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa đã diễn tả nỗi niềm đau xót, đắng cay và tình cảm yêu thương, chung thủy của những người lao động bình thường trong xã hội cũ. Qua đó giúp tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong các câu ca.

- Lên án, tố cáo, phê phán các thế lực phong kiến đã giày xéo lên quyền sống, quyền hạnh phúc, yêu thương và hạnh phúc đôi lứa của con người.

2. Giá trị nghệ thuật

- Sự lặp lại cách mở đầu bài ca: Thân em như…

- Những hình ảnh mang tính biểu tượng trong ca dao: cái cầu, tấm khăn, ngọn đèn, gừng cay – muối mặn, …

- Các hình ảnh so sánh, ẩn dụ (được lấy từ trong cuộc sống đời thường: tấm lụa đào, củ ấu gai, …; lấy từ thiên nhiên, vũ trụ: mặt trời, trăng, sao)

- Thể thơ lục bát; thể văn bốn, song thất lục bát (biến thể); thể hỗn hợp

- Ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân

II. Dàn ý phân tích Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về thể loại ca dao: Ca dao là loại thơ trữ tình dân gian, thường được kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng, được sáng tác với mục đích diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước, …

- Giới thiệu khát quát về chùm ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa: Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa là chùm ca dao chiếm một số lượng lớn trong kho tàng ca dao Việt Nam, đó là tiếng hát than thân, là những lời ca yêu thương, tình nghĩa cất lên từ cuộc đời còn nhiều chua xót, đắng cay nhưng đằm thắm nghĩa tình của những người dân lao động bình thường Việt Nam sau lũy tre xanh, bên giếng nước, gốc đa, sân đình…

II. Thân bài

1. Ca dao than thân

a) Bài 1

- “Thân em”: cách mở đầu thân thuộc trong lời than thân của người phụ nữ. Nó gợi lên âm điệu xót xa, bùi ngùi. “Thân em” ở đây không phải để chỉ một người phụ nữ cụ thể nào mà là tiếng nói chung của của người thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ - hình ảnh tấm lụa đào: Hình ảnh tấm lụa đào gợi lên một vẻ đẹp dịu dàng, thướt tha, đầy nữ tính

→ Người phụ nữ tự ý thức được về diện mạo, tuổi xuân cũng như giá trị của bản thân mình.

- Cách dùng các từ ngữ:

+ Từ láy “phất phơ" gợi cảm giác chông chênh, vô định trong số mệnh, cuộc đời của người phụ nữ.

+ “Biết vào tay ai”: gợi cảm giác chơi vơi, cay đắng của thân phận không có quyền chọn lựa và quyết định tương lai, hạnh phúc của bản thân mình.

⇒ Bài ca dao là lời than thân của người phụ nữ có thân phận bị phụ thuộc, bấp bênh, vô định, chẳng thể tự quyết định tương lai và hạnh phúc của chính mình. Qua đó cũng lên án, phê phán xã hội phong kiến đã giày xéo lên quyền tự do, hạnh phúc của con người và lên tiếng ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ.

b) Bài 2

- Mô-típ mở đầu thân thuộc, thường thấy trong những ca dao “thân em”: người phụ nữ cất lên lời tự than cho số mệnh của mình.

- Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ - hình ảnh “củ ấu gai”:

+ Mô tả trung thực, chi tiết về củ ấu gai: ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

+ Qua hình ảnh cụ ấu gai, tác giả gợi hình dung tới hình ảnh của người phụ nữ, với vẻ bên ngoài vất vả, lam lũ, lấm lem nhưng bên trong họ chứa đầy vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất.

→ Người phụ nữ tự ý thức được vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất trong trắng của mình,.

- Hai câu cuối là lời mời gọi da diết của cô gái. Ẩn sau lời mời chàng trai nếm thử củ ấu gai chính là khao khát của con người mong muốn được khẳng định giá trị và vẻ đẹp của mình.

⇒ Bài ca là lời tâm tình bùi ngùi, chua xót của người phụ nữ. Đồng thời cũng là lời ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội xưa.

c) Bài 3

- Mô-típ mở đầu “trèo lên” thân thuộc trong ca dao. Song với cách nói “trèo lên cây khế nửa ngày” là một cách nói đặc biệt, bất thường. Qua đó, diễn tả tâm trạng thất thần, vẩn vơ, chẳng thể tập trung vào bất cứ việc gì của chàng trai mắc bệnh “tương tư”.

- Sử dụng câu hỏi tu từ “Ai làm chua xót lòng này khế ơi”: Câu hỏi tu từ cũng chính là lời thổ lộ của chàng trai. Đại từ “ai” là đại từ phiếm chỉ, hàm ý nhắc tới những thứ đã chia rẽ tình duyên của chàng. Câu hỏi tu từ diễn tả nỗi lòng bùi ngùi, đau xót của chàng trai khi bị chia cắt tình duyên.

- Sử dụng các cặp hình ảnh đối lập: sao Hôm – sao Mai, mặt trăng – mặt trời

→ Sự xa xôi, cách trở trong tình yêu

→ Mặc dù lỡ duyên, nhưng tình nghĩa vẫn thuỷ chung vững bền. Cái tình ấy được thể hiện bằng những hình ảnh so sánh ẩn dụ (mặt trặng, mặt trời, sao Hôm, sao Mai).Điểm đặc biệt của những hình ảnh nghệ thuật này là tính vững bền, không bao giờ đổi thay trong quy luật hoạt động của nó. Lấy cái bất biến của vũ trụ, của thiên nhiên để khẳng định tấm lòng thuỷ chung son sắt của con người chính là chủ ý của tác giả dân gian.

- Hai câu cuối như là lời giãi bày trực tiếp của chàng trai:

+ “Ta” và “Mình” diễn tả sự thân gần gũi, gắn bó giữa hai người, cho thấy sự thân thiết.

+ Hình ảnh so sánh, ẩn dụ “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”: Sao Vượt là tên gọi cổ của sao Hôm. Nó thường mọc sớm vào buổi chiều, lên đến đỉnh của bầu trời thì trăng mới lên. Bởi thế câu thơ cuối "Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời" giống như là một lời khẳng định về tình nghĩa thuỷ chung son sắt và ý chí quyết tâm vượt qua những rào cản của tình yêu. Câu thơ cũng là một lời nhắn nhủ với bạn tình, đồng thời thể hiện một khát khao mong cho tình yêu có thể cập đến bền bờ hạnh phúc.

⇒ Bài ca dao diễn tả sự đồng cảm đối với những xúc cảm, nỗi niềm tâm sự của chàng trai. Đồng thời, diễn tả sự trân trọng, ngợi ca những phẩm chất đáng quý ở chàng trai: thủy chung, son sắt.

2. Ca dao yêu thương, tình nghĩa

a) Bài 4

- 10 câu đầu: Cách diễn đạt gián tiếp những cung bậc cảm xúc khác nhau

+ Nghệ thuật điệp cấu trúc nghi vấn “khăn thương nhớ ai”

→ Giúp nhấn mạnh, tô đậm nỗi mong nhớ khôn nguôi, không ngừng không nghỉ và là lời tự vấn của nhân vật trữ tình

+ Hình ảnh “khăn”

• Là tín vật trao duyên, tri kỉ, gợi kỉ niệm thương nhớ. Chiếc khăn là vật dụng gắn bó với người con gái, cùng sẻ chia với họ bao nỗi niềm

• Nghệ thuật đảo thanh và sử dụng hình ảnh vận động đảo ngược, trái chiều của chiếc khăn: rơi xuống, vắt lên

→ Thể hiện tâm trạng ngổn ngang, rối ren của chủ thể trữ tình, nỗi nhớ như bao trùm, phủ kín, lan toả khắp không gian.

• Hình ảnh “khăn chùi nước mắt”: là cảnh khóc thầm, khổ đau đáng thương của biết bao cô gái.

⇒ Mượn hình ảnh chiếc khăn, tác giả dân gian đã diễn tả nỗi nhung nhớ khôn nguôi, bâng khuâng, da diết, mang đậm màu sắc nứ tính của cô gái.

+ Hình ảnh “đèn”

• Nỗi nhớ được đo theo nhịp thời gian, nhớ từ sáng đến khuya, nỗi nhớ kéo dài miên man.

• Hình ảnh “đèn không tắt”: thể hiện hình ảnh người trằn trọc thâu đêm với nỗi nhớ đằng đẵng với thời gian.

+ Hình ảnh “mắt”

• Cô gái tự chất vấn chính mình với nỗi ưu tư trĩu nặng: “Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên”

• “Mắt ngủ không yên”: Thể hiện hình ảnh con người thao thức, trằn trọc, lo âu, bất an trong đêm.

→ Mười câu thơ đầu sử dụng nghệ thuật điệp và các hình ảnh so sánh, nhân hóa, ẩn dụ đã thành công trong việc khắc họa những cung bậc nhớ thương của cô gái khi yêu.

- Hai câu cuối: Cách diễn đạt trực tiếp những xúc cảm.

+ Đại từ nhân xưng “em” cho thấy chủ thể trữ tình đang trực tiếp bộc lộ những xúc cảm của mình.

+ “Không yên một bề”: nỗi bất an, lo âu trong lòng cô gái

→ Hai câu cuối trào lên một nỗi lo âu, bất an cho hạnh phúc đôi lứa. Hạnh phúc ấy thường mong manh bởi lẽ trong xã hội phong kiến, tình yêu sâu sắc không chắc rằng sẽ đến được hôn nhân.

⇒ Bài ca là khúc hát đầy yêu thương diễn tả qua nỗi nhớ tràn ngập tình người, qua đó cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của các cô gái Việt Nam. Đồng thời lên án, phê phán, tố cáo xã hội phong kiến không đem lại hạnh phúc cho con người với quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

b) Bài 5

- Hình ảnh “sông: gợi lên không gian xa vắng, là khoảng không ngăn cách tình yêu, hạnh phúc lứa đôi.

- “Sông rộng một gang”: Cách nói phóng đại, tưởng như vô lí nhưng lại hợp lí trong tình yêu.

→ Nguyện ước táo bạo, diễn tả tình yêu mãnh liệt trong lòng cô gái.

- Hình ảnh “cầu dải yếm”:

+ “Cầu” là khoảng không gian tạo sự gần gũi, thân thuộc là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các chàng trai, cô gái

+ “Cầu dải yếm” là chiếc cầu do chính cô gái bắc cho người mình yêu, mềm mại, uyển chuyển.

→ Sự chủ động, táo bạo nhưng cũng rất tế nhị, duyên dáng, kín đáo của cô gái

⇒ Bài ca dao diễn tả sự đồng tình, ủng hộ với những khát khao tình yêu mãnh liệt, táo bạo của người phụ nữa. Qua đó ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữa, chủ động, táo bạo trong tình yêu nhưng vẫn không kém phần duyên dáng, tế nhị.

c) Bài 6

- Hai câu đầu:

+ Hình ảnh “gừng cay” – “muối mặn”

• Muối, gừng là những gia vị hết sức quen thuộc trong bữa ăn của gia đình Việt, nó còn là vị thuốc chữa bệnh, là hương vị của tình người.

• Biểu trưng cho tình nghĩa, sự gắn bó chung thủy của con người.

+ Từ ngữ chỉ khoảng thời gian dài, mang tính ước lệ: ba năm, chín tháng

→ Hai câu đầu, mượn hình anh của gừng và muối, tác giả dân gian muốn diễn tả sự thủy chung, gắn bó trong tình nghĩa vợ chồng. Đồng thời, những hình ảnh đó còn diễn tả những khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà vợ chồng đã cùng nhau trải qua.

- Hai câu kết:

+ Đại từ xưng hô: “đôi ta” dùng để chỉ đôi lứa yêu nhau hoặc vợ chồng.

+ Thành ngữ “nghĩa nặng tình dày”: thể hiện sự thủy chung son sắt, nghĩa tình sâu nặng của vợ chồng.

+ “Ba vạn sáu ngàn ngày” ý nói cả một đời người. Nhấn mạnh tình yêu, sự thủy chung của hai người, chỉ có cái chết mới có thể khiến họ chia cách, rời xa nhau.

⇒ Bài ca dao đã diễn tả nghĩa tình thủy chung, gắn bó vững bền của tình cảm vợ chồng khi đã cùng nhau trải qua những đắng cay, khó khăn, vất vả của cuộc đời.

III. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của ca dao nói chung và ca dao than thân, yêu thương tình nghãi nói riêng.

- Thái độ và tình cảm của bản thân: Ca dao mang nét đẹp văn hóa, tinh thần của con người, đất nước Việt Nam. Qua những câu ca dao làm chúng ta thêm yêu mến, thêm trân quý những giá trị văn hóa từ ngàn đời nay của dân tộc.