Trang chủ
> Lớp 9
> Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án)
> Đề thi Ngữ văn lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 3) - Ngữ Văn lớp 9
Đề thi Ngữ văn lớp 9 Học kì 2 (có đáp án - Đề 3) - Ngữ Văn lớp 9
Đề thi Học kì 2
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 3)
I. Trắc nghiệm (3 điểm)
1. Thành phần biệt lập có trong câu: “Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi.” là:
a. Thành phần tình thái
b. Thành phần cảm thán
c. Thành phần phụ chú
d. Thành phần gọi đáp
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi 2,3:
“ .. Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng chốc nữa sẽ nổ..”
(Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD)
2. Đoạn văn trên được trích ra từ tác phẩm nào?
a. Bến quê
b. Những ngôi sao xa xôi
c. Rô – bin – sơn ngoài đảo hoang
d. Con chó Bấc
3. Câu văn: “Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ.” được sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
a. Nhân hóa b. So sánh c. Ẩn dụ d. Hoán dụ
4. Nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương là:
a. Từ ngữ, hình ảnh mộc mạc, giàu sức gợi cảm
b. Giọng điệu trầm lắng, suy tư
c. Đối thoại xen lẫn với độc thoại nội tâm
d. Hình ảnh phong phú, từ ngữ trau chuốt
5. Đâu không phải là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng trong truyện ngắn Bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu?
a. Bãi bồi bên kia sông
b. Bông bằng lăng nở cuối mùa
c. Anh con trai sa vào xem đám chơi phá cờ thế
d. Đám trẻ con giúp Nhĩ dịch chuyển ra mép tấm phản
6. Câu thơ: “Dù ở gần con/ Dù ở xa con” sử dụng phương thức liên kết nào?
a. Phép lặp b. Phép thế c. Phép nối d. Phép liên tưởng
II. Tự luận (7 điểm)
1. Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. (5đ)
2. Xác định các phép liên kết được sử dụng trong các câu sau (2đ):
a. Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối bao trùm lấy hai con mắt. (Kim Lân)
b. Khu vườn nhà Lan không rộng lắm. Nó chỉ bằng một cái sân nhỏ nhưng có bao nhiêu là cây.
Đáp án và thang điểm
I. Phần trắc nghiệm
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
a | b | b | a | d | a |
II. Phần tự luận
1. Học sinh viết bài văn nêu cảm nhận về nhân vật Phương Định, về cơ bản cần nêu ra được những nội dung sau:
Phương Định Là nhân vật chính trong truyện, một nữ thanh niên xung phong mang vẻ đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. (0.25đ)
- Hoàn cảnh và công việc của Phương Định:
+ Là một cô thanh niên xung phong sống trên cao điểm giữa khói bụi của Trường Sơn và bom đạn hủy diệt của kẻ thù. (0.25đ)
+ Cô làm công việc của tổ trinh sát mặt đường là: “Đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. (0.5đ)
→ Một công việc hết sức nguy hiểm nhưng điều đó càng làm ngời sáng tinh thần quả cảm của cô. (0.5đ)
- Tính cách: trong sáng, mộng mơ, hồn nhiên và đầy trẻ thơ (0.5đ)
+ Là cô gái Hà Nội vào tham gia chiến trận. Dù trong khói lửa chiến tranh vẫn luôn đầy ắp những kỉ niệm về Hà Nội và gia đình. (0.5đ)
+ Là một cô gái lạc quan, hay cười, thích ngắm mình trong gương, tự đánh giá bản thân là cô gái khá với đôi mắt “dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng”, được các anh lái xe nhận xét là “cô có cái nhìn sao mà xa xăm” (0.5đ)
→ Một cô gái hồn nhiên, đáng yêu, trung thực. (0.25đ)
+ Cô được nhiều người dành tình cảm quý mến
→ Cảm thấy vui, tự hào. Tâm hôn nhạy cảm nhưng thường không bộc lộ cảm xúc giữa đám đông, khiến người khác cảm thấy cô có phần hơi kiêu kì. (0.5đ)
+ Gan dạ, bình tĩnh, vượt lên mọi hiểm nguy. (0.25đ)
• Quen với công việc đầy hiểm nguy: “Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi”. Nhưng mỗi lần trải qua thử thách vẫn như một cuộc thách thức thần kinh cho đến từng cảm giác.
• Làm việc hết sức bình tĩnh, thành thục khi phá bom. (0.25đ)
+ Quan tâm, lo lắng hết mình cho đồng đội khi bạn đi lên cao điểm chưa về; chăm sóc tận tình khi đồng đội bị thương; thấu hiểu tính cách đồng đội. (0.25đ)
+ Bản thân cũng rất cần nhận được sự khích lệ từ đồng đội.
→ Một nữ thanh niên xung phong anh hùng nhưng cũng rất đời thường với thế giới nội tâm đầy phong phú. Ngòi bút của Lê Minh Khuê đã thành công trong việc khắc họa tâm lí nhân vật. Trong chiến tranh, con người sẵn sàng bất chấp hiểm nguy, chấp nhận hi sinh cả tính mạng của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. (0.5đ)
2.
Xác định các phép liên kết được sử dụng trong các câu sau:
a. Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối bao trùm lấy hai con mắt. (Kim Lân)
→ Phép liên kết: nhìn ra – con mắt. → Phép liên tưởng (1đ)
b. Khu vườn nhà Lan không rộng lắm. Nó chỉ bằng một cái sân nhỏ nhưng có bao nhiêu là cây.
→ Phép liên kết: khu vườn nhà Lan – nó. → Phép thế (1đ)