Trang chủ > Lớp 9 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án) > Đề kiểm tra tập làm văn số 3 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 3) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 3 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 3) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 3 Học kì 1
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 3)
Đề 3: Nhân ngày 20/11 kể cho các bạn nghe về kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.
Dàn ý
A. Mở bài
Giới thiệu về hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ, giới thiệu về kỉ niệm đáng nhớ giữa bản thân với thầy cô giáo cũ
+ Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, tôi bồi hồi nhớ vềnhững kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô
B. Thân bài: Kể lại nội dung câu chuyện
- Giới thiệu khái quát về người thầy cô đó
+ Đó là câu chuyện vui hay buồn, xảy ra vào hoàn cảnh, thời gian nào?
+ Kỉ niệm đó liên quan tới thầy cô giáo dạy lớp mấy của em
+ Dáng vẻ, tính cách, công việc hằng ngày của thầy cô
- Kể lại diễn biến của kỉ niệm (câu chuyện)
+ Câu chuyện đó bắt đầu như thế nào, đâu là cao trào của câu chuyện?
+ Tình cảm, cách ứng xử của thầy cô và những người biết/ chứng kiến câu chuyện
+ Câu chuyện đó kết thúc như thế nào
+ Nêu cảm nghĩ của bản thân thông qua kỉ niệm
+ Cảm nhận về tấm lòng, vai trò của người thầy cô dành cho học trò nói chung và dành cho em nói riêng
C. Kết bài
Kỉ niệm đáng nhớ đó đã để lại ấn tượng với em như thế nào. Tình cảm và sự kính trọng của em dành cho người thầy/ cô ấy
Bài mẫu
Chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày 20 tháng 11, cũng là ngày trường tôi tổ chức lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba – phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng. Trong những ngày này không khí lao động và học tập của trường thật sôi nổi và hào hứng. Nhiều thầy cô giáo cũ đã về hưu hay đang công tác ở xa cũng lần lượt trở về thăm trường. Cả ngôi trường được quét vôi lại mang vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đẹp. Cột cờ cũ được thay bằng cột kim loại không gỉ. Sân trường, hội trường, các lớp học, các phòng chức năng... tất thảy đều sáng bừng lên. Thư viện nhà trường được bổ sung thêm rất nhiều sách mới... .
Chiều hôm ấy, tôi vừa bước ra khỏi cổng trường thì tình cờ gặp thầy Nguyên, thầy chủ nhiệm dạy mẹ tôi thời chống Mỹ, và dạy tôi vào năm lớp 6, ba năm về trước. Thầy dạy môn toán và làm chủ nhiệm lớp 6 của tôi. Thầy nay đã về hưu, hiện sống ở quê thầy, cách trường trên 40km. Thầy nhận ra tôi trước. Thầy cất tiếng hỏi rất ấm áp:
- Em Vinh đấy à? Trông em lớn quá rồi nhỉ! Học lớp 9 rồi chứ? Em còn nhớ thầy nữa không...
Tôi bất ngờ nên đứng sững người ra, nói lắp bắp sau hai tiếng "thưa thầy" rồi nước mắt ứa ra. Hai thầy trò chuyện trò với nhau một lát thì tôi chào thầy ra về, vì biết thầy đạp xe đường xa rất mệt. Thầy nắm vai tôi, nhẹ nhàng nói: "Em cho thầy gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến bố mẹ em... "
Xã Bình Minh quê hương tôi có ba thôn: thôn Thượng, thôn Trung và thôn Hạ. Ngoài làm nông, bà con ở xã tôi còn có nghề làm hương, làm mộc mĩ nghệ nổi tiếng trong vùng. Trường cấp II Bình Minh của tôi trước đây là niềm tự hào của bà con làng trên xóm dưới, một vùng quê giỏi làm kinh tế và hiếu học.
Thầy Nguyên sau vài năm dạy học ở Bình Minh thì đi lính, thầy từng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây – Nam. Thầy bị thương ở chân và bụng, bị mất cánh tay phải. Năm 1986, thầy trở lại công tác tại trường. Ông tôi nói: "Việc thầy Nguyên trở lại trường Bình Minh xã ta là một việc làm rất tình nghĩa... " Tôi vừa đi vừa bồi hồi suy nghĩ về thầy.
Sau ba năm gặp lại, trông thầy vẫn như xưa. Dáng cao gầy, đôi mắt sáng hiền từ. Tóc có lẽ đã bạc thêm vẫn cắt ngắn. Bộ quần áo ka-ki sẫm màu, ống tay phải cài kim băng. Có lẽ vì là ngày lễ nên thầy mang đôi giày vải còn mới. Vai trái khoác chiếc túi vải đã bạc màu, chiếc túi ngày xưa thầy vẫn hay dùng để đựng sách vở, tài liệu khi đến lớp. Vẫn là chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ ấy... . Thầy vừa dắt xe vừa bước thong dong.
Tuy chỉ còn lại một tay nhưng thầy làm gì cũng nhanh và khéo léo. Trước khi về trường công tác, ở trại thương binh, thầy đã khổ luyện viết, vẽ, làm việc bằng tay trái suốt hai năm. Là giáo viên dạy toán, thầy không dùng được thước, chỉ vẽ bằng tay mà đường nét vẫn thẳng tắp. Chữ thầy phê vào bài, vào vở học trò, hay viết lên bảng, trông đều tăm tắp và rất đẹp.
Ở trường Bình Minh từ trước tới nay không có chuyện học thêm. Thầy Nguyên đều đặn mỗi tuần hai buổi, đến với từng nhóm học trò, hỗ trợ thêm cho những em học yếu, những em học giỏi. Các vị phụ huynh đều coi thầy giống như người nhà. Đặc biệt là các cụ già, các bác cán bộ về hưu rất quý trọng thầy thương binh của xã mình. Thầy vẫn thường đến thăm ông nội tôi đôi lần mỗi tháng khi thầy còn dạy học.
Sau khi hai người con của thầy tốt nghiệp Đại học, ra trường đi làm, số tiền trợ cấp thương tật, thầy lại để dành làm phần thưởng cho những học trò vượt khó học chăm, học giỏi.
Các thầy cô giáo vẫn thường ca ngợi tấm gương tự học của thầy Nguyên. Thầy tự học thi được bằng C Tiếng Anh, rồi học tại chức, thầy tốt nghiệp Đại học tiếng Anh.
Thầy là một giáo viên giỏi, rất thương yêu học trò, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Thầy vẫn thường nói với học trò trong những giờ học Đạo đức: "Thầy mồ côi cha. Gìa đình nghèo, nhờ mẹ vất vả lo cho mà học hành nên người. Đi dạy học, đi lính mà được giáo dục trưởng thành". Suốt mấy năm liền, thầy đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhưng thầy vẫn sống vô cùng giản dị, khiêm tốn. Ngày trước tôi thi học sinh giỏi Toán lớp 6 được giải Nhì toàn huyện, thầy tặng cho tôi một cuốn sổ tay rất đẹp với dòng nhắn nhủ được ghi cẩn thận: "Chúc em Vinh cố gắng, ngoan ngoãn và học giỏi, vươn lên! ". Tôi vẫn luôn giữ cuốn sổ ấy như một kỉ vật quý báu của một tấm lòng vàng.
Về nhà tối hôm ấy, tôi khoe chuyện gặp thầy Nguyên ở cổng trường và chuyển lời hỏi thăm của thầy với ông nội và cha mẹ. Trong bữa cơm, ông nhắc lại một vài kỉ niệm về thầy, rồi nói: "Sáng mai ông ra trường gặp thầy Nguyên và mời thầy vào nhà chơi". Mẹ thì nói: "Ngày thầy đi lính, cả lớp đều khóc. Thế mà đã 35 năm trôi qua. Chóng thật! "...