Trang chủ > Lớp 9 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án) > Đề kiểm tra tập làm văn số 3 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 2) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 3 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 2) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 3 Học kì 1
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 2)
Đề 2. Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
Dàn ý
A. Mở bài
Giới thiệu về hoàn cảnh diễn ra cuộc gặp gỡ (không gian, địa điểm, thời gian, nhân vật)
B. Thân bài: Diễn biến của cuộc gặp gỡ
Miêu tả hình ảnh của người lính lái xe sau nhiều năm cuộc chiến tranh chấm dứt.
+ Giọng nói, tiếng cười, trang phục, lời nói...
Tưởng tượng ra cuộc trò chuyện với người lính lái xe
- Trò chuyện về cuộc sống chiến đấu thời kháng chiến chống Mĩ ác liệt như thế nào
- Hỏi về cảm xúc của người lính lái xe khi phải đối mặt với những hiểm nguy
- Khi không có các phương tiện hiện đại còn giặc lại có khí giới hiện đại tối tân làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng được
- Thể hiện suy nghĩ của bản thân về chiến tranh, về những trang sử hào hùng của ông cha
C. Kết bài
Thời khắc chia tay người lính lái xe, ấn tượng về nhân vật và giấc mơ.
Bài mẫu
“Không có kính là xe không có kính”… À “Không có kính bởi xe có kính”… Không phải... Aaa… Sao học mãi không thuộc vậy? Tôi tức giận ném cuốn sách giáo khoa vào góc bàn không thèm học nữa. Tôi đi ngủ nhưng không hiểu sao tôi lại đi lạc giữa một khu rừng. Đang vô cùng lo lắng, sợ hãi tôi bắt gặp một ông già mặc trên người bộ quân phục xanh. Ông giới thiệu ông là một người lính, nay tìm về nơi chiến trướng xưa để thăm bạn.
Tôi vẫn chưa hết sợ hãi cho đến khi ông bảo sẽ giúp tôi tìm đường về nhà. Ông hỏi tôi sao lại lạc đến đây, đi một mình rất nguy hiểm. Lúc này tôi mới dám để ý kĩ đến dáng vẻ ông. Ông có nụ cười hiền, thân thiện, tuy đã già nhưng có vẻ ông vẫn rất minh mẫn khỏe mạnh. Tôi hỏi ông là ai? Ông bảo cứ gọi ông là ông lính, ông là một người lính lái xe dọc tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ cứu nước. Năm 1969, ông hay lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, tuyền đường huyết mạch nối liền Bắc Nam, kẻ thù luôn tìm cách bắn phá để ngăn cản sự viện trợ của quân ta. Cánh rừng này là nơi bí mật trước kia ông cùng đồng đội nghỉ ngơi, tránh sự truy lùng của kẻ thù. Giờ đi theo đường mòn nhỏ kia là có thể ra được đường quốc lộ, như vậy tôi có thế bắt xe về nhà. Tôi mừng quá, đi theo ông, vừa đi tôi vừa hỏi han rất nhiều thứ.
- Ông ơi, thế hóa ra ông là những người lính trẻ giống như trong bài thơ của ông Phạm Tiến Duật ạ? Cháu không tin là có nên học mãi bài thơ mà không thuộc.
- Ông cười hà hà: Đúng đấy cháu, nếu không có thật thì làm sao có thể đi vào bài thơ.
- Tôi bảo: Không lẽ cái xe nào cũng mất kính, mất đèn hả ông? Thế thì lái làm sao được?
- Ông bảo: Đúng thế đấy cháu ạ. Trên thực tế còn có những chiếc xe bị hỏng hóc nặng hơn cả trong bài thơ viết nữa cơ. Trận chiến ấy thực sự ác liệt. Ông và đồng đội của mình đã vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù. Có lúc chúng bắn phá vào đoàn xe, có lúc lại dội bom làm hỏng đường. Xe chạy liên tục cả nghìn cây số, từ ngày này qua ngày khác. Mà đường ngày ấy thì toàn đất đá, không phải đường trải nhựa như bây giờ. Vì thế xe nào cũng đều hư hỏng vài bộ phận cháu ạ. Nhưng vẫn lái tốt… Ông cười hà hà tự hào
Tôi càng nghe càng cảm thấy hứng thú, tôi ngỏ ý muốn ông kể cho tôi nghe về những người đồng đội, những chiếc xe của ông. Ông vui vẻ đồng ý. Ông nhắc tôi đi theo ông, đi cẩn thận, vừa đi ông vừa kể.
- Những năm tháng ấy là những năm tháng chẳng thể nào quên. Bao nhiêu khó khăn gian khổ những cũng đầy tự hào. Quân Mĩ không chỉ tìm cách phá đường mà còn còn đốt rừng, phá hủy nơi ẩn náu của quân ta. Ông cùng các bạn lái xe ngày đêm không biết mệt mỏi để viện trợ cho anh em trong miền Nam ruột thịt. Đường bị bom phá thì có các cô gái thanh niêm xung phong mở đường. Đấy cháu thử nghĩ xem, như thế thì người con vỡ còn xước huống chi là xe. Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi là vì như thế đó. Lái xe không kính cũng vui lắm cháu ạ, gió táp vào mặt mát rượi, chẳng cần quạt gió. Có bụi bẩn thì lấy tay xoa một cái là xong. Bụi phủ trắng cả tóc, mặt mũi thì lấm lem, nhưng ông và các bạn vẫn vui vẻ, hăng hái lắm. Cùng nhau châm điếu thuốc phì phèo, trêu đùa cười ha ha át cả tiếng bom đạn cháu ạ. Giờ các cháu còn trẻ cứ thích tắm mưa mà không được vì cha mẹ mắng chứ trước các ông tắm mưa suốt. Ở đây, cứ mưa là mưa rất to, nước mưa ngấm vào da vào thịt làm các ông tê tái. Đi xe trong đêm mà gặp hôm sương muối nữa thì da thịt như có kim châm ấy cháu ạ. Lạnh, đói, rét các ông ngồi sát vào nhau để giữ ấm. Nhưng vì miền Nam, vì Tổ Quốc thân yêu các chú lại chặc lưỡi đùa với nhau, lát nữa gió lùa là khô nhanh thôi. Xe không kính cũng có cái hay của nó cháu ạ. Các ông có thể thoải mái nhìn ngắm chim bay, ngắm sao trời. Gặp đồng đội chẳng cần xuống xe mà vẫn có thể bắt tay nhau. Vất vả mà vui lắm cháu ạ. Có gian khổ mới biết trân trọng những sống trong yên bình. Đó là những phút giây ông cùng đồng đội nấu cơm chung, ăn chung. Lúc nấu cơm cũng cần phải rất cẩn thận, nấu bằng bếp Hoàng Cầm để tránh cho khói không bay lên. Khói mà bay lên địch phát hiện ra ngay, chúng sẽ mang máy bay đến thả bom là nguy. Các ông hễ cứ gặp được nhau là quý cháu ạ, coi nhau như anh em một nhà, như người trong gia đình hết. Nhưng đáng tiếc thay, giờ đội lính lái xe ấy chỉ còn lại ông và một ông nữa đang nằm điều trị ở bệnh viện… Mà sao cháu lại khóc? Không phải sợ, kìa, ông cháu mình ra đến đường lớn rồi.
Tôi lắc đầu, ông ơi cháu không sợ, cháu cảm động quá, cháu thực sự rất thán phục các ông. Các ông vĩ đại quá, các ông thật anh hùng. Vậy mà… Có một bài thơ cháu cũng không chịu khó học. Ông lại cười thích thú… Ông xoa đầu tôi…
Tôi choàng tỉnh. Ồ, hóa ra đó chỉ là một giấc mơ những giấc mơ này thật chân thực. Cuốn sách giáo khoa vẫn nằm ở kia. Tôi bồi hồi kết nối lại toàn bộ giấc mơ. Tôi cầm sách lên, trân trọng từng con chữ. Lạ thật, chỉ một lát sau tôi đã thuộc lòng cả bài thơ, tôi còn hiểu hết nội dung ý nghĩa của bài thơ nữa chứ:
“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”