Trang chủ > Lớp 9 > Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án) > Đề kiểm tra tập làm văn số 1 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 1) - Ngữ Văn Lớp 9

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 Học kì 1
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 1)
Đề bài: Cây lúa Việt Nam
Dàn ý
A. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát đôi nét về cây lúa Việt Nam.
B. Thân bài:
- Nguồn gốc của cây lúa: Từ thời xa xưa, khi con người bắt đầu biết cách trồng trọt.
- Đặc điểm cấu tạo của cây lúa:
+ Lúa là một trong những loại cây lương thực chính của Việt Nam nói riêng và cả châu Á nói chung.
+ Cây lúa có rất nhiều các loại giống khác nhau, mỗi loại phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình của từng vùng miền như: Nếp 97, xi, quy..
+ Lúa thuộc họ cây thân mềm, rễ chùm, dài. Thân lúa thường mọc thẳng. Lá lúa dài như lưỡi kiếm, mặt lá nhám. Khi còn non thì có màu xanh mướt, khi chín, lá lúa khoác trên mình một màu vàng vàng óng ả, cùng với hương thơm thoang thoảng tỏa ra từ bông lúa chín tạo nên một nét vẽ thôn quê bình yên đến lạ. Bông lúa nằm ở phía ngọn của cây, mọc thành từng chùm, sau sinh trưởng và trở thành hạt lúa. Hạt lúa được người nông dân xay xát và làm thành hạt gạo.
+ Cây lúa là loại cây chủ yếu sống dưới nước.
- Quá trình sinh trưởng của cây lúa chia làm 3 thời kỳ:
+ Khi mới cấy
+ Lúa đang ở thời con gái
+ Lúa thời kỳ trổ bông và làm mẩy
- Cách trồng lúa và chăm sóc cây lúa:
+ Trồng lúa đòi hỏi người nông dân phải tỉ mỉ ở mỗi một công đoạn: Từ khâu chọn giống lúa, phải chọn giống sao cho đạt tiêu chuẩn, giống năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, đến khâu chuẩn bị đất: Dọn cỏ, làm đất cho đến gieo mạ, bón phân, quản lý lượng nước cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây lúa, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh hại. Khi lúa trổ bông rồi đến kỳ thu hoạch, người nông dân lại lam lũ ra đồng cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xát gạo.
- Công dụng, ý nghĩa:
+ Hạt gạo được coi là loại lương thực chính của người nông dân, một thứ chẳng thể thiếu trong mâm cơm của bất kỳ gia đình Việt nào, từ giản đơn cho đến sang trọng.
+ Thân lúa ngày xưa cũng thường được phơi khô dùng để lợp nhà, bện chổi, làm chất đốt. Rơm dạ là thức ăn chính của trâu, bò. Người ta còn sử dụng thân cây để ủ phân, cấy nấm.
+ Hạt gạo không chỉ để nấu thành cơm mà qua chế biến còn trở thành những món ăn ngon lạ miệng: Bánh trôi, bánh tét, bánh giò... Bột gạo là nguyên liệu làm thành bánh phở, mỳ chũ. Lúa nếp non làm nên thứ cốm dẻo thơm phảng phất dư vị nồng nàn của Hà Nội xưa cũ.
+ Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng, và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
C. Kết bài:
Khẳng định lại ý nghĩa và vai trò, tầm quan trọng của cây lúa Việt Nam.
Cây lúa vừa là cây lương thực quý giúp nuôi sống con người, vừa là linh hồn của mọi làng quê Việt Nam, cây lúa cũng góp phần làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước.
Bài mẫu
Nước Việt Nam được phủ xanh bởi muôn ngàn loại cây lá khác nhau, đi từ Bắc chí Nam, dọc theo các tuyến đường quốc lộ hay ven những dãy núi, những dòng sông, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp những cánh đồng lúa xanh tận chân trời hay vàng tươi một màu trù phú. Cây lúa là người bạn thân thiết của con người, là biểu tượng của sự no đủ phồn vinh của đất nước.
Lúa thuộc họ cây thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa dài và mỏng như lưỡi kiếm, mặt lá nhám, gân lá chạy song song. Rễ của cây lúa không quá dài, mọc thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa vươn thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Bông lúa nhỏ nhắn, mọc thành những chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Bông lúa cũng chính là quả lúa đồng thời phát triển trở thành hạt lúa sau này. Bông lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy phần nhuỵ ở bên trong. Lúc bông lúa nở, phần đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.
Muốn lấy được hạt gạo bên trong, con người phải trải qua nhiều công đoạn: từ gặt lúa, mang lúa về, tuốt lấy hạt, phơi cho hạt thật khô. Sau đó đổ lúa vào trong cối, dùng chày mà giã liên tục cho đến khi lớp vỏ trấu bong tróc ra. Kế tiếp phải sàng sảy để lọc ra những hạt gao chắc mẩy... Ngày nay, máy móc đã dần thay thế cho sức người, năng suất cũng vì thế mà tăng dần theo thời gian, nhưng ở những vùng cao người ta vẫn dùng chày để giã gạo. Tiếng chày "cụp, cum" văng vẳng trong đêm gợi lên khung cảnh về một cuộc sống lao động thanh bình mang đậm bản sắc riêng của người dân Việt.
Cây lúa ở nước ta rất đa dạng về giống loại. Phụ thuộc vào đặc điểm địa lý của từng vùng, từng miền mà người ta lựa chọn giống lúa thích hợp để trồng. Ở miền Bắc với những vùng đồng chiêm trũng, người ta chọn giống lúa chiêm thích hợp với nước sâu để cấy trồng, miền Nam đồng cạn, đất phù sa màu mỡ thích hợp với những giống lúa cạn. Ở những vùng hay ngập lụt như Tân Châu, Châu Đốc, Mộc Hoá, Long Xuyên người ta chọn giống lúa "trời" hay còn gọi là lúa nổi, lúa nước để gieo trồng. Gọi là lúa "trời" vì việc trồng tỉa người nông dân cứ phó mặc cho trời. Gieo hạt lúa xuống đồng, gặp mùa nước nổi, cây lúa cứ vươn cao dần lên theo con nước. Đến khi nước rút, thân lúa dài nằm đổ rạp trên đồng và bắt đầu trổ hạt. Người dân chỉ việc vác liềm ra cắt lúa đem về.
Ngày nay, dưới sự phát triển của ngành nghiên cứu nuôi trồng đã cho ra đời nhiều giống lúa ngắn ngày có năng suất cao như NN8, Thần Nông 8, ÔM, IR66...
Theo như điều kiện khí hậu và thời tiết ở nước ta, cây lúa thường được trồng vào các vụ mùa sau: miền Bắc trồng vào các vụ lúa chiêm, lúa xuân, miền Nam chủ yếu là lúa Đông Xuân và lúa Hè Thu. Các loại lúa ngắn ngày thường không bị ảnh hưởng bởi vụ mùa.
Hạt lúa đã mang đến cho nhân dân ta hai đặc sản quí có từ lâu đời. Đó là bánh chưng, bánh giầy và cốm. Bánh chưng bánh giầy xuất hiện từ thời Hùng Vương, là biểu trưng cho trời và đất. Người Việt ta dùng hai loại bánh này đem dâng cúng tổ tiên và trời đất vào những dịp lễ tết. Nó đã trở thành đặc sản truyền thống của dân tộc Việt.
Cốm, một thứ đặc sản nữa từ cây lúa. Chỉ những người có chuyên môn mới định được chính xác lúc gặt thóc nếp mang về. Qua nhiều khâu chế biến, bằng những phương pháp mang tính gia truyền từ đời này sang đời khác đã biến hạt lúa nếp thành thức cốm dẻo, thơm và ngon. Nhắc đến cốm, người ta sẽ nghĩ ngay tới đặc sản cốm làng Vòng ở Hà Nội.
Chung quy lại, cây lúa có đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế nước ta - một nền kinh tế chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa từ bao đời nay là người bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn