Trang chủ
> Lớp 9
> Đề kiểm tra Ngữ Văn 9 (có đáp án)
> Đề kiểm tra tập làm văn số 3 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 4) - Ngữ Văn Lớp 9
Đề kiểm tra tập làm văn số 3 lớp 9 Học kì 1 (có đáp án - Đề 4) - Ngữ Văn Lớp 9
Đề kiểm tra tập làm văn số 3 Học kì 1
Môn: Ngữ Văn lớp 9
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề 4)
Đề 4: Kể lại cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân Ngày thành lập Quân đội
Dàn ý
A. Mở bài
Hoàn cảnh diễn ra cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân ngày 22/12, trường em tổ chức tới thăm doanh trại…
Em được đại diện cho các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh đã đấu tranh, hi sinh để bảo vệ Tổ Quốc
B. Thân bài
- Không khí phấn khởi, sôi động khi trước khi chuẩn bị cho chuyến đi
- Trên đường đi ai cũng háo hức với mong muốn được gặp các chú bộ đội
- Khi gặp gỡ, sau màn chào hỏi, mọi người được dẫn đi thăm quan phòng sinh hoạt truyền thống, nơi luyện tập, phòng ăn tập thể… của đơn vị
- Tại hội trường nơi diễn ra cuộc gặp gỡ được giao lưu nghe các anh, các chú nói chuyện
+ Giới thiệu về người giao lưu
+ Nội dung câu chuyện, kể về việc gì, kể về ai, diễn ra ở đâu, diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào
+ Các chú, các anh kể về chuyện chiến đấu trong lịch sử, kể về truyền thống của quân đội…
- Thay mặt cho các bạn em phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ cha anh dã đấu tranh, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc
+ Phát biểu tình cảm: tự hào, biết ơn, xúc động
+ Lời hứa: cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt, xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ cha anh
C. Kết bài
Thông qua cuộc gặp gỡ đã để lại cho em những cảm xúc gì
Bài mẫu
Có lẽ chúng ta ai cũng biết ngày 22-12 là ngày gì. Và ngày này mang một ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với dân tộc, với đất nước và với mỗi con người Việt Nam chúng ta. Nó không chỉ trở thành ngày lễ dành riêng các chú, các bác trong quân ngũ mà nó còn là ngày vui chung của tất cả mọi người trên đất nước Việt Nam.
Nhân kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, để giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử đấu tranh của dân tộc, trường em đã tổ chức một buổi tham quan đến Viện Bảo tàng Quân đội. Chuyến đi này đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc, những bài học thú vị và bổ ích. Hơn thế nữa cũng trong chuyến tham quan lần này, chúng em đã được vào thăm Phòng Truyền thống của Viện bao tàng, gặp gỡ với những con người đã đi vào lịch sử dân tộc: Đại tá Bùi Quang Thận – người trực tiếp lái xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc lập Ngày 30-4; Đại tá Lê – người trực tiếp kéo cờ trong ngày Quốc khánh 2-9.
Cuộc trò chuyện diễn ra thật vui vẻ, bổ ích. Chúng em vây quanh hai bác.
Gương mặt ai ai cũng háo hức lạ thường; bởi trong lòng mỗi người đều cảm thấy hãnh diện vì đã được trực tiếp gặp gỡ những người anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Linh Hương – lớp trưởng đứng lên thay mặt cả lớp hỏi thăm tình hình sức khỏe của các bác. Nhìn những tấm huân huy chương sáng lấp lánh trên ngực áo, em thấy được một phần công lao của các bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Bác Lê dịu dàng hỏi:
– Thế nào, các cháu khỏe chứ? tình hình học tập ra sao?
– Có ạ, có ạ! Học kì một, lớp chúng cháu hầu hết đều đạt được học lực giỏi, hạnh kiếm tốt đấy bác ạ. – Cả lớp nhao nhao.
– Thế là tốt, rất tốt. Các cháu đã thực hiện tốt năm điều Bác Hổ dạy, thế là ngoan lắm! Bác Lê gật gù:
Bây giờ các cháu muốn hỏi gì nào?
Một loạt cánh tay giơ lên, cả lớp nhao nhao nhưng Quý nhanh nhảu giơ tay lên trước:
– Bác ơi! Vì sao lại có ngày 22-12 ạ?
Bác Thận gật đầu, mĩm cười rồi ôn tồn giải đáp:
– Thế này cháu ạ! Vào ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ta ra chỉ thị cho các cấp chuẩn bị khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí lúc bấy giờ vô cùng sục sôi trong tất cả các khu căn cứ. Chính bác cũng cảm nhận được bầu không khi bận rộn. Tình hình thời cuộc khi ấy rất khẩn trương gấp rút, vào khoảng tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ “Phe xâm lược gần đón ngày bị tiêu diệt… Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh! ”. Sau đó, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập vào ngày 22- 12-1944 nhằm phát động phong trào đấu tranh cả về mặt chính trị và quân sự để thúc đẩy nhanh quá trình cách mệnh tiến lên mạnh mẽ hơn nữa. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng liên tục hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần. Kể từ đó ngày 22-12-1944 đã trở thành ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cháu đã rõ chưa nào?
Giờ thì em đã hiểu rõ về nguồn gốc của ngày 22-12 qua lời kể của bác Thận, hiểu hơn về truyền thống yêu nước và ý chí đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc và đặc biệt là các chú, các bác trong quân đội. Càng hiểu nơi bắt đầu thì càng phải trân trọng, càng cần phải khắc ghi nó vào tiềm thức. Đó cũng là việc làm để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các bậc tiền bốì đã hi sinh để ngày lễ này càng có ý nghĩa và sâu sắc.
Kế tiếp là câu hỏi của Trang dành cho bác Lê:
– Thưa bác? Vào ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường lịch sử Ba Đình, bác là người trực tiếp kéo lá cờ Việt Nam lên cột cờ trong lúc mọi người hát Quốc ca. Cho cháu hỏi: Tâm trạng của bác khi ấy như thế nào ạ?
– Đúng là lúc ấy bác mang trong mình trọng trách nặng nề. Bác vừa mừng lại vừa lo. Các cháu có biết tại sao không? Mừng vì bác là người vinh dự được trực tiếp kéo cờ trong một buổi lễ hết sức quan trọng; rất vinh dự và tự hào. Lo là vì phải kéo cờ làm sao cho vừa hết bài Quốc ca thì cờ cũng phải được kéo lên đỉnh cột cờ. Trong lúc đang kéo cờ thì trong bác có một dâng lên một niềm cảm xúc rất khó tả nhưng vô cùng mãnh liệt: Sự xúc động đã lấn át trái tim bác. Lòng bác như muốn hét lên thật to: Việt Nam tự do! Việt Nam độc lập! Hồ Chủ tịch muôn năm! ”.
Nỗi xúc động cứ đan xen vào nhau. Em thấu hiếu rằng ngày 2 -9 mang ý nghĩa cực kì to lớn trong mỗi con người Việt Nam, làm đẹp thêm cho tâm hồn con người và làm vẻ vang thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Khuôn mặt mỗi thành viên của lớp 9A6 cũng mang một biểu cảm khác nhau. Có người bộc lộ nét tươi vui, sung sướng, hãnh diện và tự hào vì đất nước ta đã giành chiến thắng từ tay thực dân Pháp bằng rất nhiều nỗ lực phi thường, cũng có bạn tỏ vẻ mặt trầm tư, suy nghĩ. Có lẽ các bạn đang nghĩ, để được sống trong hòa bình, độc lập như ngày hôm nay, dân tộc ta đã đổ xuống không biết bao nhiêu xương máu, bao nhiêu con người đã mãi mãi nằm xuống cho Tổ quốc quyết sinh.
Sau đó, bác Thận ân cần kể lại cho chúng em nghe về chiến thắng lịch sử ngày 30-4. Nhờ có lời kể của bác mà chúng em biết được chiến thắng lừng lẫy dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta và sự trợ giúp to lớn của bạn bè năm châu.
Chính lúc này đây, em cảm thấy thật sự xúc động. Lòng biết ơn, niềm tự hào, xen lẫn một chút hãnh diện, một chút hổ thẹn đã tạo nên trong lòng em một niềm xúc cảm khó tả. Em đứng lên phát biểu những nghĩ suy và tình cảm của mình.
Cháu xin thay mặt cho các bạn ngồi đây có đôi lời phát biểu. Thế hệ chúng cháu may mắn sinh ra đã được hưởng một nền hòa bình. Chúng cháu biết, để có được ngày hôm nay, cả dân tộc Việt Nam ta đã phải đánh đổi rất nhiều. Chúng cháu rất biết ơn các bác, những người đã hi sinh biết bao công sức và xương máu để bảo vệ nền độc lập cho đất nước. Chúng cháu xin hứa sẽ nỗ lực rèn luyện, học tập và tu dưỡng đạo đức thật tốt để tương lai xây dựng đất nước vững mạnh hơn. Và ngày mai bắt đầu từ ngàv hôm nay. Ngay bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng cháu sẽ cố gắng học tập tốt, để khi vào đời góp phần đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Chúng cháu sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống mà cha anh đi trước để lại. Cuối cùng, cháu xin chúc các bác có một sức khỏe dồi dào để công tác tốt.
Em vừa kết thúc câu nói, một tràng pháo tay rộn rã vang lên. Tiếp theo, chúng em cùng các bác đi thăm Viện Bảo tàng. Vừa đi, các bác vừa giảng giải cho chúng em nghe về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Trời gần trưa, ánh nắng dần trở nên gay gắt, chúng em luyến tiếc chia tay các bác để lên xe ô tô trở về trường.
Buổi ngoại khóa tuy kết thúc nhưng đã để lại trong lòng chúng em những ấn tượng khó quên. Đối với riêng em, đây là một dịp để nói lên những nghĩ suy của mình với thế hệ cha anh đi trước, làm tăng thêm lòng quyết tâm và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.